Sau khi thị trường Đài Loan, Trung Quốc ngừng nhập cá mú nghệ cách đây hơn 3 năm, nhiều hộ nuôi dòng cá này điêu đứng, vướng cảnh nợ nần. Đa số họ chuyển đổi nuôi trồng, chỉ còn một số ít người theo đuổi giấc mơ làm giàu từ dòng cá có trọng lượng từ 10kg đến vài chục ký này.
Sau khi thị trường Đài Loan, Trung Quốc ngừng nhập cá mú nghệ cách đây hơn 3 năm, nhiều hộ nuôi dòng cá này điêu đứng, vướng cảnh nợ nần. Đa số họ chuyển đổi nuôi trồng, chỉ còn một số ít người theo đuổi giấc mơ làm giàu từ dòng cá có trọng lượng từ 10kg đến vài chục ký này.
Chúng tôi gặp ông Ngô Tùng Tân (tổ dân phố Đá Bạc, TP. Cam Ranh) đúng dịp ông đang thu hoạch cá mú nghệ sau 2 năm thả nuôi dưới đìa. Nhìn những con cá mú nghệ trên chục ký được kéo vào bờ quẫy mạnh, ông Tân phấn khởi cho biết: “Dòng cá này càng lớn càng có giá, con nào dưới 10kg thương lái không thu. Hiện nay, giá cá gần 300.000 đồng/kg, tôi bán vài chục con lớn nhất đìa từ 12kg trở lên để tiếp tục duy trì đàn”.
Theo ông Tân, cá mú nghệ dễ nuôi, ít bệnh hơn các dòng cá mú khác nhưng đầu tư vốn nhiều. Mỗi con cá giống mú nghệ thường cao gấp 6 - 7 lần cá mú khác, thời gian thu hoạch lâu (trên 2 năm) nên chôn vốn và đầu ra hạn chế, vì vậy nhiều người từng nuôi dòng cá này đã chuyển sang nuôi giống cá khác hoặc nuôi tôm thẻ, ốc hương. Theo kinh nghiệm của ông Tân, cá mú nghệ giống khi thả xuống đìa tỷ lệ hao hụt khá cao so với các dòng khác, nếu trụ được qua 2 tháng đầu sẽ nuôi rất dễ, ít bệnh và nhanh lớn. Khi cá vào size trên 10kg (cá mú size loại 1 thường từ 800g đến 1kg) sẽ bắt đầu xuất bán lai rai. Đôi khi ông Tân để cá lớn đến vài chục ký mới xuất đìa bán cho thương lái. Khi đó giá cá có thể ở mức 500.000 đồng/kg đối với những con trên 25kg.
Ông Đoàn Ngọc Vàng, người nuôi cá mú lâu năm trong vùng cho biết, nghề nuôi cá mú nghệ đem lại thu nhập cao nhưng đã có rất nhiều người trắng tay khi mạo hiểm với dòng cá này. Bởi việc chọn giống là vấn đề tiên quyết, nếu giống yếu có thể mất vài trăm triệu đồng sau một đêm xuống giống. Nhiều người nuôi cá lâu năm như ông Tân cũng từng chịu cảnh sau một đêm ngủ dậy, cá giống chết nổi trắng đìa. Nhưng chỉ có những người yêu nghề và có kinh nghiệm như ông Tân mới có thể chọn những con giống tốt, lượng hao hụt thấp.
Ngoài việc chọn cá, việc cung cấp đủ oxy cho cá rất quan trọng. Bởi giống này không sợ nước bạc (nước nhiễm ngọt do mưa lụt) như các giống cá biển khác nhưng cần lượng oxy nhiều hơn. Do đó, cần lấy nước mới liên tục và mở guồng chạy oxy thường xuyên, đặc biệt là giai đoạn cá lớn. Tuy nhiên, ít người để ý đến việc nuôi cá đều size, dễ dẫn đến tình trạng cá lớn sẽ ăn thịt cá nhỏ, dễ dẫn tới lỗ vốn.
Hiện nay, thị trường cá mú nghệ “khủng” chỉ tập trung ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Cá được thương lái mua sống, chở thẳng vào TP. Hồ Chí Minh hay ra Hà Nội để bán cho những nhà hàng hải sản lớn có chỗ nuôi nhốt. “Cá mú nghệ thịt rất ngon. Hiện nay, thị trường TP. Hồ Chí Minh ăn cá mú “khủng” nhiều hơn Hà Nội gấp đôi, riêng Nha Trang tiêu thụ rất ít, chỉ vài con/tháng. Do giá đắt khi vào nhà hàng (từ 1 triệu đồng/kg) nên lượng tiêu thụ ít, chúng tôi mỗi lần thu mua cũng chỉ vài chục con”, ông Thanh, người chuyên thu mua hải sản vùng Cam Ranh cho biết.
Tuy quá trình nuôi cá mú nghệ đòi hỏi sự kỳ công và rủi ro cao nhưng đối với những người trót theo đuổi dòng này thì ngoài ước mơ làm giàu còn cả một niềm đam mê lớn. Nói như ông Ngô Tùng Tân thì “nhìn cá lớn thích lắm, nhất là khi thu hoạch, kéo cá vào bờ, bỏ cân từng con, nghe chúng quẫy mạnh, cảm thấy rất sướng”.
TRUNG NHÂN