Sau nhiều năm "bỏ biển lên bờ" chăn nuôi, trồng trọt, đến nay, ông Võ Văn Được (64 tuổi, ở xóm 4, thôn Thủy Triều, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã có thu nhập khá…
Sau nhiều năm “bỏ biển lên bờ” chăn nuôi, trồng trọt, đến nay, ông Võ Văn Được (64 tuổi, ở xóm 4, thôn Thủy Triều, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã có thu nhập khá…
Nhớ lại năm 2000, ông Được cho biết, sau khi về hưu, theo người dân trong xóm, ông cũng vác lờ dây đi đánh bắt thủy sản trên đầm Thủy Triều. Ban đầu, ông thu hoạch cũng đủ cho gia đình trang trải sinh hoạt hàng ngày; nhưng về sau, sản lượng đánh bắt ngày càng giảm, con tôm, con cá bắt được cũng nhỏ hơn. Được cán bộ xã và các chiến sĩ biên phòng vận động, ông quyết định chuyển sang chăn nuôi, trồng trọt.
Năm 2007, ông Được bắt tay vào nuôi nhông với số lượng ít, nhưng do thị trường hồi đó đang hút nên thu nhập đủ sống. Một vài người cũng theo ông đầu tư nuôi nhông, dần dà hình thành tổ hợp tác nuôi nhông với 5 thành viên, 5ha. Sau này, do các dự án triển khai trên địa bàn cần thu hồi đất, diện tích nuôi nhông của cả tổ co hẹp còn 2ha, sản lượng cũng giảm phân nửa, còn 3 tạ/năm. Ông Được quyết định mở rộng sản xuất theo hướng mới. Năm 2015, sau khi tham khảo thị trường, vợ chồng ông bỏ ra 40 - 50 triệu đồng mua 200 con gà chọi giống 15 - 16 ngày tuổi, 200 con vịt giống…và đầu tư khoản tiền tương ứng xây chuồng trại. “Hồi đó, cứ 3 - 4 giờ sáng, hai vợ chồng có mặt ở các nhà hàng quanh vùng mua thức ăn thừa, 7 giờ về cho vật nuôi ăn và chăm vườn cây. Nhờ đó, gia đình tiết kiệm được chi phí thức ăn chăn nuôi, mỗi tháng chỉ tốn khoảng 3 triệu đồng”, bà Nguyễn Thị Tuyết Ngọc, vợ ông Được kể. Sau 3 tháng nuôi, ông bà xuất bán lứa đầu, lấy tiền đầu tư tiếp con giống, mở rộng chuồng trại, mua đất vườn... Cứ vậy, sau 2 năm, mỗi loại vật nuôi đều tăng đàn gấp đôi, trừ chi phí, vợ chồng ông lãi gần 200 triệu đồng/năm. Đó là chưa kể đàn heo rừng, heo nhà mà ông đang nuôi với 5 con heo nái, 30 con heo thịt, 25 heo con, trung bình mỗi tháng xuất bán 10 con. Đàn nhông cũng cho thu trung bình 1 tạ/năm.
Về trồng trọt, từ 3ha đất rừng trồng keo, vợ chồng ông cải tạo đất để trồng xoài. “Hồi đầu, mảnh đất không có đường vào, cây mọc hoang chằng chịt xen lẫn keo. Tôi phải thuê người bứng từng gốc cây dại bỏ đi, rồi mua đất màu đổ xuống từng hốc. Cứ rảnh là vợ chồng cuốc xới, san đất…”, ông Được nhớ lại. Nhưng cải tạo xong, vợ chồng ông vẫn chưa thu lời được từ mảnh đất này bởi đầu tư loại cây trồng chưa hợp lý. Do đất rừng ở xa nhà, khó chăm nom được thường xuyên nên mùa xoài chín, chưa kịp thu hoạch đã bị bò phá; nhiều cây xoài bị cháy lá vì hanh nóng. Năm 2012, ông Được lại quyết định nhổ xoài trồng lại keo trên đất rừng và đưa xoài về trồng ở vườn nhà.
Hiện nay, trên diện tích 2,5ha vườn, ông Được đã có 200 cây xoài Úc, 100 cây xoài cát Hòa Lộc, một nửa đã cho thu hoạch, mỗi năm khoảng 60 triệu đồng. Cây keo trồng trên đất rừng đã sang năm thứ 5, phát triển tốt và sắp cho thu hoạch. Tổng thu nhập năm vừa qua của ông bà ngót nghét 300 triệu đồng. “Nếu không quyết đoán, chăm chỉ, kiên nhẫn, chắc bây giờ gia đình tôi chẳng đủ sống. Hiện nay, 2 con của chúng tôi đã học thành nghề, một người là kỹ sư chăn nuôi, một người theo ngành Y tế. Dù vậy, hai vợ chồng sẽ không nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già. Bên cạnh tiếp tục trồng trọt, chăn nuôi, tới đây, tôi sẽ vận động tăng diện tích để phát triển mạnh tổ hợp tác nuôi nhông”, ông Được nói.
Theo bà Lâm Thị Hoàng Phương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Hải Đông, năm 2012, ông Được được Hội Nông dân tỉnh khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước; năm vừa qua, ông được Hội Nông dân tỉnh công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Ông Nguyễn Lai - Chủ tịch Hội Nông dân huyện nhìn nhận, ông Được là nông dân cần cù, chịu khó, dám thử sức ở nhiều lĩnh vực sản xuất mới để có hiệu quả cao hơn. Đặc biệt, ông là một trong những ngư dân đã chấp hành chuyển đổi từ đánh bắt thủy sản bằng lờ dây sang chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả.
TIỂU MAI - K. NGUYỄN