10:05, 13/05/2015

Khó mua rau sạch?

Trước những thông tin cảnh báo về dư lượng thuốc trừ sâu trên rau, người tiêu dùng có xu hướng chọn rau sạch để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Tuy nhiên, để mua được sản phẩm rau an toàn trên thị trường không đơn giản.

Trước những thông tin cảnh báo về dư lượng thuốc trừ sâu trên rau, người tiêu dùng (NTD) có xu hướng chọn rau sạch để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Tuy nhiên, để mua được sản phẩm rau an toàn trên thị trường không đơn giản.


Mua rau sạch bằng niềm tin


Hiện nay, nhiều gia đình tận dụng các mảnh đất trống, sân thượng, thùng xốp… để trồng rau tại nhà, hoặc chọn mua rau trồng ở vùng nông thôn để đảm bảo nhu cầu rau xanh hàng ngày. Nhiều người còn tìm mua rau sạch được rao bán trên mạng xã hội. Những loại rau sạch rao bán qua mạng thường được giới thiệu có nơi cung cấp uy tín, do gia đình trồng… Người mua chỉ việc đặt hàng là được cung cấp tận nơi. Chị Kim Khánh (đường Lê Hồng Phong), người hay mua rau sạch qua mạng cho biết: “Những loại rau này không có bất kỳ chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền nào là rau sạch. Nhưng người bán cam kết rau trồng ít sử dụng phân bón nguồn gốc hóa học, đảm bảo thời gian cách ly sau phun thuốc bảo vệ thực vật…”

 

Nhiều người tiêu dùng lựa chọn mua rau tại siêu thị.
Nhiều người tiêu dùng lựa chọn mua rau tại siêu thị


Tại các chợ trên địa bàn TP. Nha Trang, khi khách hàng hỏi, người bán nói rau nào cũng là rau sạch, rau trồng ở quê. Tuy nhiên, đó chỉ là lời người bán chứ không có chứng nhận, hay bao bì chứng minh nguồn gốc rau sạch. NTD khi mua rau là đặt cả niềm tin vào người bán hàng. Nhiều gia đình lại chọn mua rau tại siêu thị với tâm lý rau đã qua một lần kiểm soát của siêu thị sẽ an toàn hơn rau ở các chợ.


Khảo sát tại các siêu thị trên địa bàn tỉnh cho thấy, một số siêu thị có ghi nơi xuất xứ sản phẩm trên quầy rau như: Nha Trang, Đà Lạt, Ninh Đông; sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap. Các loại rau được đóng gói bao bì thường không có thông tin của nhà sản xuất, nhà sơ chế hoặc để thô trên giá để người mua tự chọn như rau ở chợ. Chỉ có 2 loại rau cải, rau muống mầm trên bao bì có thông tin và địa chỉ liên lạc của nhà sản xuất. Theo ông Nguyễn Quốc Cường - Tổ trưởng marketing Siêu thị Co.opmart Nha Trang, Các loại rau xanh nhập vào siêu thị được hệ thống kiểm tra quy trình tại nơi sản xuất và kiểm tra dư lượng các chất tại nơi sơ chế trước khi lên quầy kệ. Trong khi đó, ông Dương Quang Sơn - Đội trưởng đội bốc xếp chợ Đầm (nơi có hàng chục vựa rau lớn nhỏ cung cấp cho các chợ trên địa bàn thành phố) cho biết: “Trước đây có 2 - 3 tiểu thương mở quầy rau sạch tại chợ nhưng nay đã nghỉ do không cạnh tranh nổi với các loại rau thường”.


Rau sạch còn khan hiếm


Ông Nguyễn Ngọc Việt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết: “Các ngành chức năng luôn chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn cho nông dân kỹ thuật canh tác hạn chế tối đa môi trường sống và sinh sản của các loài dịch hại; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng phương pháp… Bên cạnh đó, nông dân cũng có ý thức cao trong việc áp dụng các phương pháp canh tác để mang lại hiệu quả kinh tế cao mà không ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm sau khi thu hoạch. Chi cục đang tiến hành khảo sát các vùng trồng rau tại xã Vĩnh Phương, Vĩnh Thạnh (TP. Nha Trang), Cam Ranh để hướng nông dân liên kết, sản xuất theo chuỗi nhằm đem lại lợi ích cho người nông dân và NTD”.

 

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có 4.900ha diện tích sản xuất rau các loại mới, nhưng chỉ có 1 vùng sản xuất rau an toàn được chứng nhận VietGAP gần 3ha thuộc xã Ninh Đông (thị xã Ninh Hòa). Tuy nhiên, Khánh Hòa là một trong những tỉnh có nguồn rau xanh trồng trên địa bàn có lượng tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật thấp so với các địa phương khác trên cả nước.

Theo ông Việt, để nâng cao chất lượng rau xanh trồng tại địa phương, Chi cục đang tiếp tục khảo sát  giúp nông dân từ bỏ cách trồng trọt theo phong trào, tham gia các tổ liên kết để được hướng dẫn sản xuất theo kỹ thuật cao, tạo ra sản phẩm chất lượng phục vụ NTD, giúp NTD nhận dạng được nguồn gốc, xuất xứ của rau an toàn thông qua nhãn hiệu.


Qua tìm hiểu được biết, do chưa đầu tư bao bì và nhãn hiệu nhận biết riêng nên rau tại vùng sản xuất rau an toàn khi đưa ra chợ chưa có sự phân biệt với các loại rau khác, điều này khiến NTD gặp khó khăn khi muốn lựa chọn rau sạch. Ông Trần Hải Đăng - Tổ trưởng tổ liên kết sản xuất rau an toàn xã Ninh Đông chia sẻ: “Hiện nay, giá thành rau sản xuất đạt chứng nhận VietGAP tại xã Ninh Đông chỉ ngang giá các loại rau sản xuất theo cách truyền thống, trong khi chi phí sản xuất cao hơn. Nông dân chủ yếu trồng các loại rau phù hợp thổ nhưỡng nên chưa phong phú về chủng loại, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các siêu thị. Rau xuất thô 10% cho siêu thị, số còn lại tiêu thụ tại địa phương và công ty thu mua”. Ông Nguyễn Thanh Lộc - Giám đốc Công ty Hiệp Nông Phát (thị xã Ninh Hòa) cho biết, công ty thu mua khoảng 40% sản lượng rau vùng sản xuất rau an toàn Ninh Đông rồi sơ chế, sục ô-zôn, đóng gói và cung cấp cho các bếp ăn tập thể thuộc nhà hàng, khách sạn, trường học... chứ chưa bán ra thị trường.


Bà Nguyễn Thị Trang - Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cho rằng, cần có kế hoạch tuyên truyền về sản phẩm rau an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng, triển khai các gian hàng rau an toàn tại các chợ lớn của thành phố để vừa bảo vệ quyền lợi NTD, vừa từng bước tạo vị trí cho rau an toàn tiếp cận thị trường.


H.Q