11:03, 30/03/2016

Để thịt heo sạch đến tay người tiêu dùng

Thịt heo là thực phẩm phổ biến nhất trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình. Người tiêu dùng hiện nay đang lo lắng trước tình trạng nhiều cơ sở chăn nuôi của các tỉnh, thành sử dụng chất cấm để tạo nạc, tăng trọng, tạo ra thịt heo không an toàn, gây hại cho sức khỏe con người.

Thịt heo là thực phẩm phổ biến nhất trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình. Người tiêu dùng (NTD) hiện nay đang lo lắng trước tình trạng nhiều cơ sở chăn nuôi của các tỉnh, thành sử dụng chất cấm để tạo nạc, tăng trọng, tạo ra thịt heo không an toàn, gây hại cho sức khỏe con người.


Trước nỗi lo bức thiết của NTD, vừa qua, Hội Trí thức tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo để nhìn nhận lại thực trạng chăn nuôi, giết mổ và mua bán thịt heo trên địa bàn tỉnh; đồng thời thảo luận và đưa ra các giải pháp để thịt heo sạch đến tay NTD. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, toàn tỉnh có tổng đàn heo hơn 200.000 con, với 3 hình thức nuôi chính: chăn nuôi tập trung, chăn nuôi vừa và nhỏ, chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình. Một số mô hình chăn nuôi heo đem lại hiệu quả như: Công ty Nhật Minh (huyện Diên Khánh), Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao, Công ty Cổ phần Khánh Tân của Tổng Công ty Khánh Việt… Các mô hình này được đầu tư hầm biogas xử lý nước thải, có đội ngũ cán bộ thú y và công nhân kỹ thuật để theo dõi, giám sát trong quá trình nuôi, sử dụng giống heo cao sản… Ngành Nông nghiệp cũng khẳng định, trong thời gian qua, chưa phát hiện cơ sở chăn nuôi nào trên địa bàn tỉnh sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo. Đây là tín hiệu vui cho NTD.


Về khâu giết mổ heo, Chi cục Chăn nuôi và thú y đang kiểm tra, giám sát 22 cơ sở và 117 điểm giết mổ heo có giấy phép kinh doanh ngành nghề giết mổ gia súc, gia cầm. Hàng tháng, số lượng heo được giết mổ khoảng 13.900 con, trong đó TP. Nha Trang chiếm hơn 50%. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều lò giết mổ không có trong quy hoạch, không có thiết kế xây dựng, nằm trong khu dân cư do gia đình, cá nhân tự lập và hoạt động tự phát. Các lò này thường giết mổ thủ công, chưa áp dụng các quy trình kỹ thuật và không đảm bảo vệ sinh. Chi cục Chăn nuôi và thú y cũng cho biết, năm 2015, chi cục đã lấy 51 mẫu giám sát thịt heo tại các lò mổ thì có 3 mẫu tồn dư kháng sinh.


Hiện nay, sản phẩm thịt heo được bày bán tại 6 siêu thị và 124 chợ trên địa bàn tỉnh với khoảng 1.800 lô sạp. Các siêu thị đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở vật chất và trang thiết bị đảm bảo cho việc kinh doanh thịt tươi sống, nhân viên được khám sức khỏe định kỳ. Tại các chợ hạng I và hạng II, các lô sạp kinh doanh thịt heo hầu hết được trang bị bàn gạch men, bàn sắt hoặc gỗ được bọc tôn, inox; các hộ kinh doanh được tuyên truyền về kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, một số chợ hạng III cơ sở vật chất chưa đảm bảo, thịt được bày bán trên mặt bàn gỗ, hoặc chỉ lót giấy các-tông… Các hộ kinh doanh thịt heo trong chợ không có hợp đồng, không lập sổ sách theo dõi hàng hóa xuất, nhập nên khó xác định nguồn gốc…


Để thịt heo đảm bảo chất lượng, an toàn đến tay NTD, nhiều đại biểu tham dự hội thảo nhắc tới quy trình khép kín, kiểm soát chặt chẽ từ khi nuôi, xuất chuồng, vào cơ sở giết mổ, vận chuyển, phân phối thịt và bày bán tại các cơ sở siêu thị, chợ, cửa hàng…; đề nghị ngành Nông nghiệp xây dựng mô hình nuôi heo VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt) như đã từng thực hiện với mô hình rau an toàn nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc từ trang trại đến tay NTD. Cũng có ý kiến đề nghị tỉnh quan tâm xây dựng khu giết mổ tập trung nhằm cải tiến khâu giết mổ heo và có được thịt heo đảm bảo vệ sinh; xây dựng các cửa hàng giới thiệu sản phẩm thịt heo sạch tại các chợ truyền thống; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người sản xuất, kinh doanh và cả NTD về thực phẩm sạch. Thậm chí, việc công bố các đơn vị, cơ sở không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng được nhiều đại biểu kiến nghị.


Làm sao mua được thịt sạch để đảm bảo sức khỏe luôn là câu hỏi khó đối với NTD. Thực tế, tại các chợ truyền thống, NTD vẫn khó để nhận biết thịt có sử dụng chất tạo nạc, chất tăng trọng so với thịt đảm bảo chất lượng. Vì vậy, NTD chỉ biết trông chờ vào sự phối hợp và các giải pháp đồng bộ của các cơ quan chức năng để NTD có thể yên tâm hơn trong mỗi bữa ăn hàng ngày.


KHÁNH CHÂU