Đi theo một chú bướm hàng giờ liền trong rừng, tỉ mỉ lấy từng quả trứng bướm bé li ti về để chăm sóc… là một trong những công việc thú vị của các chuyên gia chăm sóc bươm bướm tại Khu du lịch Suối Hoa Lan.
Đi theo một chú bướm hàng giờ liền trong rừng, tỉ mỉ lấy từng quả trứng bướm bé li ti về để chăm sóc… là một trong những công việc thú vị của các chuyên gia chăm sóc bươm bướm tại Khu du lịch Suối Hoa Lan.
Có dịp đến vườn bướm tại Khu du lịch Suối Hoa Lan (thuộc đảo Hoa Lan, Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú), chúng tôi được mục sở thị hơn 1.000 cá thể bướm với hơn 100 loài khác nhau. Được nuôi trong khu vườn khép kín với diện tích 1.200m2, vườn bướm bán tự nhiên có đầy đủ điều kiện về nhiệt độ, ánh sáng tự nhiên nên bướm sinh trưởng rất tốt.
Chăm sóc bướm tại Khu du lịch Suối Hoa Lan |
Thạc sĩ Trần Phi Hùng - giảng viên Khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh cho biết, để tạo được một quần thể bướm tại đây phải trải qua 3 giai đoạn chính. Đầu tiên, các chuyên gia phải tìm hiểu, điều tra về các thành phần bướm cơ bản sinh sống ở trên đảo, công đoạn này đòi hỏi các chuyên gia phải đi sâu vào trong rừng, ghi nhận các loại bướm có tại đây; tiếp đến là đưa những loài bướm thu thập được vào vườn kín, tạo môi trường tự nhiên, thích hợp cho bướm sinh sống, sinh sản. Cuối cùng là thu thập trứng của những loài bướm đẹp, thẩm mỹ cao, từ đó tiến hành quy trình nuôi dưỡng trứng đến khi phát triển thành bướm.
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng để thực hiện được, các chuyên gia tốn không ít công sức. Thạc sĩ Trần Phi Hùng chia sẻ: “Khi thấy một con bướm bay trong rừng, chúng tôi không bắt ngay, mà phải theo dấu nó, tìm hiểu xem nó đẻ trứng ở cây nào. Những cây này gọi là cây chủ. Khi đưa một cá thể bướm về vườn, chúng tôi phải mang thêm một cây chủ của loài bướm đó về trồng, làm nơi sinh sản, sinh sống cho bướm. Có hôm, chúng tôi theo dấu một con bướm suốt mấy giờ liền, cuối cùng lại để mất dấu, quay về tay không”. Theo ông Hùng, những loại cây được bướm chọn làm cây chủ thường là cây sơn địch, chanh, bưởi, chùm bao, lục lạc… Tùy theo đặc tính riêng mà mỗi loài bướm tự chọn cây chủ cho mình.
Ông Nguyễn Văn Nguyên - kỹ sư nông nghiệp, chuyên gia chăm sóc bướm tại Khu du lịch Suối Hoa Lan cho biết, để duy trì được số lượng bướm phong phú về số loài cũng như số lượng thì phải kết hợp với việc bảo tồn. Các chuyên gia phải thực hiện chăm sóc bướm từ khi còn là một quả trứng. Mỗi đợt, các chuyên gia chăm sóc từ 200 đến 300 con bướm, một phần trong số đó được thả vào lồng, phục vụ cho du khách đến tham quan, phần còn lại được thả về tự nhiên, tạo đa dạng sinh học cho bướm trên đảo. “Tôi sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, từng ghi nhận nhiều trường hợp làm du lịch sinh thái bằng vườn bướm. Tuy nhiên, những nơi này chỉ chú trọng vào việc thu thập bướm về rồi thả vào vườn. Cách làm du lịch kết hợp bảo tồn của Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú rất hợp lý, bảo đảm đa dạng sinh học cho loài bướm, vừa tạo được nguồn bướm đảm bảo cho du lịch. Tôi được biết, mô hình vườn bướm sinh thái này chưa có nhiều ở Việt Nam”, ông Nguyên chia sẻ.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các chuyên gia, tìm cách phát triển đa dạng sinh học bướm trên đảo, nhân rộng các loài bướm đẹp; kết hợp đưa thêm một số loại bướm đẹp ở các địa phương khác về để phục vụ du khách”, ông Trần Minh Đức - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú cho biết.
VĨNH THÀNH