Do ảnh hưởng của mưa lũ, hàng nghìn chậu cúc đại đóa, pha lê… của người dân phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) không kịp nở để bán trong dịp Tết khiến người trồng hoa thua lỗ nặng.
Do ảnh hưởng của mưa lũ, hàng nghìn chậu cúc đại đóa, pha lê… của người dân phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) không kịp nở để bán trong dịp Tết khiến người trồng hoa thua lỗ nặng.
Sau Tết, chúng tôi trở lại phường Ninh Giang - nơi có nghề trồng hoa cúc quy mô và nổi tiếng nhất tỉnh mới thấy được nỗi buồn của người dân nơi đây. Trò chuyện với chúng tôi khi đang cắt bán những cành cúc nở muộn cho người dân địa phương cúng đầu năm, ông Lê Thiện, tổ dân phố Phong Phú 2 buồn rầu kể: “Từ tháng 8 âm lịch năm trước, gia đình tôi đã bước vào vụ trồng cúc bán Tết, với 30 chậu trung (80 - 120 bông/chậu), 100 chậu lỡ (60 - 70 bông/chậu) và 200 chậu nhỏ (30 - 40 bông/chậu). Dịp Tết vừa qua, gia đình tôi chỉ bán được 200 chậu cúc loại nhỏ nhờ có ít hoa nở kịp; số còn lại không nở nên không tiêu thụ được. Tôi đầu tư khoảng 30 triệu đồng cho vụ hoa Tết, nhưng bán hoa chỉ được khoảng 15 triệu đồng, thua lỗ phân nửa”. Trong số những chậu cúc không tiêu thụ kịp trong dịp Tết, một số ông Thiện đã bỏ cây để lấy chậu sang năm trồng tiếp; một số nụ đã lớn, ông chăm bón để bán cành cho người dân cúng đầu năm và rằm tháng Giêng.
Hàng trăm chậu cúc của ông Lê Thiện không kịp nở hoa vào đúng dịp Tết |
Đi khắp vùng hoa Ninh Giang những ngày này, không khó để bắt gặp những đống hoa cúc không kịp nở được người dân nhổ bỏ chất thành đống. Quanh những vườn nhà, hiện còn hàng nghìn chậu hoa cúc bắt đầu chớm nở đang được người dân chăm sóc để bán hoa cúng đầu năm, cúng rằm tháng Giêng, mong gỡ gạc được chút vốn. Bà Lê Thị Riêng - tổ dân phố Phong Phú 1 chia sẻ: “Năm nay, những gia đình có hoa nở kịp Tết thì bán được với giá cao hơn trung bình mọi năm khoảng 20 - 30 nghìn đồng/chậu; cụ thể, chậu lớn giá 1,5 - 2 triệu đồng/chậu, chậu trung giá hơn 350 nghìn đồng/chậu; chậu lỡ giá khoảng 170 nghìn đồng/chậu. Còn với những chậu cúc nở muộn thì chỉ có thể cắt cành để bán, mỗi bông chỉ được khoảng 1 nghìn đồng, gỡ gạc được đồng nào hay đồng đó”. Theo chia sẻ của bà Riêng, vụ cúc Tết năm nay, gia đình bà trồng tổng cộng 600 chậu cúc loại nhỏ, nhưng chỉ bán được khoảng 300 chậu, số còn lại hiện bà đang cắt cành bán dần; tính ra vụ cúc Tết năm nay, gia đình bà thua lỗ hơn 10 triệu trồng.
Ông Trần Ngọc Hiếu - Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Giang cho biết, địa phương có hơn 270 hộ trồng hoa cúc Tết. Năm qua, do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ đã gây thiệt hại khoảng 55.000 chậu hoa trong tổng số 155.000 chậu cúc Tết. Còn ông Lê Thiện lý giải rằng: “Với những người trồng cúc Tết, thời tiết tháng 12 âm lịch hết sức quan trọng, quyết định đến sự thành bại của người trồng hoa. Trong khi hoa cần nắng thì tháng 12 âm lịch vừa qua, cả tháng chỉ có 3 ngày nắng, còn lại là mưa, buộc người dân phải bón phân để chăm cây nhưng khi đó, cây chỉ nuôi lá chứ không đóng nụ. Những chậu đóng nụ vì thiếu nắng cũng không kịp nở vào dịp Tết”.
Ông Nguyễn Tiến - Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho hay: “Tại địa phương, cúc Tết được trồng chủ yếu ở phường Ninh Giang và các xã: Ninh Phụng, Ninh Bình, Ninh Hà… Vụ cúc Tết năm nay, các nhà vườn chỉ tiêu thụ được khoảng 2/3 số hoa được trồng; nguyên nhân là do cúc nở muộn. Mặc dù giá cúc Tết năm nay tăng hơn so với mọi năm, nhưng hiệu quả mang lại đối với người trồng hoa rất thấp, bởi 1/3 số hoa cúc trồng tại địa phương chậm nở”.
Vụ cúc Tết năm nay, không riêng thị xã Ninh Hòa, các địa phương như: thị trấn Cam Đức, Cam Thành Bắc, Cam Hải Tây… (huyện Cam Lâm) cũng thua lỗ nặng. Được biết, khoảng 75.000 chậu hoa cúc ở Cam Lâm trồng trong dịp Tết năm nay cũng trong tình trạng thất thu do nở muộn, dù giá cúc được thương lái thu mua trong dịp Tết vừa qua tăng hơn so với mọi năm.
HẢI LĂNG - HỒNG ĐĂNG