11:03, 27/03/2015

Đưa khoai sáp vào siêu thị: Nông dân… lúng túng

Do nắng hạn kéo dài nên hiện nay, các cánh đồng khoai sáp ở xã Cam Hòa (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) cho năng suất thấp. Đã vậy, người trồng vẫn chưa chủ động được trong việc thu gom sản phẩm để cung cấp cho siêu thị.  
 

Do nắng hạn kéo dài nên hiện nay, các cánh đồng khoai sáp ở xã Cam Hòa (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) cho năng suất thấp. Đã vậy, người trồng vẫn chưa chủ động được trong việc thu gom sản phẩm để cung cấp cho siêu thị.  
 
 
Sơ chế khoai sáp trước khi đưa ra thị trường.
Sơ chế khoai sáp trước khi đưa ra thị trường.
 
 
Những ngày này, trên các cánh đồng tại thôn Lập Định 1, 2, 3 - xã Cam Hòa, một số hộ đã bắt đầu thu hoạch khoai sáp. Do nắng hạn kéo dài nên vụ này năng suất khoai không cao, giá lại thấp. Ông Huỳnh Ngọc Phúc (thôn Lập Định 2) cho biết, hiện nay, giá khoai sáp chỉ 7.000 - 9.000 đồng/kg, năng suất đạt 1,7 - 1,8 tấn/sào (1.000m2). Với tình hình này, người trồng khoai sáp ít có lãi. Trong vụ, người trồng khoai đối mặt với nhiều loại sâu bệnh, nặng nhất là bệnh chạy lá chân gây tốn kém chi phí xịt thuốc phòng trừ bệnh cho khoai. 
 
 
Bây giờ trồng khoai sáp không cần theo thời vụ như trước. Khi nhổ khoai, lấy nước vào làm đất là có thể trồng vụ mới. Ông Huỳnh Văn Trung (thôn Lập Định 3) cho biết, còn 3 tháng nữa ông mới thu hoạch khoai sáp. Nhưng hiện nay, ông đang lo các diện tích khoai có thể bị khô cháy vì thiếu nước. “Hồ Cam Ranh đang dần cạn kiệt, trồng khoai sáp cũng cần nước như trồng lúa, nếu hạn kéo dài thì diện tích khoai khó bảo toàn…” - ông Trung nói. 
 
 
Được biết, do hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa nên nông dân Cam Hòa đổ xô trồng khoai sáp. Cánh đồng của các thôn Lập Định 1, 2, 3 đều phủ kín khoai sáp. Theo lãnh đạo Hội Nông dân xã, diện tích khoai sáp trên địa bàn đã phát triển hơn 80ha, tập trung tại thôn Lập Định 2 và 3. Do nắng hạn kéo dài nên địa phương đã khuyến cáo người trồng khoai sáp cần thận trọng, không nên tự ý phát triển thêm diện tích, sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ. Ông Trần Vy Long - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Hòa cho biết, Hội đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) tổ chức đối thoại, ký văn bản ghi nhớ với các siêu thị để tiêu thụ khoai sáp cho nông dân. Tuy nhiên đến nay, việc thu mua khoai sáp vẫn chưa có bước tiến triển mới. Năm 2011, xã có ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với một siêu thị. Theo đó, mỗi ngày, siêu thị này thu mua 200kg, giá ổn định 35.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do không có tổ chức nào đứng ra thu gom nên việc tiêu thụ bị bỏ ngỏ, kênh thu mua chủ yếu vẫn là thương lái… Còn ông Bùi Sương - Tổ trưởng Tổ liên kết khoai sáp Cam Hòa cho biết, Tổ do một số nông dân trồng khoai sáp liên kết lại nên không am hiểu nhiều về thị trường, giao dịch, không thể liên hệ trực tiếp với siêu thị. Được biết, siêu thị vẫn có thu mua nhưng giao hẳn cho thương lái thu gom với số lượng rất ít, mỗi ngày chỉ 100 - 200kg. 
 
 
Là cây trồng có hiệu quả kinh tế hơn cây lúa, nhưng khoai sáp Cam Hòa đang rơi vào tình trạng bấp bênh, khó tiêu thụ. Tuy đã hợp đồng với siêu thị để bao tiêu sản phẩm, nhưng nông dân vẫn phải phập phồng chờ đợi. 
 
 
P.L