07:09, 08/09/2016

Quả trám trị viêm họng, sốt cao

Cá kho trám, trám muối, trám dầm mắm ớt... là những món ăn dân dã và hấp dẫn. Trám còn là vị thuốc phòng chữa bệnh đường hô hấp trong những ngày đông hanh khô lạnh lẽo.

Cá kho trám, trám muối, trám dầm mắm ớt... là những món ăn dân dã và hấp dẫn. Trám còn là vị thuốc phòng chữa bệnh đường hô hấp trong những ngày đông hanh khô lạnh lẽo.
 
Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Để làm thuốc thường dùng trám trắng, vị chua, ngọt bùi béo tính ôn, vào hai kinh phế và vị, có tác dụng sinh tân dịch, giải khát, thanh giọng, giải độc cá, giải say rượu. Theo bản thảo cương mục, trám chủ trị đau yết hầu (họng).
 
Trám trắng:
 
Trị khô họng, ho gây mất ngủ (mùa thu đông): 20 - 30 quả trám tươi (bỏ hột) đập giập lấy nước uống. Có thể thêm gừng, đường hay mật để uống.
 
Viêm họng cấp mạn, amidan, khô rát cổ, mất tiếng: dùng trám muối như chanh muối để ngậm hay pha nước uống. Có thể phối hợp trám tươi để hãm uống chữa đau họng và hạ hư hỏa.
 
Sốt cao, khô môi, miệng, khát nước: giã quả trám lấy nước uống.
 
Ho khản tiếng: trám tươi 4 quả bỏ hột, giã nát với huyền sâm 10g thái lát. Cho vào nồi đất đổ ngập nước, nấu uống. Có tác dụng tư âm, giáng hỏa, lợi yết hầu, thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng.
 
Nước uống sinh tân dịch, chữa ho, thanh nhiệt giải thử: trám tươi 5 quả bỏ hột, kim thạch hộc 5g, thái nhỏ, rễ lau 5g thái nhỏ, mã thầy 5g gọt vỏ, lê gọt vỏ 2 quả, mạch đông 10g, ngó sen 10 miếng. Tất cả nấu với 2 lít nước, đun lửa nhỏ 1 giờ. Để nguội lọc lấy nước uống hàng ngày. Thích hợp cho người luôn cảm thấy miệng khô, hay khạc nhổ nước miếng, ôn bệnh nhiệt thịnh, phổi ráo.
 
Nước thanh nhiệt: trám tươi 20g bỏ hạt, rễ lau tươi 4 chùm thái nhỏ. Tất cả nấu với 0,5 lít nước trong 30 phút, lọc nước uống nóng. Tác dụng thanh phế, lợi hầu, khử hoả, hoá đàm, thanh can nhiệt, vị nhiệt, sinh tân dịch, khỏi ho.
 
Canh thanh long bạch hổ thang: củ cải trắng 1kg, trám tươi 5-6 quả (liều lượng tùy số người dùng). Nấu nhừ (trong vài tiếng). Chữa sưng đau rát họng.
 
Ngộ độc cua cá: trám 30g sắc nước uống.
 
Say rượu nôn mửa loạn thần: trám trắng tươi giã nhuyễn thêm nước, vắt cốt cho uống ngay.
 
Trám đen: vị chát, ngọt hơi chua, không độc, tính mắt (lương) có tác dụng tiêu viêm, cầm máu, lợi tiểu, tiêu sưng. Để cầm máu, tiêu viêm lấy trám đen ngâm muối rồi nghiền nát sau đó đem chưng lấy nước để ngâm rửa, súc miệng.
 
Chữa ho khan: trám đen muối 20 quả, vỏ đậu phụ 50g, nước vừa đủ nấu sôi xong chắt lấy nước uống.
 
Miệng khô, họng rát, khản tiếng: nhai trám đen nuốt nước. Ngày 7 quả, liền 3-4 ngày.
 
Viêm họng mạn tính, ho rát họng: Nấu trám với chè xanh, mật ong uống.
 
Ho gà (bách nhật): nấu trám đen với đường phèn lấy nước uống.
 
Lưu ý: Khi ăn cùi trám nên tách bỏ hạt riêng (nhất là đối với trẻ em) khi ăn trám đen om để tránh hạt tuột vào họng.
 
Theo Sức khỏe & Đời sống