09:06, 10/06/2016

Còn nhiều việc phải làm

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 31-12-2016 là hạn cuối để các đài truyền hình ngừng phát sóng truyền hình tương tự (analog) trên địa bàn Khánh Hòa, chuyển sang phát sóng truyền hình số...

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 31-12-2016 là hạn cuối để các đài truyền hình ngừng phát sóng truyền hình tương tự (analog) trên địa bàn Khánh Hòa, chuyển sang phát sóng truyền hình số. Thế nhưng, đến thời điểm này việc triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh còn nhiều vướng mắc.

 

Người dân xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh xem truyền hình bằng việc sử dụng ăng ten thu tín hiệu truyền hình analog.
Người dân xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh xem truyền hình bằng việc sử dụng ăng ten thu tín hiệu truyền hình analog.

 

Chưa xác định được số hộ nghèo, cận nghèo cần được hỗ trợ đầu thu

 

Hiện nay, đề án này vẫn chưa phê duyệt do chưa xác định được trên địa bàn tỉnh có bao nhiêu hộ nghèo, cận nghèo cần được hỗ trợ đầu thu.

Ông Phạm Duy Lộc, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cho biết: Theo báo cáo, đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 27.392 hộ nghèo, 18.925 hộ cận nghèo. Tuy nhiên, do chưa khảo sát cụ thể nên không biết trong số này có bao nhiêu hộ đã có đầu thu kỹ thuật số. Hiện nay, sở đang phối hợp với các địa phương để tổ chức khảo sát theo mẫu và có đề xuất những hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện được hỗ trợ thiết bị đầu thu truyền hình số mặt đất. Dự kiến đầu tháng 8, sở sẽ có số liệu chính thức báo cáo với UBND tỉnh để đề nghị Bộ TT-TT hỗ trợ đầu thu cho người dân.

 

Được biết, theo Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2011 - 2020 sẽ có 1.710 tỷ đồng dành để hỗ trợ người dân mua đầu thu truyền hình số. Mới đây, Bộ TT-TT đã có Thông tư 08/2016 về việc “Hướng dẫn thực hiện Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020”. Theo Thông tư này, các hộ nghèo, cận nghèo đang sử dụng máy thu hình công nghệ analog, chưa có đầu thu truyền hình số, chưa sử dụng bất kỳ một trong các phương thức truyền hình trả tiền như: truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh... sẽ được hỗ trợ 1 đầu thu truyền hình số mặt đất kèm theo ăng ten thu phù hợp.Bên cạnh đó, còn một khó khăn khác, là đến nay vẫn chưa có đơn vị nào liên hệ xin triển khai hạ tầng kỹ thuật truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất trên địa bàn tỉnh. “Không riêng Khánh Hòa, rất nhiều địa phương thuộc nhóm II đều gặp khó khăn trong việc tìm kiếm doanh nghiệp triển khai hạ tầng truyền dẫn. Vì nếu triển khai trên diện rộng, chắc chắn nhà đầu tư không có lời. Bởi khu vực miền núi, hải đảo, địa hình rất phức tạp nên có thể phải xây dựng các trạm tiếp sóng rất tốn kém, trong khi đó dân cư thưa thớt, nguồn thu không được bao nhiêu. Vì thế, để thực hiện được đề án, Nhà nước cần hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia xây dựng hạ tầng”, ông Nguyễn Chí Hoài - Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh cho biết.

 

Tăng cường công tác tuyên truyền

 

Dự thảo Đề án đặt mục tiêu đến ngày 31-12-2016, 100% hộ gia đình có máy đầu thu được xem chương trình truyền hình số bằng các phương tiện khác nhau. Tuy nhiên, rất nhiều người dân không hề biết đến đề án này. “Đến nay, nhà tôi vẫn xem truyền hình bằng việc thu ăng ten theo kiểu truyền thống. Tôi không nghe ai nói đến việc sẽ ngừng phát sóng truyền hình analog…”, bà Nguyễn Thị Mười ( xã Vĩnh Hiệp) nói.

Theo chỉ đạo của ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đang liên hệ với Công ty TNHH Truyền hình số Miền Nam (SDTV) để đặt vấn đề về triển khai hạ tầng kỹ thuật truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất trên địa bàn tỉnh. Nếu mọi việc suôn sẻ, trong tháng 8 sẽ phát sóng thử nghiệm truyền hình số mặt đất, tổ chức khảo sát các vùng lõm để tìm giải pháp khắc phục.

 

Trong cuộc họp mới đây về vấn đề triển khai đề án, ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TT-TT hướng dẫn cho các địa phương, đơn vị thực hiện công tác tuyên truyền về mục tiêu, lợi ích, kế hoạch triển khai đề án. Liên quan đến vấn đề trên, ông Phạm Duy Lộc cho biết, thời gian tới, sở sẽ đẩy mạnh hơn việc tuyên truyền triển khai đề án này. Cụ thể, sở phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, đài truyền thanh - tiếp hình các huyện, thị xã, thành phố và đài truyền thanh các xã, phường đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Sở cũng đã đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao tổ chức các đợt tuyên truyền lưu động đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa để người dân hiểu rõ hơn về đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất…

 

Để việc triển khai đề án có thể về đích đúng hạn (ngừng phát sóng truyền hình analog vào ngày 31-12-2016) cần sự nỗ lực không nhỏ của Sở TT-TT, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các đơn vị liên quan.

 

XUÂN THÀNH