11:07, 24/07/2018

Chăn nuôi trong phòng lạnh

Hiện nay phương pháp chăn nuôi heo, gà theo công nghệ lạnh đang ngày càng chiếm ưu thế và khẳng định được tính hiệu quả. Đây là bước tiến dài trong quá trình phát triển hoạt động chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường.

Hiện nay phương pháp chăn nuôi heo, gà theo công nghệ lạnh đang ngày càng chiếm ưu thế và khẳng định được tính hiệu quả. Đây là bước tiến dài trong quá trình phát triển hoạt động chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường.


Trại lạnh chiếm ưu thế


Theo Chi cục Thú y, toàn tỉnh có khoảng 170.000 con heo, 60% trong số đó đã được nuôi theo phương pháp chăn nuôi trong phòng lạnh. Với đàn gà, 30% trong số đàn gà trên 2 triệu con đang được nuôi lạnh. Đây là những con số khá ấn tượng và số lượng heo, gà chăn nuôi áp dụng phương pháp này tăng mạnh trong khoảng 3 năm gần đây. Điểm chung của các trang trại này là có sự đầu tư bài bản về chuồng trại, áp dụng công nghệ nuôi hiện đại, quy mô tổng đàn lớn và có sự liên kết bao tiêu sản phẩm.

 

Bên trong một trại lạnh nuôi heo của một doanh nghiệp ở Khánh Vĩnh.

Bên trong một trại lạnh nuôi heo của một doanh nghiệp ở Khánh Vĩnh.


Ông Nguyễn Ngọc Quý - Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi gà Phát Tài ở xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm cho biết, từ năm 2015 đến nay, tổ đầu tư gần 2 tỷ đồng vào 1.200m2 trại lạnh để nuôi khoảng 12.000 con gà/lứa (1 lứa khoảng 45 ngày). Gà lớn nhanh, không dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp nên tổ hợp tác đã nâng thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi lứa gà.


Trong khi đó, chủ một doanh nghiệp nuôi heo khá lớn ở xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh khẳng định: Khi nhiệt độ được đảm bảo mát mẻ quanh mức khoảng 27 độ C sẽ giúp đàn heo tăng trưởng nhanh hơn do tỷ lệ chuyển đổi thức ăn tốt, heo khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt nên ít dịch bệnh. Nhờ đó, thời gian nuôi được rút ngắn, chỉ hơn 5 tháng đã có thể xuất chuồng với trọng lượng bình quân 100kg/con. Hiệu quả chăn nuôi tăng lên rõ rệt.


Bác sĩ Nguyễn Lương Thao - Phó Chi cục Thú y tỉnh cho biết, chăn nuôi trại lạnh là một trong những mô hình ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ được người nuôi áp dụng phổ biến cho chăn nuôi gà và heo. Với quy mô 1.000 con heo, mỗi năm 2 lứa mang về cho người nuôi từ 400 - 500 triệu đồng. 10.000 con gà sau khoảng 45 ngày nuôi có thể mang lại lãi ròng cho người nuôi 70 triệu đồng.


Theo tính toán, chi phí đầu tư cho 1 trại nuôi heo chuồng lạnh bình quân khoảng 1 tỷ đồng cho chuồng nuôi có công suất 1.000 con. Với nuôi gà thì 1 tỷ đồng có thể đầu tư hệ thống lạnh nuôi được 10.000 con. Theo quan sát của chúng tôi, điểm chung của các trại lạnh là được xây theo hình chữ nhật, ở chiều dọc của trại, 1 đầu được bố trí hệ thống các tấm làm mát, nước chảy trong hệ thống này giúp cho không khí đi từ môi trường bên ngoài vào sẽ được làm mát trước khi vào trong trại. Đầu còn lại của trại là hệ thống quạt hút không khí nóng, bụi bẩn, CO2 ra ngoài.


Đáp ứng đòi hỏi về môi trường


Qua quan sát, hầu hết các trại gà công nghệ lạnh hiện nay còn áp dụng cả hệ thống đệm lót sinh học. Sau vài lứa nuôi, đệm lót được làm từ vỏ trấu lẫn với phân gà sẽ được các cơ sở trồng trọt thu mua về làm phân bón. Với chăn nuôi heo, các trại lạnh cũng đầu tư luôn hệ thống xử lý chất thải, nước thải bằng hầm biogas. Theo Chi cục Thú y tỉnh, hầu hết các chủ trang trại đều quan tâm đến các yếu tố có thể tác động đến an toàn vật nuôi, tiếp đó là tác động đến môi trường chăn nuôi, môi trường xung quanh. Một trang trại, gia trại không đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường, vệ sinh thú y thì khả năng dịch bệnh sẽ tăng cao, chi phí chăn nuôi tăng trong khi vật nuôi chậm lớn… Vì vậy, cùng với việc mở rộng quy mô nuôi lên đến hàng nghìn con heo, hàng chục nghìn con gà cho mỗi trại, mức độ đảm bảo các yếu tố về môi trường cũng được các chủ trang trại quan tâm hơn.


Theo cơ quan chuyên môn, ngành chăn nuôi Khánh Hòa những năm gần đây ngày càng lớn về quy mô, có sự đầu tư mạnh mẽ vào chuồng trại, công nghệ và đã dịch chuyển từ các khu vực đông dân cư về vùng núi, khu vực hẻo lánh. Về cơ bản hiện không còn hoạt động chăn nuôi heo, gà trong nội thành, nội thị. Tỷ lệ chăn nuôi hộ nông dân giảm từ 60% xuống còn 40% trong những năm gần đây. Đó cũng là định hướng của ngành chăn nuôi Khánh Hòa đến năm 2025 với mục tiêu tăng đàn heo lên 315.000 con và đàn gà lên 2,6 triệu con.


Hồng Đăng