10:08, 30/08/2016

Khôi phục nghề truyền thống: Cần một cú hích

Bên cạnh việc công nhận, các nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang rất cần một cú hích đầu tư mới để hy vọng có thể hồi sinh.

Bên cạnh việc công nhận, các nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang rất cần một cú hích đầu tư mới để hy vọng có thể hồi sinh.


Nghề truyền thống đang mai một


Ở tổ dân phố Mỹ Trạch, phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa, nghề dệt chiếu cói một thời rất thịnh hành. Người làm nghề đã hình thành nên một hợp tác xã, tập hợp hàng trăm hộ để cùng nhau sản xuất. Nhưng rồi, diện tích trồng cói bị giảm xuống, nhường chỗ cho các vuông tôm, nghề dệt chiếu dẫu có phát triển cũng khó có thể so bì về tính hiệu quả với nuôi tôm nên rất nhiều hộ đã bỏ nghề. Đến thời điểm này, ở Mỹ Trạch chỉ còn 26 hộ làm nghề dệt chiếu nhưng cũng chỉ ở mức độ cầm chừng. Mỗi lao động chỉ thu có khoảng 2 triệu đồng/tháng với cái nghề vốn đã xuất hiện và gắn bó hơn 50 năm ở địa phương.

 

Nghề gốm Lư Cấm giờ chủ yếu sản xuất lò than
Nghề gốm Lư Cấm giờ chủ yếu sản xuất lò than


Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, nghề dệt chiếu cói ở xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang tuy có tuổi đời hơn 100 năm, đã từng là hướng đi chủ lực nhưng đến nay chỉ còn hơn 10 hộ tham gia sản xuất. Thu nhập của mỗi người cũng rất bấp bênh ở mức hơn 1 triệu đồng/tháng.


Tại xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh, từ chỗ là nghề truyền thống của người dân thôn Trung Dõng, nay nghề gốm chỉ còn hộ ông bà Lê Văn Hai - Trần Thị Thu tham gia làm nghề. Năm 2010, 1 tác phẩm của ông bà đã đoạt giải khuyến khích trong cuộc thi “Tài hoa gốm Việt”. Sản phẩm gốm trang trí Vạn Bình cũng được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu vào năm 2015. Nhưng với việc chỉ còn 1 hộ sản xuất, công nghệ lạc hậu, nghề gốm ở Vạn Bình đang đứng trước nguy cơ lụi tàn và biến mất.


Nghề gốm ở Lư Cấm, phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang có nhiều hộ tham gia sản xuất hơn nhưng khó thoát khỏi cảnh cầm chừng. Bởi, ở mảnh đất từng tự hào về nghề gốm, đã xây hẳn một miếu thờ ông tổ nghề ấy nay chỉ chủ yếu sản xuất lò đất. Số hộ làm nghề cũng đếm chưa hết đầu ngón tay, với thu nhập chỉ ở mức 3 triệu đồng/người/tháng.


Khác với các nghề trên, nghề đúc đồng ở tổ dân phố Phú Lộc Tây 1, thị trấn Diên Khánh đang trở thành một nghề ăn nên làm ra ở địa phương. Năm 2013 và 2015, sản phẩm trống đồng giả cổ, hổ đồng trang trí và bộ chân đèn lư hương của Hợp tác xã đúc đồng Phú Lộc đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Hiện nay, nghề truyền thống này có 43 hộ tham gia với thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, nghề này lại đang đối diện với vấn đề môi trường do quá trình sản xuất. Trong đó, hoạt động sản xuất, nhất là khâu đốt lò chưa tập trung do địa phương không còn quỹ đất để bố trí mà còn nằm rải rác trong khu dân cư.


Một làng nghề truyền thống khác cũng mang về thu nhập khá cao cho người dân đó là nghề chế tác đá mỹ nghệ tại tổ dân phố Phong Phú 1, phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa với mức 6 triệu đồng/người/tháng. Nhưng cũng như nghề đúc đồng, hoạt động sản xuất đá đang ít nhiều tác động đến môi trường, nhất là tiếng ồn và bụi đá. Đó là chưa kể nguồn nguyên liệu đang ngày càng bị thu hẹp, chủ yếu là nguyên liệu tận thu vì mỏ đá núi Sầm đã giao cho các doanh nghiệp khai thác đá xây dựng.


Sau công nhận sẽ là đầu tư?


Sau quá trình rà soát, thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực tế, các cơ quan chức năng đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để tổ chức lễ công nhận các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trong thời gian tới. Riêng với nghề truyền thống có 6 nghề kể trên được đưa vào danh sách xem xét trong đợt này. Theo ông Trương Hữu Lan, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, hiện nay, ngoài một số ít nghề, làng nghề hoạt động hiệu quả, đa số các nghề truyền thống đang gặp phải rất nhiều khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Việc công nhận nghề truyền thống nhằm ghi nhận, tôn vinh những đóng góp của nghề và các sản phẩm đặc thù của nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thông qua đó khuyến khích, động viên nhân dân trong tỉnh khôi phục nghề truyền thống, du nhập nghề mới để phát triển sản xuất, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao thu nhập.


Thực tế, Khánh Hòa có nhiều làng nghề tồn tại rất lâu như: làm nón ở Diên Khánh; làm bún, bánh, nem chả tại Diên Khánh, Ninh Hòa; đồ gốm, sứ, chế biến nước mắm tại Vạn Ninh, Nha Trang; hải sản mỹ nghệ, mành ốc mỹ nghệ tại Cam Ranh, Nha Trang; chế tác trầm hương từ cây dó bầu tại Ninh Hòa, Vạn Ninh… Khi được công nhận, các làng nghề sẽ phát triển gắn với quy hoạch, được tạo điều kiện quan hệ giao dịch với các tổ chức có liên quan để phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước theo quy định.


Một trong những vấn đề mà người làm nghề quan tâm nhất hiện nay, đó là một khi đã được UBND tỉnh công nhận, nghề truyền thống ấy được tạo điều kiện để vay vốn phát triển sản xuất, mở rộng quy mô, mua sắm thiết bị…; đồng thời, được tạo điều kiện quảng bá nhiều hơn sản phẩm của mình ra thị trường. Về lâu dài, để các nghề phát huy tối đa giá trị, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần xây dựng quy hoạch cụ thể, từ đó làm cơ sở đầu tư hạ tầng quy mô, đồng bộ, hệ thống xử lý nước thải, rác thải đạt chuẩn… Có như vậy, các nghề truyền thống mới có thể trụ vững để làm nền tảng cho quá trình khôi phục, phát triển.


H.Đ