07:01, 28/01/2015

Nhớ ếch kêu đồng

Nơi tôi sinh ra và lớn lên là vùng sông nước bạt ngàn, con đò là đôi chân để người ta đi đây đi đó, có cả nồi niêu, bát đũa hay bếp lò dưới sàn đò và dĩ nhiên là không bao giờ thiếu cái đụt, cái lờ cùng cần câu.

Nơi tôi sinh ra và lớn lên là vùng sông nước bạt ngàn, con đò là đôi chân để người ta đi đây đi đó, có cả nồi niêu, bát đũa hay bếp lò dưới sàn đò và dĩ nhiên là không bao giờ thiếu cái đụt, cái lờ cùng cần câu. Người quê dùng đò chở khoai, chở lúa, đi chợ, đưa đón trẻ đến trường, không thì neo vào bến đợi hay úp mặt xuống đâu đó. Đó là dịp để lũ học trò quê chúng tôi tháo neo rong ruổi qua các nẻo đường đặt lờ, giăng câu, thả lưới. Thích nhất là câu ếch, soi ếch. Cũng giỏ mây giắt thắt lưng rong đò tìm những con lạch có nhiều lau lách là nơi ếch thường trú ẩn để “bố trận bài binh”. Có nhiều cách để bắt ếch, nếu là ban ngày thì câu bằng cách nhử mồi - có thể là bông hoa màu đỏ như hoa pháo tống chẳng hạn, phía trong mồi thịt ốc hay tôm tép rồi móc vào lưỡi câu kéo rê trên mặt nước. Cũng có thể dùng ếch đực làm mồi nhử bằng cách đào hang rồi giấu ếch vào đó. Còn nếu ban đêm thì phải chọn những đêm không trăng dùng đèn pha soi mới có kết quả, bởi ếch nghe tiếng chân hay thấy bóng người là lao nhanh xuống ao trốn biệt. Cho đến bây giờ, tôi cũng không thể nào hiểu được là ếch “chịu đèn” đến ngây dại hay quá sợ hãi mà nằm im để chúng tôi dễ dàng tóm bỏ vào giỏ của mình.


Thịt ếch ăn rất ngon, đến nỗi người quê tôi ưu ái gọi chúng là “gà đồng”. Với những dòng thực đơn dài ngoẵng như ếch chiên bơ, xào lăn, rô ti, nướng muối ớt, ram sả, um nước dừa... mà các hàng quán luôn mời mọc thì còn có một món nữa ăn rất ngon, rất hương đồng gió nội mà không nhiều người biết ngoại trừ các vùng quê đó là ếch nướng rơm. Đốt rơm lên nhưng rơm phải nhiều để có nhiều tro nóng. Quẳng ếch vào đống lửa rồi cào tro rơm đắp lên. Khi ngửi thấy mùi thơm thì lấy ếch ra, bỏ đầu, bỏ ruột, da ếch cũng theo đó mà tróc sạch sẽ. Dùng lạt buộc chúng vào hai thanh tre rồi xát muối ớt lên và nướng sơ lại là xong. Cũng có thể xé thịt ếch rồi trộn với rau răm, hành tím ngâm chua thái lát và ít tỏi phi thì gà xé phay cũng phải kính cẩn cúi chào. Đó là món ăn mà lũ trẻ quê chúng tôi rất ưa thích bởi chẳng phải dùng tới dao thớt. Cách nướng cũng không cầu kỳ nên người quê áp dụng để nướng các loại cá lớn như lóc, tràu, trê mà người ta hay gọi là nướng trui.


Món cuối của các bữa tiệc quê bao giờ cũng là món cháo rồi mới tới bánh mứt hay trái cây. Thông dụng nhất ở đây là cháo cá lóc, còn đặc biệt lắm thì người ta mới đãi cháo ếch hay các loại đặc sản khác. Cháo ếch là món ăn bổ dưỡng, thường được người quê dành cho người già yếu, trẻ còi cọc. Cháo ếch ăn ngon như cháo gà, cháo tôm. Riêng tôi thì nhớ nhất vẫn là món cháo ếch mà mẹ thường nấu cho chúng tôi ăn mỗi khi trái nắng trở trời, tuy hơi khó ăn nhưng giải cảm thì rất hiệu quả bởi ngoài cháo và thịt, mẹ còn cho vào đó khá nhiều lá tía tô xắt nhỏ. Đó là món cháo “điền kê” mà người quê tôi thường nói vui bên những chén rượu hay cuộc cờ lúc nông nhàn, còn tôi thì nhớ hoài cho dù từ đó đến giờ đã mấy mươi năm.


LÝ THỊ MINH CHÂU