Nhận thấy việc sử dụng điện mặt trời trên mái nhà mang lại hiệu quả kinh tế nhất định, nên mặc dù chi phí đầu tư ban đầu tương đối cao nhưng một số hộ gia đình trên địa bàn tỉnh vẫn quyết định lắp đặt sử dụng.
Nhận thấy việc sử dụng điện mặt trời trên mái nhà mang lại hiệu quả kinh tế nhất định, nên mặc dù chi phí đầu tư ban đầu tương đối cao nhưng một số hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn quyết định lắp đặt sử dụng.
Tiết kiệm tiền triệu
Bà Lê Thị Hạnh (tổ 1, xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang) là hộ đầu tiên tại Khánh Hòa lắp đặt và hòa lưới thành công hệ thống điện mặt trời trên mái nhà có công suất 5kWp với số tiền đầu tư 120 triệu đồng. Trước đây, trung bình hàng tháng gia đình bà Hạnh sử dụng khoảng 1.300kWh cho các thiết bị: máy lạnh, tủ lạnh, bếp điện, ti vi, các thiết bị gia dụng khác… Song từ khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời thì mỗi tháng giảm được khoảng 700kWh, tiết kiệm hơn 1,8 triệu đồng.
Gia đình bà Nguyễn Thanh Trà Giang (chủ nhà hàng Pizza Giang 97B Vân Đồn, TP. Nha Trang) cũng tiết kiệm được nhiều tiền điện từ việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Được sự tư vấn của một công ty chuyên lắp đặt hệ thống điện mặt trời, gia đình bà đã đầu tư 28 tấm pin điện mặt trời có tổng công suất pin lắp đặt 17,8kWp với kinh phí 417 triệu đồng. Toàn bộ hệ thống được đưa vào hoạt động từ tháng 12-2017. “Với hệ thống này hàng ngày nhà hàng của gia đình tôi thoải mái sử dụng điện. Chỉ ban đêm mới cần dùng đến điện lưới quốc gia. Qua 9 tháng sử dụng, nhà hàng của tôi đã tiết kiệm được khoảng 90 triệu đồng tiền điện. Nếu hiệu xuất pin không thay đổi, khoảng gần 4 năm sẽ thu hồi được vốn lắp đặt ban đầu, những năm sau đó sẽ sử dụng điện mà không tốn bất cứ chi phí nào. Tôi thấy hệ thống điện này thực sự hiệu quả đối với hộ gia đình”, bà Giang nói.
Tăng cường hỗ trợ
Theo Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa (PC Khánh Hòa), số lượng các hộ gia đình quan tâm đến hệ thống sản xuất điện mặt trời ngày càng tăng. Nếu như tháng 7 mới chỉ có 5 hộ lắp đặt hệ thống điện mặt trời thì đến ngày 31-8, toàn tỉnh đã có 16 hộ lắp đặt và đưa vào vận hành. Với hệ thống điện mặt trời áp mái, các gia đình vừa khai thác được nguồn điện tái tạo từ năng lượng mặt trời vừa sử dụng được điện từ nguồn lưới quốc gia, không lo bị gián đoạn nguồn điện sử dụng hàng ngày. Bên cạnh đó, trong tương lai, khi sử dụng không hết nguồn điện từ năng lượng mặt trời khách hàng còn có thể tận dụng nguồn dư này bán lại cho ngành điện. Công tơ điện 2 chiều sẽ ghi nhận lượng điện do hệ thống điện mặt trời phát ra và ngành điện sẽ mua lại theo giá quy định.
Ông Kiều Bảo Tâm (97B Vân Đồn, TP. Nha Trang) cho biết: “Tuy mức đầu tư ban đầu cao, song về hiệu quả lâu dài và xu hướng phát triển chung thì đây là cách làm rất thiết thực. Để khuyến khích người dân tham gia nhiều hơn nữa, các cơ quan, đặc biệt là ngành điện cần vào cuộc mạnh hơn nữa để phát triển mô hình này. Bên cạnh đó, cần sớm triển khai việc mua điện từ các hộ gia đình để họ có điều kiện bán điện dư thừa”. Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Mười (Khu đô thị Nam Sông Cái, huyện Diên Khánh) cũng chia sẻ: “Đầu tư điện mặt trời chi phí ban đầu tuy cao nhưng về lâu dài sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng, mặt khác còn góp một phần nhỏ trong kế hoạch kêu gọi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để thích ứng với biến đổi khí hậu của Nhà nước. Cơ quan chức năng nên làm cho người dân thấy được những lợi ích khi tham gia mô hình này, cần có những biện pháp tuyên truyền và hỗ trợ tốt hơn cho người dân”.
Ông Nguyễn Cao Ký - Tổng Giám đốc PC Khánh Hòa cho biết: “Thông tư 16 của Bộ Công Thương quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu (áp dụng cho các dự án điện mặt trời) đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 26-10-2017. Tuy nhiên, hiện nay sản lượng điện được sản xuất từ điện mặt trời chưa đủ lớn nên chưa thể triển khai mua điện từ các hộ gia đình. Trước mắt, PC Khánh Hòa sẽ lắp đặt miễn phí công tơ điện 2 chiều cho khách hàng để đo đếm sản lượng điện mặt trời phát ra. Đồng thời, tích cực hỗ trợ tư vấn người dân triển khai hệ thống điện mặt trời áp mái tại địa phương”.
Đình Lâm