Nhiều người cho rằng sốt là một bệnh, lo lắng tìm mọi cách để hạ sốt nhanh nhất. Tuy nhiên, sốt thực sự có lợi nhiều hơn hại.
Nhiều người cho rằng sốt là một bệnh, lo lắng tìm mọi cách để hạ sốt nhanh nhất. Tuy nhiên, sốt thực sự có lợi nhiều hơn hại.
Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sốt thường là triệu chứng của các bệnh nhiễm trùng. Sốt cũng có thể là dấu hiệu bệnh không nhiễm trùng như bệnh ác tính hoặc do một số loại thuốc. Khi tác nhân gây sốt tác động vào cơ thể, trung tâm điều nhiệt bị ảnh hưởng làm cơ thể tăng tạo nhiệt và giảm thải nhiệt.
Sốt là khi thân nhiệt của cơ thể tăng cao hơn so với mức bình thường. Nhiệt độ đo được ở hậu môn từ 38 độ C trở lên. Dựa vào nhiệt độ đo được ở hậu môn, sốt được chia thành 4 mức độ như sốt nhẹ (38-39 độ C; sốt vừa (39-40 độ C); sốt cao (40-41 độ C) và sốt kịch phát từ 41 độ C trở lên. Nhiệt độ đo ở nách thấp hơn nhiệt độ đo ở hậu môn khoảng 0,5 độ C.
Có rất nhiều nguyên nhân gây sốt như do nội sinh và ngoại sinh, do nhiễm trùng, viêm, miễn dịch, ung thư, chuyển hóa, thuốc... Nguyên nhân gây sốt ở trẻ em được phân hai nhóm:
- Nguyên nhân gây sốt dưới 7 ngày: Nhiễm khuẩn hô hấp; các bệnh nhiễm trùng hay gặp như sốt xuất huyết, sởi; nhiễm trùng tiết niệu; nhiễm trùng huyết; viêm não màng não; sốt rét.
- Nguyên nhân gây sốt từ 7 ngày trở lên bao gồm: Sốt rét; thương hàn; nhiễm trùng tiết niệu; lao; bệnh hệ thống; áp xe sâu; viêm nội tâm mạc.
Sốt được coi là một phản ứng tự vệ của cơ thể. Nó vừa có tác dụng bảo vệ cơ thể vừa ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe con người.
Tác dụng của sốt
Khi bị sốt, các phản ứng miễn dịch trong cơ thể tăng hoạt động làm tăng khả năng đáp ứng miễn dịch và tiêu diệt mầm bệnh. Chính vì thế khi tiêm chủng, nếu sốt mà phải dùng thuốc hạ sốt sẽ làm giảm khả năng đáp ứng miễn dịch của cơ thể.
Sốt kích thích các phản ứng chuyển hóa trong tế bào và tạo điều kiện để tích lũy năng lượng dự trữ. Người ta đã ứng dụng gây sốt nhân tạo nhằm mục đích điều trị trong một số trường hợp như điều trị sẹo lồi, sẹo co sau bỏng. Nguyên do là sốt làm ức chế quá trình tạo sẹo và làm mềm sẹo, tổn thương do chấn thương tủy sống, điều trị thể sớm bệnh giang mai có tổn thương thần kinh...
Tác hại của sốt
Sốt cũng ảnh hưởng đến cơ thể, không thể coi thường. Sốt cao làm tăng phản ứng quá mẫn gây sốc, tăng quá trình tiêu hủy, giảm kẽm và sắt trong máu.
Ngoài ra, sốt làm cơ thể bị mất nước, rối loạn điện giải, có thể gây co giật. Người sốt cao cũng có thể bị các tổn thương thần kinh khác như mê sảng, lú lẫn, chán ăn, suy kiệt, suy tim, suy hô hấp...
Cách xử lý sốt
Sốt thông thường không quá nguy hiểm, nhiều trường hợp còn có lợi đối với cơ chế chống lại bệnh tật. Song, một số người do sốt quá nặng cần xử trí giảm cơn sốt.
- Đặt người bệnh vào môi trường thoáng mát hoặc nằm trên giường mát, cởi bỏ bớt quần áo. Chỉ mặc quần áo mỏng, rộng, ngắn, trẻ nhỏ có thể không đóng bỉm.
- Dùng khăn thấm nước ấm (nhiệt độ của nước chườm tốt nhất là khoảng 30-33 độ C) lau người hoặc quấn quanh người.
- Uống nhiều nước. Nếu trẻ đang bú mẹ hoàn toàn thì cho trẻ bú nhiều hơn.
- Uống thuốc hạ sốt nếu nhiệt độ đo ở hậu môn từ 39 độ C hoặc đo ở nách từ 38,5 độ C trở lên.
- Làm mát trung tâm bằng cách truyền dịch đã được làm lạnh hoặc truyền yếu tố lạnh vào tĩnh mạch cho người bệnh.
- Đề phòng co giật bằng cách theo dõi nhiệt độ thường xuyên đối với người bị sốt. Thực hiện can thiệp hạ sốt một cách khẩn trương, chính xác. Đề phòng mất nước và đặc biệt bổ sung nhiều nước cho người bị sốt.
Theo VnExpress