Nghề uốn tre ở xã Diên Phú, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) đang đem lại nguồn thu nhập ổn định cũng như góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Nghề uốn tre ở xã Diên Phú, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) đang đem lại nguồn thu nhập ổn định cũng như góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Mỗi tháng, cơ sở uốn tre của ông Lưu Sơn (xã Diên Phú) uốn được từ 3 đến 4 vạn cây tre; trừ chi phí, ông thu lãi 20 - 30 triệu đồng. Ông Sơn cho biết, cơ sở của gia đình đã hoạt động hơn 30 năm. Khánh Hòa có diện tích đồi núi rộng lớn rất thuận lợi cho cây tre phát triển nên việc thu mua tre khá dễ dàng. Nhu cầu sử dụng tre trên địa bàn tỉnh khá cao, phần lớn bạn hàng là ngư dân mua tre để làm ngư cụ trên tàu thuyền.
Nghề uốn tre mang lại thu nhập cao cho người lao động xã Diên Phú |
Hàng tháng, ông Sơn nhập tre từ các huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh. Dụng cụ dùng để uốn tre khá đơn giản gồm: một bếp than hồng, giá đỡ với những vòng thép. Tre tươi được luồn qua các vòng thép và hơ trên bếp than. Những người thợ sẽ điều chỉnh, nắn những cây tre cho thẳng. Mỗi lần uốn từ 6 đến 8 cây tre, chỉ trong vòng 5 đến 7 phút là đã có thể uốn ra những cây tre thẳng tắp. Ông Sơn nói: “Thấy nghề uốn tre mang lại thu nhập khá nên nhiều thanh niên trong xã đến học cách làm. Đến nay, toàn xã có khoảng 10 cơ sở uốn tre hoạt động có hiệu quả. Nghề này cũng góp phần khuyến khích phát triển việc trồng tre ở các huyện miền núi, tạo nguồn thu cho người dân”.
Anh Bo Bo Hiu (người dân tộc Raglai, xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh) gắn bó với cơ sở uốn tre của ông Sơn được 7 năm. Anh cho biết: “Ngày đầu tiên làm nghề, tôi còn bỡ ngỡ, tuy nhiên chỉ vài tháng là thành thạo. Làm ở đây khá thuận lợi vì ngày nào cũng có việc, được chủ cơ sở nuôi ăn, ở và trả lương 4 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, tôi có tiền phụ giúp gia đình”. Còn anh Nguyễn Văn Thành (xã Diên Phú) cho biết: “3 năm gắn bó với nghề uốn tre tại đây, tôi thấy rất thuận lợi vì gần nhà, thu nhập từ nghề uốn tre đã giúp tôi ổn định cuộc sống, có tiền lo cho con ăn học...”.
Không ít người lao động tại xã Diên Phú đã có cuộc sống ổn định nhờ nghề uốn tre. Ông Nguyễn Văn Khởi (Trưởng thôn 4, xã Diên Phú) cho biết, nghề này đã có từ khá lâu, chỉ tính riêng thôn 4 đã có 3 cơ sở, giải quyết việc làm cho hơn 40 lao động ở địa phương với thu nhập khá ổn định. Nhiều thanh niên đã biết chủ động trong công việc nên số hộ nghèo giảm đáng kể.
Ông Cao Tánh - Chủ tịch UBND xã Diên Phú nhìn nhận, địa phương có một số mô hình phát triển kinh tế nông thôn được nhân dân tích cực xây dựng như: nuôi bồ câu, nuôi gà; đan mây tre; uốn tre, hàn, mộc dân dụng... Trong đó, do các sản phẩm bằng tre khá phổ biến và bán rất đắt hàng nên nghề uốn tre có mức thu nhập khá, tạo việc làm cho nhiều lao động. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục khuyến khích và tạo mọi điều kiện để người dân vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư phát triển nghề uốn tre, tạo việc làm tại chỗ cho người lao động địa phương. Đồng thời, xã sẽ liên kết với một số địa phương miền núi có thổ nhưỡng thích hợp với cây tre để xây dựng vùng nguyên liệu nhằm tạo thuận lợi cho các cơ sở uốn tre đặt hàng trực tiếp với người trồng; đẩy mạnh liên kết với các cơ sở đan mây tre để tiêu thụ ổn định sản phẩm.
VĂN NGUYỄN