09:08, 13/08/2018

Khánh Sơn: Chủ động phòng, chống sâu bệnh trên cây trồng

Hiện nay đã bước vào mùa mưa, nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao tại Khánh Sơn (Khánh Hòa) có nguy cơ bị nhiễm dịch bệnh, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng. Do đó, huyện Khánh Sơn đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống sâu bệnh hại cho cây trồng.  

 

Hiện nay đã bước vào mùa mưa, nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao tại Khánh Sơn (Khánh Hòa) có nguy cơ bị nhiễm dịch bệnh, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng. Do đó, huyện Khánh Sơn đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống sâu bệnh hại cho cây trồng.  

 

Những năm gần đây, nông dân huyện Khánh Sơn đã đẩy mạnh việc chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang cây công nghiệp, cây ăn quả. Trong đó, riêng cây ăn quả đã phát triển hơn 1.600ha, với khoảng 75% số hộ gia đình toàn huyện canh tác. Theo ông Trịnh Quang Thành - phụ trách Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Khánh Sơn, khi mùa mưa đến, các loại nấm, sâu bệnh thường phát triển trên cây sầu riêng và các loại cây có múi, phổ biến là bệnh vàng lá, sì mủ, thối rễ, thối trái… Nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống, bệnh phát triển và lây lan ra diện rộng sẽ gây thiệt hại lớn cho nông dân. 

 

Người dân xã Sơn Trung phòng bệnh cho cây trồng.
Người dân xã Sơn Trung phòng bệnh cho cây trồng.
 
 
Hiện tại, trên địa bàn huyện đang bước vào mùa thu hoạch các loại cây ăn quả, nếu cây trồng bị nhiễm sâu bệnh thì thiệt hại cho người dân sẽ càng nặng nề hơn. Do đó, các ngành chức năng của huyện đã tích cực triển khai những biện pháp phòng, tránh sâu bệnh trên cây trồng, nhất là các loại cây ăn quả. “Thời gian qua, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện đã tăng cường kiểm tra thực địa để nắm bắt kịp thời tình hình sâu bệnh trên cây trồng của nông dân. Hàng tháng, đơn vị đều ra thông báo tình hình sâu bệnh, các biện pháp chăm sóc, phòng trừ cụ thể đối với từng loại cây trồng gửi các cơ quan liên quan, các xã, thị trấn và trực tiếp hướng dẫn người dân khi có yêu cầu. Trong đó, chú trọng việc chăm sóc, bón phân cân đối cho cây trồng, đảm bảo đủ nước trong mùa khô và thoát nước tốt trong những ngày mưa, luôn giữ vườn cây thông thoáng để hạn chế nơi trú ngụ của các đối tượng gây hại. Đầu mùa mưa, người dân cần sử dụng các loại thuốc có gốc đồng và vôi quét lên thân cây để ngăn chặn mầm bệnh do nấm, vi khuẩn và các loại tảo gây ra”, ông Thành nói. 
 
 
Hộ ông Bùi Ngọc Thảo (thôn Ma O, xã Sơn Trung) có khoảng 1ha đất vườn, với các loại cây ăn quả như: sầu riêng, bưởi, cam, quýt. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình ông Thảo. Do đó, khi bắt đầu mùa mưa, việc phòng, chống sâu bệnh cho cây trồng được ông Thảo đặc biệt quan tâm. Ông Thảo cho biết: “Vào mùa mưa, các loại sâu, rầy, nấm phát triển rất nhiều trên các loại cây trồng nên định kỳ 15 - 20 ngày, tôi phải xịt thuốc một lần. Không những thế, phải thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện những cây nhiễm sâu bệnh và thực hiện các biện pháp phòng, chống, tránh tình trạng sâu bệnh xuất hiện và lan rộng”.
 
 
Xã Sơn Bình hiện có khoảng 200ha sầu riêng và các loại cây ăn quả khác như: bưởi da xanh, chôm chôm, măng cụt... Ông Lê Anh Quang - cán bộ khuyến nông xã cho biết, rút kinh nghiệm mấy năm trước, tình hình sâu bệnh bùng phát trên các loại cây trồng đã gây thiệt hại khá nặng nề cho người dân. Thời gian gần đây, nhờ sự giúp đỡ của cơ quan chuyên môn, người dân đã cơ bản nắm bắt được kỹ thuật canh tác các loại cây ăn quả và hầu hết người dân đã chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống nên hạn chế đáng kể tình hình sâu bệnh. Đối với cây hồ tiêu, thời gian qua, nhiều diện tích bị thiệt hại do sâu bệnh, người dân đã dần chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. 
  
 
Trên thực tế, đầu mùa mưa, toàn huyện đã có khoảng 120ha sầu riêng, cà phê, cây có múi, hồ tiêu bị nhiễm sâu bệnh hại ở giai đoạn đầu. Để hạn chế sự phát triển của sâu bệnh, gây thiệt hại đến sản xuất, địa phương khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra, thăm vườn để kịp thời phát hiện và có biện pháp phòng trừ các loại sâu, bệnh trên cây trồng. Đặc biệt, cần làm tốt khâu vệ sinh vườn, chăm sóc phục hồi dinh dưỡng sau khi thu hoạch. Khi phát hiện cây trồng bị sâu bệnh, người dân nên thông báo với cơ quan chuyên môn để được hướng dẫn cách điều trị đúng và hiệu quả, hạn chế việc tự xử lý, nhằm tránh tình trạng người dân sử dụng những loại thuốc không đúng bệnh hoặc thuốc không đảm bảo chất lượng.
 
 
Đinh Luận