12:04, 21/04/2018

Điều kỳ diệu từ cái vỏ vứt đi hằng ngày

Trần bì là vị thuốc thường dùng trong y học cổ truyền. Vị thuốc này đã được nghiên cứu khoa học tìm ra các thành phần hóa học, tác dụng dược lý. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được hết những lý luận y học cổ truyền liên quan đến vị thuốc này.

Trần bì là vị thuốc thường dùng trong y học cổ truyền. Vị thuốc này đã được nghiên cứu khoa học tìm ra các thành phần hóa học, tác dụng dược lý. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được hết những lý luận y học cổ truyền liên quan đến vị thuốc này.
 
Vỏ quýt - trần bì
 
Trần bì là vị thuốc được làm từ vỏ quýt (quả của các loài cây Citrus reticulata Blanco, Citrus deliciosa Tenore, Citrus nobilis var deliciosa Swingle). Ai đã từng thắc mắc về cái tên trần bì hay chưa? Chúng ta cùng đi tìm lời giải đáp.
 
Trong tiếng Hán, trần có nghĩa là cũ, lâu; bì có nghĩa là da, vỏ. Vị thuốc trần bì chính là vị thuốc từ vỏ quýt để càng lâu càng tốt. Đôi khi, vị thuốc này cũng được gọi theo đúng cái tên gốc thảo dược là quất bì.
 
Trong bài thuốc cổ phương Nhị trần thang (Hòa tễ cục phương) gồm các vị thuốc: trần bì, bán hạ, phục linh, cam thảo. Trong bài thuốc này gồm 2 vị trần bì, bán hạ để lâu ngày để giảm bớt tính cay, táo nên được gọi là Nhị Trần thang.

 

Vỏ quýt cho vị thuốc trần bì.
Vỏ quýt cho vị thuốc trần bì.
Tác dụng của trần bì theo y học cổ truyền
 
Trần bì có vị cay (tân năng tán), đắng (khổ năng táo, năng tả); tính ấm (ôn năng bổ, năng hòa). Vì vậy, trần bì là vị thuốc năng táo năng tuyên, hữu bổ hữu tả, khả thăng khả giáng.
 
Trần bì là vị thuốc căn bản, được các thầy thuốc y học cổ truyền hay kê trong các đơn thuốc điều trị bệnh. Bởi lẽ trần bì đồng bổ dược tắc bổ, tả dược tắc tả, thăng dược tắc thăng, giáng dược tắc giáng (tức trần bì làm tăng tác dụng hoặc bổ hoặc tả hoặc thăng hoặc giáng trong từng bài thuốc chữa từng bệnh cụ thể).
 
Trần bì là thuốc đi vào khí phận của tỳ, phế (là những tạng liên quan đến khí: tỳ là nơi sinh ra khí, phế là nơi chứa khí). Cho dù là phương thuốc bổ hay phương thuốc cố sáp, đều dùng trần bì để giúp lợi khí (những phương thuốc này thường gây nê trệ).
 
Trần bì có tác dụng chính là lý khí táo đàm, điều trung khoái mãn, đạo trệ tiêu đàm (đại pháp trị đàm là lấy việc kiện tỳ thuận khí làm chủ). Trần bì giúp lợi khí, làm đàm tự hạ; lợi thủy phá trưng (trưng: hòn cục trong bụng); tuyên thông ngũ tạng, dùng trị bách bệnh (con người lấy khí làm chủ, khí thuận thấp trừ, thì bách bệnh tiêu tán). Theo Bạc Trạch Biên, chứng bĩ mãn (ngực bụng đầy trướng, tại ngực gọi là bĩ, tại bụng gọi là mãn) dùng trần bì không hạ thì không có thứ gì trị được. Theo Hoàng đế Nội kinh - Linh khu, trần bì còn có tác dụng giải ngư độc, thực độc.
 
Theo cổ nhân, vị trần bì có thể bào chế, sao tẩm thích hợp để điều trị các bệnh thích hợp. Trị ho có đàm, dùng trần bì tẩm đồng tiện phơi khô. Trị đàm tích, dùng trần bì sao với nước gừng. Trị các bệnh ở hạ tiêu, dùng trần bì tẩm nước muối sao.
 
Vị thuốc trần bì tuy có tác dụng tốt, được dùng để điều trị nhiều loại bệnh nhưng dùng quá nhiều và dùng lâu ngày sẽ làm tổn thương nguyên khí.
 
Những vị thuốc khác từ quả quýt
 
Ngoài trần bì ra, còn có các vị thuốc khác từ quả quýt như: quất hồng, thanh bì, quất hạch.
 
Quất hồng là vỏ quýt bỏ phần cùi trắng, có tác dụng tương tự trần bì nhưng kiêm thêm tác dụng trừ hàn, giải biểu.
 
Quất hạch (hạt) trị sán thống (phàm chỗ rỗng trong thân thể bị trở ngại, làm cho gân thịt co rút, rồi phát ra đau đớn đều gọi là sán). Chứng lạnh, đau mỏi vùng thắt lưng (yêu thận lãnh thống) có thể dùng quất hạch sao rượu để trị.
 
Thanh bì, tức là vỏ quýt còn xanh, có tác dụng tiêu nhũ ung (quy kinh quyết âm can, hành can khí, tiêu thũng tán độc).
 
Theo Sức khỏe & Đời sống