Làng nghề xoi trầm hương tại thôn Phú Hội 1 (xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh) hình thành từ lâu và được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, để làng nghề này có bước phát triển trong thời gian tới, cần thực hiện nhiều giải pháp để vượt qua khó khăn hiện tại.
Làng nghề xoi trầm hương tại thôn Phú Hội 1 (xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh) hình thành từ lâu và được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, để làng nghề này có bước phát triển trong thời gian tới, cần thực hiện nhiều giải pháp để vượt qua khó khăn hiện tại.
Hoạt động tự phát
Làng nghề xoi trầm hương thôn Phú Hội 1 hiện có hơn 200 hộ, với hơn 1.000 lao động. Theo ông Huỳnh Luận - người dân nơi đây, nghề xoi trầm hương ở làng không biết có từ bao giờ, nhưng trong thời gian qua đã mang lại việc làm và thu nhập cho nhiều người dân trong làng. Hiện nay, gia đình nào có điều kiện đầu tư máy móc, dụng cụ, nguyên liệu để làm nghề thì thu lãi mỗi tháng vài chục triệu đồng. Những người làm công thì mức thu nhập khoảng 5 đến 6 triệu đồng/tháng.
Trong những năm gần đây, do nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm về trầm hương tăng cao nên thu nhập của người làm nghề này ở thôn Phú Hội 1 cũng khá hơn. Tuy nhiên, hoạt động của làng nghề vẫn còn mang tính tự phát, các hộ gia đình làm nghề vẫn còn thiếu liên kết với nhau, thiếu tính liên kết với các doanh nghiệp, với thị trường tiêu thụ. Chính điều này đã dẫn đến những khó khăn như: giá cả nguyên liệu đầu vào, giá nhân công, giá sản phẩm luôn trong tình trạng bấp bênh, thiếu ổn định. “Khó khăn của làng nghề lâu nay là nguồn vốn đầu tư cho sản xuất còn hạn chế, trong khi nguồn vốn vay gặp những khó khăn nhất định. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của làng nghề thiếu ổn định dẫn đến quá trình sản xuất bị động, mang tính cầm chừng. Bài toán về thiếu nguồn nhân lực của làng nghề vẫn chưa tìm được lời giải cụ thể”, ông Huỳnh Luận cho biết.
Những khó khăn trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của làng. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để bảo tồn và phát triển làng nghề xứng tầm, qua đó có những đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế địa phương.
Tìm hướng đi
Theo nhiều người dân làng nghề xoi trầm hương thôn Phú Hội 1, việc UBND tỉnh công nhận nơi đây là làng nghề truyền thống (tháng 9-2016) đã mang đến nhiều tín hiệu tích cực cho người làm nghề. Người dân hy vọng tỉnh sẽ xây dựng quy hoạch tổng thể về phát triển làng nghề nói chung và làng nghề xoi trầm hương nói riêng. Khi có quy hoạch sẽ giúp định hướng phát triển phù hợp với làng nghề; đồng thời xây dựng làng nghề theo hướng phục vụ sản xuất, phục vụ du lịch, hoặc vừa sản xuất vừa phục vụ du lịch.
Giải pháp về thị trường tiêu thụ có tác động lớn đến sự thịnh suy của làng nghề. Để tìm được đầu ra cho sản phẩm, những hộ trong làng cần có sự tìm tòi để cho ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng với chất lượng đảm bảo, mẫu mã phong phú, đẹp, giá cả hợp lý. Cùng với đó là việc xây dựng thương hiệu riêng cho các sản phẩm của làng nghề, kết hợp với việc đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, thương hiệu.
Theo ông Biện Quốc Dũng - Chủ tịch Hội Trầm hương Khánh Hòa, để làng nghề xoi trầm hương thôn Phú Hội 1 có bước phát triển hơn, thời gian tới, hội sẽ có những việc làm cụ thể để tháo gỡ khó khăn trong việc thiếu hụt nguồn nhân lực. Theo đó, hội sẽ mời những người có tay nghề cao, có kinh nghiệm trong nghề truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho những người muốn học nghề. “Để quảng bá hình ảnh làng nghề xoi trầm hương thôn Phú Hội 1, chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu tổ chức các tour du lịch đưa khách đến tham quan làng nghề này. Nếu kết hợp hoạt động của làng nghề với du lịch thì chúng tôi tin rằng sẽ mở ra những cơ hội để thúc đẩy sản xuất, phát triển sản phẩm, cùng với việc bảo tồn các giá trị văn hóa của làng nghề”, ông Dũng cho biết.
Theo một lãnh đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, để làng nghề xoi trầm hương thôn Phú Hội 1 phát triển, nơi đây cần được đầu tư về khoa học kỹ thuật trong sản xuất, cần được tạo điều kiện tham gia các hội chợ, triển lãm, hội thảo để mỗi người dân trong làng tự tin tiếp cận các thông tin cần thiết. Bên cạnh đó, làng cần nhận được sự hỗ trợ về vốn vay sản xuất, những chính sách ưu đãi về việc thuê mặt bằng sản xuất. Một vấn đề khác giúp làng nghề xoi trầm hương phát triển chính là việc xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định là cây dó bầu. Vì thế, cần có diện tích đất để phục vụ việc trồng loại cây này.
N.T