08:10, 21/10/2016

Nỗi lo sạt lở đất trong mùa mưa lũ

Hiện nay, huyện Diên Khánh có khoảng 11 vị trí bờ sông, suối bị sạt lở đất với mức độ ngày càng nghiêm trọng, khiến cho các hộ sống ở ven sông, suối lo lắng, bất an vì đang vào mùa mưa lũ.

Hiện nay, huyện Diên Khánh có khoảng 11 vị trí bờ sông, suối bị sạt lở đất với mức độ ngày càng nghiêm trọng, khiến cho các hộ sống ở ven sông, suối lo lắng, bất an vì đang vào mùa mưa lũ.

Nhiều khu vực sạt lở


Dẫn chúng tôi đi xem khu vực bị sạt lở đất do sông Cái lấn vào bờ, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Diên Lạc cho biết, gần 2 năm nay, các hộ ở thôn Thanh Minh 1 và Thanh Minh 2 đã nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương về tình trạng sạt lở đất. Sông Cái đã lấn sâu vào khu vực dân cư gần 10m, cuốn trôi cây trồng của các hộ. Xã đã đi kiểm tra và báo cáo huyện để có phương án khắc phục. Ông Kiều Quang Si (thôn Thanh Minh 1) nói: “Trước đây, phía sau nhà tôi trồng một số cây sưa, cây dừa và bụi tre cách nhà hơn 10m. Hiện nay, đất bị sạt lở nhiều đã cuốn hết các cây trồng, bờ sông giờ cách nhà chưa đầy 2m. Nếu không kịp thời làm kè, nhà cửa và các công trình xây dựng của gia đình tôi không biết tồn tại đến bao giờ”.

 

Cán bộ xã Diên Lạc đi kiểm tra các hộ ở khu vực bị sạt lở đất
Cán bộ xã Diên Lạc đi kiểm tra các hộ ở khu vực bị sạt lở đất


Mùa mưa lũ năm 2015, khu vực suối Bà Nên (xã Suối Tiên) cũng bị sạt lở khoảng 200m, làm ảnh hưởng tới sự an toàn của hơn 20 hộ và công trình giao thông tại đây. Đặc biệt có những đoạn, nhà dân chỉ cách dòng suối chưa đầy 2m. “Tình trạng sạt lở đất còn xảy ra ở chân cầu gỗ liên xã Suối Tiên - Diên Bình nên nguy cơ cầu bị sụp khi mùa mưa lũ là rất lớn”, ông Võ Văn Sang - Chủ tịch UBND xã Suối Tiên cho biết.


Khu vực suối Cây Sung (xã Diên Tân) cũng bị sạt lở khoảng 300m vào mùa mưa năm trước, với mức độ sạt lở lấn sâu từ 3 đến 5m vào khu dân cư. Hiện nay, khu vực này có khoảng 24 hộ với hơn 100 nhân khẩu đang sinh sống. Mùa mưa lũ năm nay, các hộ lại thấp thỏm với nỗi lo sạt lở đất.


Cần đầu tư kiên cố   

 
Lo ngại trước tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, để đảm bảo an toàn cho các hộ, xã Suối Tiên đã tự gia cố bằng cách đổ đất, đóng bao và cọc tre bên bờ suối. Tuy nhiên, theo lãnh đạo xã, đây chỉ là phương án tạm thời, bởi vào mùa mưa lũ, dòng chảy tại khu vực này rất xiết, nước lớn nên nguy cơ sạt lở cao. Vì vậy, vấn đề làm kè kiên cố đã được xã kiến nghị với huyện Diên Khánh. Công trình chống sạt lở bờ suối Cây Sung cũng đã được huyện hoàn thành công tác lập hồ sơ, báo cáo kinh tế kỹ thuật để trình UBND tỉnh.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Cường - Trưởng phòng Kinh tế huyện Diên Khánh cho biết: “Trên địa bàn toàn huyện có khoảng 11 vị trí bờ sông, suối bị sạt lở chưa được đầu tư khắc phục. Đặc biệt, tại các vị trí sạt lở: dọc sông Suối Dầu, đoạn qua xã Diên Bình, Diên Lạc; bờ suối Cây Sung đoạn qua xã Diên Tân… là những khu vực tập trung đông dân cư và mức độ sạt lở ngày càng nghiêm trọng, cần phải đầu tư khắc phục kịp thời. Các công trình sạt lở bờ sông, suối cần đầu tư đã được khảo sát, lên danh mục. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn vốn để thực hiện các công trình này còn thiếu, chưa được bố trí đầy đủ đáp ứng nhu cầu phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thực tế đề ra”.


Ông Cường cho biết thêm, vừa qua, UBND tỉnh đã đồng ý hỗ trợ kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng để thực hiện công trình chống sạt lở bờ suối Cây Sung. Sắp tới, huyện sẽ nhanh chóng triển khai công trình này; các công trình khác vẫn phải chờ bố trí vốn. Trong khi đợi kinh phí làm kè chắn kiên cố, huyện đã chỉ đạo các xã cần thường xuyên kiểm tra các điểm nguy cơ sạt lở cao, cảnh báo người dân nâng cao ý thức phòng, chống trong mùa mưa lũ. Ngoài ra, khi xảy ra mưa lũ, nước sông suối dâng cao, các địa phương cần chủ động phương án di dời dân đến nơi an toàn, hạn chế thiệt hại về người, tài sản cho nhân dân.


MAI HOÀNG