Mùa hè nóng bức, cơ thể đổ nhiều mồ hôi để tỏa nhiệt nên rất nhanh bị khát. Đối với trẻ nhỏ, nếu thiếu nước dễ gây ra các rối loạn nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng.
Mùa hè nóng bức, cơ thể đổ nhiều mồ hôi để tỏa nhiệt nên rất nhanh bị khát. Đối với trẻ nhỏ, nếu thiếu nước dễ gây ra các rối loạn nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng.
Vấn đề khiến các bậc cha mẹ băn khoăn là nên cho con uống nước gì để vừa giải khát cho trẻ, vừa ngon mát bổ, giúp trẻ luôn khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn? Gợi ý dưới đây sẽ mách bạn cách chọn nước uống tốt cho trẻ nhỏ trong mùa nóng.
Lượng nước thích hợp cho trẻ
Muốn cho trẻ uống nước đúng, bạn cần cho trẻ uống số lượng nước mỗi ngày theo lứa tuổi của trẻ. Trẻ dưới 6 tháng tuổi: nếu bạn nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn hoặc cho trẻ ăn sữa công thức pha đúng theo hướng dẫn trên nhãn hộp sữa không cần cho trẻ uống nước. Các trường hợp: trẻ ra nhiều mồ hôi trong những ngày nóng bức, trẻ bị còi xương, bị táo bón nên cho trẻ uống thêm từ 100-200ml/ngày.
Trẻ 6-12 tháng tuổi cần cho uống số lượng nước là 100ml/kg/ngày, kể cả sữa, nước canh, nước rau, nước trái cây... Chẳng hạn, trẻ nặng 8kg cần cho uống 800ml nước, nếu trẻ đã uống được 600ml sữa rồi cần cho uống 200ml nước/ngày gồm nước đun sôi để nguội, nước canh, nước rau luộc, nước ép trái cây…
Trẻ trên một tuổi, nặng 10kg cần uống 1 lít nước mỗi ngày với các loại nước uống như trên. Trẻ nặng trên 10kg cứ mỗi kg cân nặng bạn cần cho uống thêm 50ml/ngày. Chẳng hạn, trẻ nặng 15kg lượng nước uống mỗi ngày là: 1.000ml + (5kg x 50ml) = 1.250ml. Trẻ từ 30kg trở lên uống bằng người lớn (2-2,5 lít/ngày).
Nước ép trái cây là thức uống ngon, mát bổ cho trẻ nhỏ mùa hè. |
Chọn nước ngon mát bổ cho trẻ uống
Có nhiều loại nước uống có thể dùng hằng ngày cho trẻ: nước máy đun sôi để nguội, nước đóng chai, sữa, nước ép trái cây, nước ép rau củ, nước canh, nước rau… Việc lựa chọn nước uống cho trẻ hằng ngày nên theo cơ cấu: 60% nước uống thông thường, 20% sữa các loại và 20% nước trái cây tươi.
Những loại nước uống ngon mát bổ là: nước ép trái cây tươi như nước cam, chanh, quýt, bưởi, dưa chuột, cà chua, cà rốt, dâu tây, dưa hấu… khi chế biến không nên cho thêm đường, loại nước trái cây này vừa cung cấp nước vừa cung cấp các vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Tác dụng của nước trái cây là làm cho cơ thể khỏe mạnh, sảng khoái, tăng cường chức năng hoạt động của não và hệ tim mạch, giúp lưu thông khí huyết và dinh dưỡng tốt cho các cơ quan trong cơ thể.
Các loại nước ép từ rau củ như: bí xanh, nước rau má, rau ngót, cỏ nhọ nồi (cỏ mực), sài đất, vừa giải khát vừa có tác dụng thanh nhiệt giải độc nhất là trong những ngày hè nóng bức. Sữa đậu nành cũng là nước uống và thức ăn bổ dưỡng vừa cung cấp nước, cung cấp canxi và khoáng chất. Nước rau luộc như rau muống, rau mùng tơi, rau dền, đậu, bí xanh, nước luộc ngô… cung cấp nhiều loại vitamin và khoáng chất cho sự phát triển của trẻ. Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bạn nên dùng nước đun sôi để nguội cho trẻ uống hàng ngày. Nếu bạn dùng nước đóng chai phải chọn mua nước do các hãng có uy tín trên thị trường sản xuất.
Tuyến mồ hôi tiết mồ hôi trên da. |
Các loại nước uống cần hạn chế hoặc không cho trẻ uống
Do cơ thể trẻ chưa hoặc khó hấp thu một số loại nước nên bạn cũng cần tránh cho con uống nhiều hoặc không cho uống một số loại nước sau đây. Một là nước khoáng, trong thành phần có chứa các chất khoáng như natri, kali, canxi, magie… vì chức năng thận của trẻ còn yếu không đào thải được chất khoáng dư thừa ra khỏi cơ thể, nếu cho uống chất khoáng dư thừa sẽ tích lũy lại trong cơ thể trẻ gây rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, phù… Hai là các loại nước ngọt có ga: có thể gây thừa cân béo phì hoặc đầy bụng biếng ăn ở trẻ em. Ba là các loại nước trái cây công nghiệp, trong thành phần chứa nhiều đường, hàm lượng chất khoáng và vitamin ít không tốt cho sức khỏe, uống nhiều dẫn đến thừa cân, béo phì. Bốn là cà phê, nước chè, các loại nước tăng lực không nên cho trẻ uống vì gây kích thích thần kinh, khó ngủ, hiếu động ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tâm thần của trẻ. Năm là rượu bia, tuyệt đối không cho trẻ uống vì tác dụng kích thích tim mạch và có hại cho thần kinh, trí não của trẻ.
Cách uống nước đúng
Nghiên cứu cho thấy chỉ khoảng 3-5 phút sau khi uống là nước đã từ dạ dày xuống ruột và được hấp thu vào máu. Vì vậy, trước khi ăn 15 phút và ngay sau khi ăn bạn không nên cho trẻ uống nước vì nước sẽ hòa loãng dịch vị dạ dày và tống xuống ruột làm cho trẻ khó tiêu. Nếu trẻ khát chỉ nên cho uống trước bữa ăn nửa tiếng và sau bữa ăn nửa tiếng. Bạn cũng không nên cho trẻ vừa ăn vừa uống vì sẽ làm loãng dịch vị và nhai chưa kỹ thức ăn đã nuốt gây khó tiêu.
Khi cho trẻ uống nước nên chia làm nhiều lần uống trong ngày chứ không nên uống một lần quá nhiều nước. Trường hợp trẻ khát cũng không nên cho uống quá nhiều một lúc mà cách uống tốt nhất là nên uống từ từ từng ngụm nhỏ để cho nước có thời gian thấm qua thành ruột vào máu làm nhanh hết khát. Bạn cũng không nên cho trẻ uống nước quá lạnh vì ở trạng thái lạnh, các phân tử nước tích hợp lại với nhau khó thấm qua ruột, nên dù trẻ có uống nước vẫn không hết khát do không hấp thu được nước quá lạnh. Tốt nhất, bạn chỉ nên cho trẻ uống nước nguội hoặc hơi lạnh khoảng 15-20oC./.
Theo Sức khỏe & Đời sống