3 đợt mưa lũ liên tiếp trong gần 1 tháng qua đã khiến các hộ trồng hoa lao đao, lo lắng cho mùa hoa Tết.
3 đợt mưa lũ liên tiếp trong gần 1 tháng qua đã khiến các hộ trồng hoa lao đao, lo lắng cho mùa hoa Tết.
Cúc ngập trong nước
Chúng tôi về làng hoa Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa) khi trận lụt giữa tháng 12 vừa rút. Đi đến đâu, chúng tôi cũng bắt gặp ánh mắt buồn bã, lo lắng của người trồng hoa. Đang nhổ bỏ những cây cúc bị chết ra khỏi chậu, ông Ngô Văn Quyển - Tổ trưởng tổ dân phố Phú Thứ cho biết, gia đình ông trồng 500 chậu cúc, nhưng qua các đợt lũ đã bị thiệt hại hơn 170 chậu. “Chưa thấy năm nào mưa lũ liên tiếp như năm nay. Nước lên nhanh, ngập hết cả chậu hoa làm rễ bị yếu, úng thân và thối lá. Đợt mưa lũ trước, cúc đã bị chết rải rác, nắng lên vài ngày thì cây bị héo rũ. Nay gặp thêm trận ngập này nữa thì coi như mất trắng”, ông Quyển nói.
Nhiều chậu cúc của gia đình bà Nguyễn Thị Minh ngập nước |
Cách nhà ông Quyển không xa, ông Đoàn Ngọc Mai (tổ dân phố Phú Thứ) cũng đang bơm thuốc cứu các chậu cúc trong vườn. Nhà ông Mai có 400 chậu cúc, qua các trận mưa lũ vừa qua, vườn cúc chết dần chết mòn, thiệt hại khoảng 30%. Hiện nay, cúc đang trong giai đoạn làm nụ, nhưng mưa cả tháng làm chết lá gốc, héo rũ, không đóng nụ được. Để cứu vớt tình hình, ông Mai đã mua một số loại nông dược tưới cho cúc nhưng khả năng phục hồi cũng không cao. Được biết, chi phí cho mỗi chậu cúc (chưa tính tiền nhân công) từ 90.000 đến 140.000 đồng. Tuy nhiên, sau mưa lũ, các hộ trồng cúc phải mua các loại nông dược để bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho cây làm chi phí tăng cao hơn. “Năm ngoái, sau khi bán cúc, trừ chi phí, gia đình tôi còn lãi được khoảng 30 triệu đồng ăn Tết. Năm nay, cúc chết nhiều, không biết gia đình tôi đón Tết như thế nào”, ông Mai nói.
Năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Minh (tổ dân phố Phong Phú 2) trồng gần 1.000 chậu cúc đại đóa và pha lê. Khi nước mới dâng lên, con trai bà đã chủ động mượn máy bơm để bơm nước ra và lấy rơm chặn xung quanh vườn. Tuy nhiên, nước lũ lên nhanh và chảy xiết nên gia đình bà trở tay không kịp. Vì vậy, hơn nửa ngày sau khi nước rút, 1/2 số chậu cúc của gia đình bà vẫn chìm ngập trong nước.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Hiếu - Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Giang cho biết, toàn phường có 274 hộ trồng cúc, với khoảng 155.000 chậu, chủ yếu là cúc đại đóa và pha lê. Người dân Ninh Giang đã có kinh nghiệm trồng hoa cúc mấy chục năm nay nên việc đối phó với mưa lũ cũng không có gì khó khăn. Tuy nhiên, năm nay trời mưa kéo dài, lũ chồng lũ nên người trồng cúc không lường trước được. Hiện nay, chưa thể đánh giá cụ thể được mức độ thiệt hại, nhưng dự đoán thiệt hại khoảng 5% - 10%. Ông Hiếu cho biết thêm: “Điều lo lắng nhất của các hộ trồng hoa cúc hiện tại là mưa nhiều khiến cúc không đóng nụ mà đâm nhiều đọt non. Nếu trời tiếp tục mưa trong thời gian tới thì hoa không nở đúng dịp Tết, các hộ cũng không có hoa để bán. Chúng tôi đã khuyến cáo người dân sau khi hết mưa, hửng nắng nên dùng một số nông dược để thúc nụ phát triển nhanh hơn”.
Nụ mai không phát triển
Không chỉ người trồng cúc mà các vườn mai ở thôn Võ Dõng (xã Vĩnh Trung, TP. Nha trang), thôn Trung Nam, xã Diên Toàn và thôn An Ninh, xã Diên An (huyện Diên Khánh)… cũng đang lo lắng về mùa hoa Tết không thuận lợi. Đi trên các đường làng thôn Võ Dõng, “vết tích” của trận lụt vẫn in dấu trên vách tường, đám cây cỏ, chậu mai bám đầy bùn đất. Vừa tạt nước rửa những vệt bùn còn sót lại trên gốc mai, ông Phạm Văn Tạo (thôn Võ Dõng) cho biết, năm nay, gia đình ông có 150 chậu mai ghép. Lũ lên nhanh lại có nhiều bùn đất làm ngập hầu hết thôn Võ Dõng. Tuy đã được kê cao nhưng nước vẫn ngập gần hết phần chậu, chỗ trũng thì ngập lên cây mai. Riêng nhà ông Tạo có gần 20 chục chậu mai bị thiệt hại, cây bị lỏng rễ, lá rũ, úa.
Phần lớn các chậu mai của gia đình ông Phạm Văn Tạo đã có nụ nhưng không phát triển |
Theo dự định, khoảng hơn nửa tháng nữa, ông Nguyễn Tài (thôn Võ Dõng) sẽ bắt đầu lặt lá cho hơn 170 chậu mai ghép và 2ha mai vườn. Thế nhưng, các trận mưa, lụt liên tiếp trong thời gian qua đã khiến kế hoạch của ông ngưng trệ. Ông Tài nói: “Nước ngập cả nửa thân cây nên rất khó phục hồi khi chỉ còn hơn tháng rưỡi nữa là đến Tết. Những cây mạnh có thể chịu được, còn cây yếu thì không có cách nào cứu vãn, đành phải bỏ. Không chỉ Tết này chưa có mai bán, mà còn có thể ảnh hưởng tới năm sau nếu không có kỹ thuật chăm sóc tốt”.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh (xã Diên An, huyện Diên Khánh) cũng dự đoán Tết năm nay khó có mai đẹp để bán. Bởi mai là loại cây nhạy cảm và ảnh hưởng rất nhiều bởi thời tiết. Thời gian qua, mưa nhiều khiến đọt và lá non vẫn còn ra, nụ không phát triển được. Số mai bị thiệt hại trong các đợt lũ vừa qua của gia đình ông Ánh khoảng 70 chậu/160 chậu; số chậu còn lại ra nụ nhưng không phát triển. Thời điểm lặt lá đang đến gần, nhiều chủ vườn như đang ngồi trên đống lửa khi trời mưa từ tuần này sang tuần khác. Nếu trời hửng nắng, cây mai sẽ có đủ thời gian phục hồi và nụ có nhiều khả năng phát triển để nở đúng dịp Tết. Nếu trời vẫn tiếp tục mưa thì những chậu mai kiểng đành lỡ hẹn.
Hoa cúc, hoa mai là những cây trồng mang tính thời vụ, phần lớn là phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Vì vậy, nếu hoa không nở đúng dịp Tết hoặc nở kịp Tết nhưng hoa không đẹp thì mọi công sức của người trồng đều tiêu tan.
T.LY - H.DUNG