Nuôi chó cảnh để làm bạn, giữ nhà không còn xa lạ gì với đời sống người dân đô thị. Thế nhưng, thú vui này của nhiều người cũng đã dẫn đến nhiều phiền toái.
Nuôi chó cảnh để làm bạn, giữ nhà không còn xa lạ gì với đời sống người dân đô thị. Thế nhưng, thú vui này của nhiều người cũng đã dẫn đến nhiều phiền toái.
Buổi chiều tối, dọc công viên bờ biển TP. Nha Trang, không khó bắt gặp nhiều người mang chó ra đây vui chơi, tắm biển. Điều đáng nói, phần lớn những chú chó này đều không được chủ rọ mõm, cột xích. Chó được thả thoải mái trên bãi cỏ, thậm chí, nhiều giống chó lớn và hung dữ như: pitbull, doberman, becgie... vẫn được chủ vô tư thả rong. Chiều nào cũng đi tắm biển, chứng kiến không ít cảnh như vậy, bà Nguyễn Lan Phương (đường Hoàng Hoa Thám) phàn nàn: “Không hiểu tại sao người ta có thể nuôi chó thiếu ý thức vậy. Có người nuôi chó to, thả đi tự do, ai thấy cũng sợ”.
Ngay trong khuôn viên của các khu đô thị cũng thường xuyên xảy ra tình trạng này khiến người dân rất phiền toái. Tuy chung cư có quy định không cho nuôi chó, nhưng việc kiểm soát không chặt chẽ nên nhiều người vẫn cố tình làm lơ. Ông L.H.M sống tại Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung cho biết, cách đây hơn 2 tuần, con gái ông đang đi chơi trong công viên thì bị một con chó của nhà hàng xóm cắn vào chân, khiến bé bị chảy máu, phải đi tiêm phòng bệnh dại. Đó là chưa nói đến việc nhiều người dắt chó ra công viên, nơi công cộng phóng uế rồi không chịu thu dọn, rất mất vệ sinh.
Năm 2017, toàn tỉnh đã tổ chức tiêm phòng vắc xin dại cho 34.880 con chó, đạt 81,7%; 6 tháng đầu năm 2018, đã tiêm phòng cho 35.912 con, đạt 78%. |
Về vấn đề chó thả rông gây mất an toàn cho người dân, bác sĩ Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho hay, Thông tư số 07 ngày 31-5-2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quy định UBND cấp xã có trách nhiệm quy định cụ thể việc bắt giữ chó thả rông ở nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý; thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh dại, có dấu hiệu mắc bệnh dại. Từ đầu năm, chi cục đã có kế hoạch thực hiện Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại năm 2018 trên địa bàn tỉnh, đã được UBND tỉnh phê duyệt. Sắp tới, đơn vị sẽ tiến hành tập huấn công tác bắt chó thả rông cho các đội bắt chó thả rông do UBND cấp xã, phường thành lập.
Theo bác sĩ Lê Thắng, nhiều loại bệnh có thể lây từ chó sang người như: bệnh dại, bệnh do ký sinh trùng trên chó, sán chó... Trong đó, bệnh dại là nguy hiểm nhất vì gây tử vong trên người. Giai đoạn từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh không có ca động vật cũng như người mắc hoặc nghi mắc bệnh dại. Tuy nhiên, người nuôi bắt buộc phải tiêm phòng vắc xin dại định kỳ cho chó mỗi năm/lần; tiêm vắc xin dự phòng bệnh dại cho người có nguy cơ cao phơi nhiễm; những người làm việc tiếp xúc thường xuyên với chó, mèo nên tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại trên người...
H.PHONG