11:06, 09/06/2015

Độc đáo chiếu đát

Chiếu đát - loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo làm từ cây đát, cây đủng đỉnh được một hộ tại xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) làm ra. Nghề làm chiếu có một không hai này cần được quan tâm phát triển.

Chiếu đát - loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo làm từ cây đát, cây đủng đỉnh được một hộ tại xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) làm ra. Nghề làm chiếu có một không hai này cần được quan tâm phát triển.


Theo chân ông Nguyễn Chiến Thắng - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ninh Tây, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Việt (thôn Xóm Mới) - người sáng tạo ra chiếc chiếu đát. Ông Việt kể, xuất thân từ nghề dệt chiếu ở tỉnh Thái Bình, ông vào Khánh Hòa lập nghiệp. Thấy các sản phẩm mành bằng tre nứa, ông nghĩ ngay đến việc sản xuất loại chiếu bằng tre nứa. Tuy nhiên, cây tre, cây nứa có cật, có mắt, rất khó để làm chiếu phẳng. Nhận thấy cây đát, cây đủng đỉnh có rất nhiều ở rừng Khánh Hòa, phù hợp cho việc làm chiếu nên ông về quê đặt hàng 2 máy vót tre, đồng thời mua máy khâu nghiên cứu triển khai sản xuất loại chiếu mới. Năm 2006, sản phẩm làm ra đã nhanh chóng có bạn hàng.

 

Sản phẩm chiếu đát.
Sản phẩm chiếu đát


Theo ông Việt, chiếu làm từ cây đát, cây đủng đỉnh có những ưu thế nổi trội so với các loại chiếu thông thường vì bền, nằm rất mát, dùng càng lâu càng bóng, đẹp. Độ bền của loại chiếu này có thể hơn 10 năm, khi các cây gài bị hỏng chỉ cần thay là xong. Với ưu điểm đó, giá loại chiếu đát đắt hơn chiếu thường: loại chiếu khổ 0,8m là 120.000 đồng/chiếc; khổ 1m 160.000 đồng/chiếc; khổ 1,2m 180.000 đồng/chiếc; khổ 2m 320.000đồng/chiếc…

 

Ông Y Ty - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Tây: Hy vọng các cấp, ngành quan tâm phát triển nghề làm chiếu đát, hỗ trợ xã phục dựng thành nghề truyền thống nhằm tạo việc làm cho con em nông dân cũng như đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Công việc làm chiếu khá công phu. Ông Việt cho biết, công đoạn khó nhất là xử lý nguyên liệu. Thông thường, khi đưa nguyên liệu vào làm phải tranh thủ từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Đây là lúc có nắng to, cây tươi đem chẻ ra phơi nắng sẽ không bị ảnh hưởng. Cây đủng đỉnh khi xử lý phải cạo cho hết phấn, rồi ngâm nước cho tươi. Ông phải mất cả tháng để tìm ra quy trình xử lý nguyên liệu. Mỗi ngày, vợ chồng ông chỉ làm được 2 chiếc chiếu nên chưa trở thành kênh sản xuất hàng hóa.  


Theo ông Việt, chiếu đát có thị trường khá rộng, thông qua bạn bè, một số người tới tham quan đặt hàng… Có một đơn vị ở TP. Hồ Chí Minh biết loại chiếu đặc biệt này nên đặt với số lượng nhiều, thế nhưng ông không dám nhận bởi không có người làm. Cái khó của nghề này là hầu hết các công đoạn vẫn xử lý bằng tay, máy móc phục vụ việc chẻ nan vẫn chưa hoàn thiện. Ông Việt cho biết, ông sẵn sàng truyền dạy, đào tạo để phát triển nghề làm chiếu mới định hình này.


Với quy mô gia đình như hiện nay, nghề làm chiếu đát gặp rất nhiều khó khăn. Ông Thắng đề xuất các cấp, ngành quan tâm phát triển nghề làm chiếu đát. Hội Cựu chiến binh xã cũng mong muốn được thành lập tổ hợp tác, xây dựng nghề làm chiếu đát để tạo việc làm cho con em hội viên.


P.L