Ốc biển là động vật thân mềm, có rất nhiều loài. Đa số loài được sử dụng làm thực phẩm, tuy nhiên một số loài có khả năng gây ra tình trạng ngộ độc nặng, diễn biến nguy kịch và dẫn đến tử vong.
Ốc biển là động vật thân mềm, có rất nhiều loài. Đa số loài được sử dụng làm thực phẩm, tuy nhiên một số loài có khả năng gây ra tình trạng ngộ độc nặng, diễn biến nguy kịch và dẫn đến tử vong.
Trong thời gian gần đây, rải rác ở nhiều địa phương vùng ven biển đã ghi nhận một số vụ ngộ độc khi sử dụng ốc biển làm thức ăn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người ăn.
Điển hình như trường hợp tử vong ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa vào ngày 26/10/2014 do ăn ốc bùn bống; trường hợp tử vong tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên vào ngày 23/11/2014 do ăn ốc biển lạ chưa xác định loài; trường hợp tử vong tại xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận ngày 15/12/2014 do ăn ốc bùn răng cưa. Mới đây nhất là ngày 05/1/2015 đã có 03 ngư dân tỉnh Thanh Hóa tử vong do ăn ốc biển trên thuyền khi đang đánh bắt thủy sản tại vùng biển tỉnh Hà Tĩnh.
Một số loài ốc biển có chứa các độc tố gây ngộ độc. |
Theo TS. Lâm Quốc Hùng, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, độc tố trong ốc thường chỉ có ở tuyến nước bọt. Có những loài ốc luôn luôn chứa chất độc gây ngộ độc cho người ăn nhưng có một số loài ốc biển bình thường không hề gây ngộ độc cho người ăn nhưng có thể “đột nhiên” lại trở nên độc (do chúng ăn phải các loài tảo độc và tích lũy trong cơ thể hoặc có khi không rõ nguyên nhân).
Độc tố trong ốc biển độc tùy từng loài, có 2 loại chính là Saxitoxin và Tetrodotoxin . Saxitoxin là độc tố vi tảo tích lũy trong các loài ốc mặt trăng, ốc đụn và ốc tram… và có thể có trong các sinh vật hai mảnh vỏ, một số loài cua, rạn. Tetrodotoxin có trong ốc tù và, ốc hương Nhật Bản, ốc tù và gai miệng đỏ, ốc bùn, ốc ngọc và có trong một số loài cá nóc, mực đốm xanh hay con so biển...
Hai độc tố này đều thuộc loại độc tố thần kinh cực mạnh, có trọng lượng phân tử thấp, do cấu trúc hóa học khá đặc biệt nên độc tố không bị phân hủy, biến tính trong quá trình xử lý, chế biến kể cả ở nhiệt độ cao. Độc tố vẫn tồn tại và gây ra độc trong thức ăn đã được chế biến, xào nấu hay đóng hộp và cấp đông.
Sau khi ăn phải thức ăn được chế biến từ ốc biển có chứa độc tố (Tetrodotoxin hay Saxitoxin), triệu chứng ngộ độc cấp tính xảy ra trong vòng 20 phút đến 3 giờ. Các triệu chứng có thể xuất hiện sớm như tê, rát bỏng ở môi và đầu lưỡi; có thể biểu hiện hội chứng về tiêu hóa (đau bụng, buồn nôn, nôn, nôn mửa dữ dội…); biểu hiện hội chứng thần kinh (tê, rát bỏng lan dần đến chân tay, kèm đau đầu, đau cánh tay, đi đứng loạng choạng, liệt, chóng mặt, rối loạn ý thức, hôn mê…); hội chứng hô hấp (khó thở, hô hấp nhanh, nông và ngưng thở…). Bệnh nhân suy hô hấp cấp, truy tim mạch và dẫn đến tử vong chỉ sau 30 phút hoặc 8 giờ nếu không được cấp cứu kịp thời.
Hiện nay vẫn chưa có thuốc giải độc đặc hiệu cho các trường hợp ngộ độc do độc tố Tetrodotoxin và Saxitoxin. Biện pháp cấp cứu, điều trị hữu hiệu nhất là kích thích cho bệnh nhân nôn (nôn càng sớm, càng nhiều càng tốt); rửa dạ dày; uống than hoạt tính để thải loại bớt chất độc; điều trị triệu chứng kịp thời: hỗ trợ hô hấp (thở ô xy, thở máy…), hỗ trợ tuần hoàn (truyền dịch, trợ tim mạch…)… Để dự phòng ngộ độc do ốc biển độc, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo:
1. Tuyệt đối không khai thác, đánh bắt và tuyệt đối không sử dụng, không “thử nghiệm” các loại ốc biển nghi ngờ có độc, các loài ốc biển lạ, màu sắc sặc sỡ (ốc ma) để chế biến thành thức ăn.
2. Đối với các loại ốc biển khi sử dụng làm thức ăn đều phải sơ chế, chế biến bảo đảm an toàn: ngâm, thả vào môi trường để nước để kích thích đào thải hết căn bã, chất tiết trong ruột, tuyến bọt (nước muối nhạt, nước vôi nhạt, dấm ăn…); rửa sạch bằng nước sạch, để ráo nước, đun chín kỹ và ăn ngay sau khi chế biến. Tuyệt đối không ăn sống, ăn tái, không qua sơ chế, vệ sinh sạch sẽ.
3. Nếu sau khi ăn ốc biển mà có các biểu hiện, triệu chứng khác thường như tê, rát bỏng ở môi và đầu lưỡi, đau đẩu, đau bụng, buồn nôn… cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Theo Dân Trí