10:09, 30/09/2016

Chờ đến bao giờ?

Khu vực ven biển phường Vĩnh Nguyên luôn có sóng to, gió lớn, việc xây dựng kè bờ biển là hết sức cần thiết và đã được đặt ra hàng chục năm nay. Tuy nhiên, vì khó khăn về vốn đầu tư, công trình này vẫn chưa được triển khai.

Khu vực ven biển phường Vĩnh Nguyên luôn có sóng to, gió lớn, việc xây dựng kè bờ biển là hết sức cần thiết và đã được đặt ra hàng chục năm nay. Tuy nhiên, vì khó khăn về vốn đầu tư, công trình này vẫn chưa được triển khai.


Biển lấn đất liền


Vĩnh Nguyên là một trong những khu dân cư được hình thành sớm nhất của TP. Nha Trang. Từ bao đời nay, để chống lại sóng biển đánh sập nhà và các công trình bên trong, các hộ sống dọc bên bờ biển đã bỏ không ít công sức, tiền của để làm kè bảo vệ. Tuy nhiên, do đời sống còn nhiều khó khăn, những đoạn kè này không chỉ manh mún, ngắt quãng, mà còn được làm từ các vật liệu đơn giản như: cọc gỗ, cọc ván… nên thường xuyên bị sóng đánh sập, cuốn trôi vào mùa mưa bão.

 

Mô phỏng bờ kè Vĩnh Nguyên chụp từ Google Maps
Mô phỏng bờ kè Vĩnh Nguyên chụp từ Google Maps


Để rồi theo năm tháng, từng con sóng ùa vào và mang theo không chỉ công trình kè tạm bợ kể trên mà còn xâm thực, cuốn trôi nhà cửa, tài sản của người dân. Ngoài việc toàn bộ khu vực nằm ở cửa ngõ của vịnh Nha Trang phải chịu nhiều sóng gió hơn so với các vùng khác của vịnh, kết cấu địa chất nơi đây cũng thuộc loại dễ sạt lở. Hệ quả để lại là vô cùng lớn mà theo khảo sát của cơ quan chức năng, khu vực này đã bị lấn sâu từ 20 đến 24m so với trước. Chỉ riêng trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2010, số liệu điều tra cho thấy bãi biển đã bị lấn sâu vào đất liền từ 5 đến 10m tùy đoạn.


Khi nhìn từ bản đồ, phường Vĩnh Nguyên khá rộng lớn, nhưng hầu hết diện tích là biển đảo. Phần lớn dân cư của phường sinh sống dọc theo 2 bên đường Trần Phú, nhất là đoạn giao nhau với đường Tô Hiệu đến Viện Hải Dương học. Đây cũng chính là đoạn mà ở phía giáp biển thường xuyên đối diện với nguy cơ sạt lở, nhất là vào mùa gió to, sóng lớn. Có mặt tại khu vực này, ngay trước mặt biển, nằm cạnh những khu du lịch nổi tiếng của Nha Trang như: Dinh Bảo Đại, Viện Hải Dương học, hoặc nhìn từ Vinpearl vào, các tổ dân phố Tây Hải 1 và Tây Hải 2 của phường Vĩnh Nguyên như mang hình ảnh đối lập. Từng khóm nhà tạm (nhà chồ) nằm san sát, nhô ra mép nước một cách nhếch nhác.


Theo thống kê, ở khu Chụt có 92 nhà tạm thì riêng 2 tổ này đã “đóng góp” tới 74 nhà. Riêng Tây Hải 1 gồm 40 nhà, 195 nhân khẩu thì 100% không có nhà vệ sinh, thải trực tiếp ra biển. Ở Tây Hải 2 khá hơn một chút, nhưng cũng chỉ có 8/34 hộ đầu tư xây dựng nhà vệ sinh. Toàn bộ khu vực này chưa có hệ thống xử lý nước thải mà người dân vẫn thải trực tiếp ra biển. Không chỉ vấn đề dân sinh, mà yếu tố môi trường cũng đã và đang đặt ra nhiều thách thức, ảnh hưởng lớn đến môi trường chung của vịnh Nha Trang. Vào mùa sóng to, gió lớn, địa chỉ quen thuộc của các hộ này là phải tạm trú ở trụ sở UBND phường hoặc nhà người thân. Đa số các hộ nơi đây đều có hoàn cảnh khó khăn, nhưng hàng năm đều phải bỏ không ít tiền của để gia cố lại nhà cửa.


Ông Nguyễn Văn Tiên - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Vĩnh Nguyên cho biết: “Việc sóng đánh gây sạt lở, ảnh hưởng lớn đến người dân và các công trình nơi đây đã diễn ra từ rất nhiều năm nay. Trong 5 năm trở lại đây, hầu hết các cuộc tiếp xúc cử tri chúng tôi đều ghi nhận phản ánh, bức xúc của người dân về vấn đề này”.


Ở phía đông đường Trần Phú, đoạn qua phường Vĩnh Nguyên trước đây có diện tích lớn hơn nhiều, nhưng rồi theo thời gian, biển đã lấn vào đất liền một khoảng cách đáng kể. Vì thế, việc đầu tư xây dựng kè chắn sóng kiên cố đã được đặt ra và ngày càng cấp thiết. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, dự án này đang phải chờ ý kiến từ các bộ, ngành Trung ương.


Nút thắt dự án


Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kè chắn sóng Vĩnh Nguyên là một công trình quan trọng, không chỉ bảo vệ dân cư, cải thiện môi trường, mà còn là nền tảng cho việc thực hiện các dự án tiếp theo. Chẳng hạn như: quy hoạch đô thị, dự án xây dựng mạng giao thông khu vực Chụt - Cầu Đá, dự án thoát nước vệ sinh môi trường… cho phường Vĩnh Nguyên và khu vực lân cận. Đây cũng là một dự án quan trọng trong quá trình triển khai Chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2009.


Dự án dự kiến xây dựng một bờ kè kiên cố (kè cấp III), có hình dạng kè biển hỗn hợp mái nghiêng; kè có chiều dài 650m, tính từ chân đồi Dinh Bảo Đại đến khu vực UBND phường Vĩnh Nguyên với tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng, từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và vốn đối ứng của địa phương.


Được biết, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư công trình này cách đây đã 5 năm. Vào năm 2015, dự án này cũng được UBND tỉnh đưa vào danh mục dự án khởi công mới giai đoạn 2016 - 2020 theo Luật Đầu tư công. Còn vào đầu tháng 8-2016 đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành kiểm tra thực địa tại khu vực dự kiến thực hiện dự án kè chắn sóng thuộc phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang như một bước tiến mới nhằm thúc đẩy dự án này trở thành hiện thực. Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho đến thời điểm này, dự án vẫn phải nằm chờ.


Một mùa mưa bão nữa lại đang cận kề. Hàng ngàn hộ ở phường Vĩnh Nguyên, nhất là khu vực tổ dân phố Tây Hải 1, Tây Hải 2 lại tiếp tục sống trong phập phồng lo sợ những cơn sóng dữ có thể cuốn trôi bất cứ lúc nào.


H.Đ