Quả sấu không chỉ để nấu ăn, làm mứt, làm thuốc mà còn có là thành phần trong các món ăn giúp giải nhiệt hiệu quả trong mùa hè oi bức.
Quả sấu không chỉ để nấu ăn, làm mứt, làm thuốc mà còn có là thành phần trong các món ăn giúp giải nhiệt hiệu quả trong mùa hè oi bức.
Quả sấu có tác dụng giải nhiệt rất tốt trong mùa hè oi bức. |
Theo Đông y, quả sấu lúc xanh có vị chua hơi chát, khi chín có vị ngọt hơn. Thành phần trong quả sấu giàu hàm lượng vitamin C, axit hữu cơ, canxi, phốt pho và sắt.
Bên cạnh đó, sấu có tính mát, giúp giảm nhiệt miệng, ngứa cổ, đau họng, làm tiêu đờm, trị ho, hỗ trợ điều trị các triệu chứng dị ứng, mẩn ngứa, nôn nghén ở phụ nữ mang thai.
Quả sấu khi xanh có vị chua nên được lựa chọn là nguyên liệu trong nhiều món canh giải nhiệt. Với những người thích đơn giản, có thể dùng sấu nấu canh không để uống hoặc có thể thả sấu vào nước canh rau muống.
Nước canh rau muống nấu sấu là món canh khoái khẩu vào những ngày hè nóng nực, có tác dụng thanh nhiệt giải khát và kích thích làm tăng tiêu hóa.
Ngoài ra, sấu còn “góp mặt” trong nhiều món canh bổ dưỡng khác như canh thịt nạc băm nấu sấu, thêm chút hành lá để món canh hấp dẫn hơn. Món canh này vừa có độ ngọt từ thịt vừa có vị chua từ sấu, rất dễ ăn. Đặc biệt, mùi thơm từ sấu khiến món canh trở nên thơm ngon hơn.
Bên cạnh đó, một số người có thể thay thế thịt nạc băm bằng xương sườn nấu sấu. Đây cũng là món canh phổ biến trong bữa cơm ngày hè của nhiều gia đình.
Ngoài việc là thành phần trong các món ăn giải nhiệt, nước sấu ngâm đường cũng là một trong những đồ uống giải khát được nhiều người ưa chuộng trong mùa hè oi bức. Để có một lọ sấu ngâm đường thơm ngon, bổ dưỡng dùng trong mùa hè, phải ngâm sấu cách đó ít nhất 1 tháng để sấu có độ ngấm, tạo vị thơm ngon nhất.
Sấu dùng để ngâm phải là những quả không bị sâu hoặc bị thối. Không nên chọn sấu non để ngâm vì rất dễ bị ủng, ảnh hưởng đến chất lượng của bình sấu ngâm. Sau khi cạo vỏ sấu, rửa sạch và để ráo nước, cho sấu vào bình ngâm. Tiếp đó, cho lượng đường vừa phải, tùy thuộc vào lượng sấu ngâm nhiều hay ít. Khi sấu đã đủ độ “chín”, tức là vỏ quả sấu quắt lại, lượng nước sấu tiết ra nhiều thì lấy ra pha nước uống.
Sấu ngâm đường được là một trong những đồ uống giải khát được nhiều người ưa chuộng trong mùa hè. |
Với những người muốn ngâm uống ngay, có thể rửa sạch sấu, để ráo nước. Đun sôi 1 lít nước rồi cho muối và phèn chua vào, sau đó, cho sấu vào khuấy đều khoảng 2 phút thì vớt ra.
Tiếp tục đun nước với đường và gừng đập nhỏ. Khi nước chuyển sang màu cánh gián thì tắt bếp để nguội và đổ vào sấu (đã đun qua muối và phèn chua) ngâm khoảng 3-4 tiếng là có thể dùng được.
Trong quá trình pha nước sấu ngâm, có thể cho thêm đường nếu muốn. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, chỉ nên uống nước sấu ngâm với độ ngọt vừa phải, không nên uống ngọt quá vì sẽ “át” hết độ chua mát từ vị sấu. Nên uống lạnh để tăng vị ngon, mát của cốc nước sấu ngâm.
Ăn canh sấu hoặc uống nước sấu ngâm giúp giải nhiệt rất tốt trong mùa hè, tuy nhiên, do sấu có vị chua, nhất là khi còn xanh nên những người mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng nên tránh dùng. Không nên ăn sấu trực tiếp hoặc uống nước sấu khi đang đói vì sẽ khiến bụng bị cồn cào và gây hại đến dạ dày.
Ngoài ra, trẻ dưới 1 tuổi cũng nên hạn chế ăn sấu và các loại quả có tính chua cao vì hệ tiêu hóa của trẻ rất nhạy cảm, dễ bị tác động bởi tính axit trong sấu. Mặt khác, nước sấu ngâm chứa lượng đường khá nhiều. Do vậy, với những người bị bệnh tiểu đường, béo phì, cũng nên hạn chế uống nước sấu quá ngọt. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, các chuyên gia khuyến cáo, tốt nhất không nên uống quá 2-3 cốc nước sấu/ngày.
Theo Gia đình & Xã hội