11:11, 11/11/2016

Ra đồng thả trúm bắt lươn

Mới đây, chúng tôi có dịp theo chân những người làm nghề thả trúm bắt lươn ở làng Hội Phước (xã Diên Bình, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa).

Mới đây, chúng tôi có dịp theo chân những người làm nghề thả trúm bắt lươn ở làng Hội Phước (xã Diên Bình, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa).

 
Dẫn chúng tôi ra đến Bàu Xanh (xã Diên Phước) - nơi có khá nhiều ao sen, ao lục bình và cả những đám cây lác mọc um tùm, ông Nguyễn Mỹ, người có thâm niên mấy chục năm làm nghề này giới thiệu: “Nghề đặt trúm bắt lươn ở Hội Phước đã có từ lâu. Hôm nay nước lớn chắc lươn sẽ chịu mò đi ăn đây, phải nhanh tay đặt trúm ở những vị trí đẹp mới được”. Sau khi cho mồi vào ống trúm, ông Mỹ cắm đầu miệng trúm xuống dưới mặt nước chừng 5cm, đầu còn lại nghiêng khoảng 45 độ. Trúm là cái bẫy dụ lươn háo ăn tự chui vào để tìm mồi nhưng không cách nào thoát ra được. Trúm lươn thường làm bằng ống tre, nứa hoặc thậm chí là ống nhựa, dài khoảng 1,2m. Trên thân trúm có các lỗ thông hơi, để khi lươn chui vào miệng trúm vẫn đảm bảo không khí để sống, nếu không lươn sẽ ngạt mà chết hết.

 

Ông Nguyễn Mỹ đang đặt trúm để bắt lươn đồng
Ông Nguyễn Mỹ đang đặt trúm để bắt lươn đồng

 
Góp thêm câu chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Lớn, một thợ đặt trúm ở Hội Phước cho biết, trong nghề đặt trúm, ngoài việc biết cách làm mồi sao cho thật tanh thì kinh nghiệm lúc đặt trúm quyết định rất nhiều đến việc trúng hay không. Người có kinh nghiệm phải nhận đoán hướng gió để mùi tanh của mồi có thể lan xa; nhìn thực địa, các loại cỏ mọc nơi đó là thứ gì. Nếu là cỏ lác, sậy thì sẽ bắt được lươn vàng nghệ; còn đặt ống trúm vào mấy đám lục bình, sen thì sáng ra chỉ thấy toàn lươn bông. Sau khi cho mồi vào 40 chiếc ống trúm, ông Lớn lội xuống ao sen để tìm chỗ đặt trúm. Ông cẩn thận cột một vài bụi cỏ đánh dấu nơi đặt trúm của mình để sáng hôm sau việc đi thu các ống trúm được thuận tiện.


Ngồi nghỉ sau khi đặt xong 50 ống trúm, ông Mỹ chia sẻ: Trước đây, ở xã Diên Bình và những địa phương khác ở huyện Diên Khánh có hàng trăm người tranh thủ lúc nông nhàn, nhất là vào mùa mưa tìm đến những ao, bàu để thả trúm bắt lươn đồng. Thời gian gần đây, số người theo nghề tay trái này không còn nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do lươn đồng ngày càng khan hiếm do đánh bắt theo kiểu tận diệt, nhất là nạn chích điện. Ngoài ra, phần lớn ao tù đã được khai phá làm ruộng, trồng cây, lươn mất đất sống. Việc sử dụng thuốc trừ sâu cũng khiến môi trường sống của lươn bị đe dọa. Vì vậy, người đặt trúm không dễ bắt được nhiều lươn như trước. “Nghề này làm chơi mà ăn thật, có đêm nếu gặp may có thể bắt được 5 - 6kg lươn, nhưng có đêm chỉ được khoảng 1 - 1,5kg. Tuy nhiên, lươn bây giờ cũng nhỏ, mỗi con chỉ chừng 0,2kg, những con lớn cũng chỉ khoảng 0,4 - 0,5kg nhưng hiếm gặp. Hiện nay, nhờ các nhà hàng đặc sản ở TP. Nha Trang thu mua nhiều nên lươn đồng có giá cao, khoảng 190.000 đồng/kg, cũng giúp nhiều gia đình có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống”.


H.L