10:02, 02/02/2018

Sinh viên và "bẫy" tín dụng đen

Hiện nay, tại các khu ký túc xá, khu dân cư có nhiều sinh viên thuê trọ ở TP. Nha Trang, xuất hiện nhiều tờ giấy quảng cáo cho vay trả góp, hỗ trợ tài chính với lãi suất thấp, ưu đãi… Tuy nhiên, thực tế những ai đi vay đều chịu lãi suất cắt cổ, từ 20 đến 35%/tháng.

Hiện nay, tại các khu ký túc xá, khu dân cư có nhiều sinh viên (SV) thuê trọ ở TP. Nha Trang, xuất hiện nhiều tờ giấy quảng cáo cho vay trả góp, hỗ trợ tài chính với lãi suất thấp, ưu đãi… Tuy nhiên, thực tế những ai đi vay đều chịu lãi suất cắt cổ, từ 20 đến 35%/tháng.


“Mê cung” tiền vay, tiền góp


Trong vai SV, chúng tôi đến tiệm chuyên hỗ trợ tài chính cho SV tại khu vực đường Đoàn Trần Nghiệp (gần Trường Đại học Nha Trang) xin vay 2 triệu đồng. Chủ tiệm yêu cầu có giấy tờ như: chứng minh nhân dân, giấy tờ xe, thẻ SV… để làm thủ tục vay tiền. Sau khi kiểm tra giấy tờ, người này thỏa thuận: “Vay 1 triệu đồng thì trả lãi 200.000 đồng/tháng, vay 2 triệu đồng thì 400.000 đồng/tháng, trả trước 15 ngày thì chỉ giảm còn một nửa tiền lãi. Em đồng ý thì ghi giấy vay tiền, hạn trả nợ”. Chúng tôi hỏi, chỉ vay vài ngày rồi trả thì tính lãi như thế nào, người này nói: “Chỗ anh cho vay là thấp rồi. Đáng lẽ anh phải đến tận nhà làm giấy tờ rồi mới cho vay, nhưng vì anh cầm giấy tờ của em nên giải ngân liền đó. Còn vay kiểu trả góp tính theo ngày thì lãi 30%/tháng, cứ 5 - 7 ngày tính một kỳ trả. Em đi photocopy giấy tờ rồi đưa bản chính anh giữ”.

 

Những tờ giấy quảng cáo về tín dụng cho sinh viên được dán tràn ngập ở các khu ký túc xá,  nơi có nhiều sinh viên thuê trọ.

Những tờ giấy quảng cáo về tín dụng cho sinh viên được dán tràn ngập ở các khu ký túc xá, nơi có nhiều sinh viên thuê trọ.


Ngay trước cổng ký túc xá SV Trường Đại học Nha Trang (phường Vĩnh Hải) có rất nhiều tờ giấy quảng cáo rao vặt giới thiệu về dịch vụ “tài chính SV” cho vay tiền với cam kết uy tín, bảo mật. Chúng tôi liên hệ với số điện thoại in trên quảng cáo để hỏi vay tiền, người đầu số bên kia cho biết: “Muốn vay bao nhiêu cũng được, nhưng phải “nhìn mặt”, xem học lực, hộ khẩu ở Nha Trang hay ngoại tỉnh. Vay tiền thế chấp bằng thẻ SV chỉ áp dụng cho SV học kỳ 2 năm nhất đến năm 3, riêng SV năm 4 không cho vay”. Cũng theo người này, nếu SV có bằng cấp 3 loại khá, giỏi và có hộ khẩu ở Nha Trang thì có thể vay 5 - 10 triệu đồng/lần, còn không thì chỉ được vay 1 - 3 triệu đồng. Lãi suất tính theo ngày hoặc theo tháng, nếu vay 1 triệu đồng trong 5 ngày thì mỗi ngày phải trả 260.000 đồng (gốc 200.000 đồng, lãi 60.000 đồng), vay 10 ngày mỗi ngày phải trả 130.000 đồng (gốc 100.000 đồng, lãi 30.000 đồng) theo hình thức cộng dồn.


Tiếp cận một SV tên S. đang học năm 4 Trường Đại học Nha Trang, S. tỏ ra rất rành chuyện vay nợ trong giới SV. Theo S., ngoài cầm cố, tín chấp còn thêm dịch vụ vay bằng hình thức mua điện thoại trả góp. Theo đó, SV sẽ đứng tên mua điện thoại trả góp với lãi suất 0% ở cửa hàng điện thoại, sau đó người cho vay sẽ mua lại điện thoại đó với giá thấp hơn 20 - 30% để kiếm lời. Nếu SV đi vay không có tiền trả góp cho cửa hàng (để hưởng lãi suất 0% thì phải trả trong vòng 6 tháng), người cho vay sẽ trả hộ khoản tiền này. Nhưng sau đó sẽ thu tiền của người SV đi vay với lãi suất 4,6%/tháng. “Bạn em vay 4 triệu đồng, được chủ nợ dẫn đi mua điện thoại 5 triệu đồng. Sau đó, bạn em giao điện thoại và nhận lại 4 triệu đồng từ chủ nợ và hàng tháng đóng tiền góp là 645.000 đồng”, S. cho biết.


Ngoài ra, thời gian gần đây xuất hiện thêm dịch vụ mới nữa là “làm thuê” bảng lương để vay tiền. “Ví dụ, em vay 15 triệu đồng thì có người đứng ra làm bộ hồ sơ, bảng lương để em đi vay và thu 2 triệu đồng. Em nhận lại 13 triệu đồng và phải trả góp với lãi suất 33%/năm, tương đương mỗi tháng góp khoảng 1,6 triệu đồng”, S. kể thêm.


Ôm nợ, bỏ học vì vay tiền


Khi chúng tôi đang hỏi về thủ tục vay tiền thì một nữ SV tên P., Trường Đại học Nha Trang cũng vào hỏi vay 1 triệu đồng. Sau khi P. nhận tiền, chúng tôi tiếp cận và hỏi về lý do vay tiền thì P. cho biết, do có việc cần tiền mà xin gia đình thì ngại nên đi vay. “Biết là lãi suất cao nhưng bạn bè ai cũng khó khăn nên không biết vay tiền ai”, P. nói.


Chính vì loại hình tín dụng đen này đã có không ít SV ôm nợ, bỏ học, liên lụy đến gia đình, người thân. Điển hình trường hợp của H. - SV Trường Đại học Nha Trang có nhà gần trường, với số nợ “kỷ lục” gần 500 triệu đồng. H. có cha mẹ thuộc gia đình khá giả, nên được vay mỗi lần cả chục triệu đồng. Số tiền này H. nướng vào cá độ bóng đá và thua độ liên tục, mất khả năng chi trả. Nhóm người cho vay nhiều lần đến nhà H. đòi nợ, thậm chí đánh H. ngay trước mặt cha mẹ. Bà L. - mẹ của H. nhiều lần phải thay con trả nợ với tổng số tiền gần 500 triệu đồng thì mới được yên thân. Sau nhiều lần trả nợ cho con, bà L. phải cho H. nghỉ học và đi xuất khẩu lao động tại Nhật. Cách đây không lâu, B. đang học năm 3 Trường Đại học Thái Bình Dương cũng phải bỏ học để trốn nợ do cá độ bóng đá.


Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều trường hợp nữ SV do đua đòi, vay tiền ăn chơi đến khi không có tiền trả nợ phải trốn học, đi làm thuê kiếm tiền trả nợ, lãi vay…


Thượng tá Nguyễn Hồng Kỳ - Trưởng Công an TP. Nha Trang cho biết: “Tình trạng dán quảng cáo rao vặt cho vay nợ đang diễn ra khắp nơi ở TP. Nha Trang. Qua xác minh, Công an thành phố ghi nhận nhiều hình thức cho vay nặng lãi. Để xử lý các trường hợp này không dễ do không có đủ nhân chứng, vật chứng, các giấy tờ vay có ghi rõ số tiền lãi suất… Theo quy định nếu cá nhân, tổ chức cho vay vượt quá lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước quy định đều vi phạm pháp luật. Chúng tôi đã triển khai cho các cán bộ công an cơ sở đi kiểm tra, xác định các trường hợp cụ thể nhưng đến nay vẫn chưa phát hiện trường hợp nào”.


Trao đổi với phóng viên, đại diện một số trường như: Đại học Thái Bình Dương, Đại học Nha Trang, Đại học Thông tin liên lạc cho biết, chưa ghi nhận các thông tin về SV tham gia vay nợ nặng lãi. Đại diện Trường Đại học Thái Bình Dương nói: “Chúng tôi chưa ghi nhận các trường hợp SV tham gia vay nợ. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ rà soát, kiểm tra và thông báo cho SV của nhà trường không nên tham gia vào việc vay mượn này”.


NAM GIANG


 



Luật sư Nguyễn Tường Linh - Văn phòng Luật sư Hồng Hà: Theo Điều 468, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, lãi suất vay do các bên thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định nói trên. Ví dụ, lãi suất Ngân hàng Nhà nước công bố là 9%/năm, tức 0,75%/tháng, lãi suất tối đa mà các bên có thể thỏa thuận là 150% của lãi suất đó, tức là không quá 1,125%/tháng. Nếu người cho vay không vượt quá 10 lần lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định và không có tính thường xuyên, liên tục thì không bị khởi tố theo Bộ luật Hình sự tội cho vay nặng lãi. Nhưng nếu vượt quá 150% thì khi kiện ra tòa có thể sẽ tuyên hủy hợp đồng cho vay đó vì vi phạm pháp luật.

___________________________________________



Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, đối chiếu với quy định pháp luật thì rõ ràng các trường hợp cho SV vay với lãi suất mà phóng viên cung cấp là vi phạm pháp luật.