10:08, 17/08/2017

Lão nông với máy ép dầu đậu phụng

Không chỉ chế tạo ra hệ thống ép dầu đậu phụng đem lại lợi ích kinh tế cho gia đình, mà ông Lưu Quang Trương (65 tuổi, thôn Vĩnh Trung, xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm) còn gián tiếp tạo điều kiện chuyển đổi cây trồng ở địa phương.

Không chỉ chế tạo ra hệ thống ép dầu đậu phụng đem lại lợi ích kinh tế cho gia đình, mà ông Lưu Quang Trương (65 tuổi, thôn Vĩnh Trung, xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm) còn gián tiếp tạo điều kiện chuyển đổi cây trồng ở địa phương.


Nhờ kinh nghiệm làm thợ sửa chữa cơ khí nhiều năm trong làng, 5 - 6 năm trước, ông Trương đã mày mò tạo ra chiếc máy ép dầu đậu phụng bằng tay có khả năng ép tối đa 60 lít dầu/ngày. Chưa hài lòng, năm 2015, tận dụng các vật liệu cũ, ông Trương cải tiến thành chiếc máy ép chạy bằng điện. Chiếc máy được vận hành thông qua trục truyền động nối với động cơ là máy D8 hoặc các động cơ điện công suất từ 3.500W trở lên. Cùng với máy ép, ông Trương còn tạo ra nhiều chiếc máy có chức năng khác nhau, tạo thành một hệ thống ép dầu đậu phụng liên hoàn, từ xát vỏ, lọc hạt, xay thành bột, hấp chín bột đến ép dầu. Hệ thống khá gọn nhẹ, dễ lắp đặt, sử dụng và sửa chữa… Ông tâm sự, người Quảng Nam quê ông xưa nay quen dùng dầu đậu phụng. Vì vậy, ông hiểu rất rõ sự vất vả khi cật lực giã đậu phụng nhưng lượng dầu ép ra vẫn không kiệt. Ý định chế tạo chiếc máy ép dầu đậu phụng của ông bắt nguồn từ đó.

 

Ông Trương vận hành hệ thống ép dầu đậu phụng
Ông Trương vận hành hệ thống ép dầu đậu phụng


So với chiếc máy ép dầu bằng tay, hệ thống chạy điện ép dầu nhanh hơn, năng suất cũng cao hơn (10 lít dầu/lần/40 phút); dầu đậu phụng cũng được ép kiệt hơn. Với 2 lao động vận hành máy, mỗi ngày có thể ép tối đa 150 - 200 lít dầu, cùng khoảng 350kg bã đậu phụng. Trung bình, cứ 3kg đậu phụng khô cho 1 lít dầu. Hiện nay, ngoài tự ép dầu đậu phụng bán với giá 100.000 đồng/lít, ông Trương còn nhận ép dầu thuê với giá 12.000 đồng/lít. “Công việc tập trung từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch, là mùa thu hoạch đậu phụng. Trong mùa, trừ chi phí, gia đình tôi thu khoảng 1,6 triệu đồng/ngày”, ông Trương nói.


Được biết, với 1ha đậu phụng, nếu bán hạt, trung bình nông dân thu 56 triệu đồng; còn ép lấy dầu bán có thể thu 74 - 75 triệu đồng. Bên cạnh đó, sau khi ép dầu, người dân còn thêm khoản lợi từ các phế phẩm: vỏ đậu phụng bón cây trồng rất tốt, đặc biệt với cây lan; bã đậu phụng dùng làm thức ăn chăn nuôi hoặc phân hữu cơ. Hiện nay, ông Trương còn đóng bã đậu phụng thành từng bánh, bán 5.000 đồng/kg bánh tươi và 8.000 đồng/kg bánh khô. Hiệu quả cao hơn từ việc bán nguyên liệu chế biến thay vì bán thô đã khiến một số nông dân trong xã chuyển đổi cây trồng khác sang trồng đậu phụng. Hiện nay, diện tích trồng đậu phụng ở xã Cam An Nam đạt gần 10ha, tăng khoảng 5 lần so với 5 năm trước. Đã có nông dân đặt ông Trương làm máy ép dầu đậu phụng với giá khoảng 20 triệu đồng. Vừa qua, ông đã bán được 2 chiếc máy cho người dân ở thị xã Ninh Hòa.


Theo ông Nguyễn Văn Yên - Chủ tịch Hội Nông dân xã, ông Trương là nông dân năng động, sáng tạo. Ông đã chế tạo, cải tiến thành công nhiều máy móc, thiết bị như: máy ép mía; máy làm cỏ sắp hàng cho mì, mía; cối nhồi đường; nồi kết tinh đường; máy cày tay cải tiến... Ông được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã và huyện nhiều năm. Đối với hệ thống ép dầu đậu phụng, ngoài lợi ích kinh tế cho gia đình, hệ thống này còn mang lại nhiều hiệu quả xã hội như: giảm bớt sức lao động, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn; hỗ trợ người trồng đậu phụng chế biến nông sản để nâng cao giá trị hàng hóa, tăng thu nhập. Đặc biệt, sáng tạo này lại góp phần cải tạo đất, hỗ trợ chăn nuôi phát triển… “Giải pháp này của ông Trương đã được Hội Nông dân xã gửi tham dự Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh lần thứ VII (2016 - 2017)”, ông Yên nói.  


NGUYỄN KIM - TIỂU MAI