Trong những ngày này, hòa chung dòng người hối hả ngược xuôi đi sắm Tết vẫn có không ít người miệt mài mưu sinh để kiếm thêm ít tiền lo cho gia đình một cái Tết đủ đầy, tươm tất hơn.
Trong những ngày này, hòa chung dòng người hối hả ngược xuôi đi sắm Tết vẫn có không ít người miệt mài mưu sinh để kiếm thêm ít tiền lo cho gia đình một cái Tết đủ đầy, tươm tất hơn.
Tại Nhà Thiếu nhi tỉnh, hơn 10 năm nay, vào khoảng 15 tháng Chạp, gần 30 thành viên trong đội xe chở cây hoa cảnh phường Phương Sài lại tái hợp. Ngày thường, họ là những người thợ hồ, thợ sơn, bốc vác, xích lô, xe ôm… nhưng khi gần Tết lại tụ họp thành nhóm chuyên chở cây cảnh. Các thành viên trong nhóm luân phiên bốc xếp, chở cây hoa cảnh đến từng nhà người dân khi có nhu cầu. Cuối ngày, trưởng nhóm đứng ra phân chia thu nhập đồng đều cho mọi thành viên. Ông Trần Toán (phường Phước Tân), thành viên của nhóm cho biết: “Chúng tôi tự nguyện lập nhóm để kiếm thêm thu nhập dịp cuối năm lo Tết cho gia đình. Cách làm này vừa đảm bảo quyền lợi và tránh được tình trạng tranh giành khách hàng, gây mất trật tự an ninh. Mấy ngày đầu còn ít người thuê, giáp Tết thì ngày nào cũng dày chuyến, nên anh em chúng tôi kiếm được từ 1 đến 1,5 triệu đồng/ngày”.
Các thành viên đội xe chở cây hoa cảnh phường Phương Sài cần mẫn với công việc |
Ở một góc đường Lê Hồng Phong, anh Hoàng Văn Tuấn (nhà ở phường Vĩnh Nguyên) đang chăm chú đánh bóng đồ đồng bên chiếc mô tơ điện chạy vù vù. Anh tâm sự: “Công việc chính của tôi là bốc vác, còn vợ bán rau ở chợ Đầm. Mỗi tháng, 2 vợ chồng kiếm được khoảng 5 triệu đồng, vừa đủ trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày và nuôi 2 con nhỏ. Cuối năm, tôi nghỉ bốc vác ra góc phố nhận đánh đồ đồng. Nhờ có nghề tay trái này mà mỗi ngày tôi kiếm được hơn 1 triệu đồng, có thêm thu nhập để lo Tết cho gia đình”.
Những ngày giáp Tết cũng là mùa làm ăn của những người mua bán ve chai. Tranh thủ thời điểm người dân dọn nhà, loại bỏ đồ cũ, họ cố gắng đi sớm, về muộn để kiếm thêm thu nhập. Chị Lê Thị Thảo (xã Diên Điền, huyện Diên Khánh) chia sẻ: “Mấy năm gần đây, việc làm ăn của chúng tôi ngày một khó khăn, vì ngày càng có nhiều người vào nghề. Những ngày thường, hôm nào may mắn, tôi kiếm được 200.000 đến 300.000 đồng, nhưng mấy bữa nay thì tăng gấp 3 lần, nhờ đó tiền lời được hơn 1 triệu đồng/ngày”.
Các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thường không về quê mà ở lại Nha Trang làm thêm tại các quán cà phê, nhà hàng, quán ăn, bởi làm thêm dịp Tết tiền công cao hơn, nhiều việc làm hơn, một khoản tiền kha khá sẽ đủ cho các bạn có tiền trang trải học tập, tiền thuê nhà. Bạn Lê Thị Tuyết Nhung, sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Nha Trang (quê ở tỉnh Bình Định) chọn phục vụ tại quán cà phê Manhattan (đường Ngô Gia Tự, TP. Nha Trang). Những ngày trước, trong và sau Tết, Nhung được chủ quán trả hơn 500.000 đồng/8 giờ và lo cơm nước 2 bữa. “Năm qua, gia đình em bị ảnh hưởng nặng do mưa lũ. Toàn bộ lúa, rau màu và trại gà gần 1.000 con bị nước lũ cuốn trôi. Hiện nay, gia đình em rất khó khăn. Do đó, Tết này, em xin bố mẹ ở lại đi làm thêm để kiếm thêm tiền trang trải việc học tập của mình”, Nhung chia sẻ.
Với những người lao động nghèo, dịp Tết là thời điểm họ trở nên bận rộn hơn với công việc mưu sinh. Và họ luôn tin tưởng, những vất vả ở hiện tại sẽ được đền đáp bằng những mùa xuân ấm áp.
VĂN GIANG