01:12, 30/12/2014

7 cách đơn giản phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

Không ai muốn bị ngộ độc thực phẩm, nhất là sau bữa cơm ngày tết. Vì thế hãy trang bị cho mình những vũ khí đơn giản và hiệu quả để ngăn ngừa chuyện xấu xảy ra.

Không ai muốn bị ngộ độc thực phẩm, nhất là sau bữa cơm ngày tết. Vì thế hãy trang bị cho mình những vũ khí đơn giản và hiệu quả để ngăn ngừa chuyện xấu xảy ra.
 
1. Rửa tay
 
Một trong những cách tốt nhất để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm cũng là cách dễ làm nhất. Đơn giản là hãy rửa tay thường xuyên. Việc này hay được áp dụng khi nấu ở nhà hơn là khi ăn ngoài hàng, nhưng bạn có thể hy vọng rằng các nhân viên nhà hàng cũng tuân thủ nguyên tắc này.
 
Hãy đảm bảo là bạn đã rửa tay bằng xà phòng và nước ấm trước khi nấu ăn để ngăn ngừa vi khuẩn và mầm bệnh lây lan, và rửa tay lại một lần nữa sau khi đã nấu song. Cũng cần rửa tay sạch sau khi chế biến thịt hoặc trứng sống.
 
2. Giữ thực phẩm ở nhiệt độ thích hợp
 
Điều này có nghĩa là nên để thực phẩm lạnh trong tủ lạnh cho đến khi sẵn sàng sử dụng. Cũng vậy, khi đi chợ về, hãy cất ngay mọi thứ vào chỗ thích hợp trong tủ lạnh. Điều này sẽ giúp thực phẩm không bị ôi thiu khiến bạn có thể bị bệnh nặng mà không rõ tại sao.
 
3. Cất riêng thực phẩm sống
 
Khi nấu ăn, những thực phẩm tiếp xúc với thịt hoặc trứng sống có thể bị nhiễm bẩn và khiến bạn bị bệnh. Hãy chế biến thực phẩm sống riêng với thực phẩm đã nấu chín cũng như với những thực phẩm mà bạn định ăn sống, như trái cây hoặc rau. Cũng nên cất thịt và trứng sống ở ngăn đáy của tủ lạnh để nước chảy ra từ thịt hoặc trứng vỡ không nhiễm bẩn xuống thực phẩm bên dưới.
 
4. Rã đông trong tủ lạnh
 
Nhiều khi chúng ta quên rã đông món thực phẩm cần dùng cho bữa tối, và thế là ta bỏ nó ra ngoài tủ lạnh để nó tan đá nhanh hơn. Nhưng hóa ra cách làm này lại khá là không an toàn. Cách tốt hơn là hãy rã đông thực phẩm ngay trong ngăn mát của tủ lạnh để nó không bị ấm quá, nhờ đó sẽ ngăn không cho vi khuẩn phát triển và sinh sôi. Nếu vội, hãy dùng lò vi sóng đặt ở chế độ rã đông.

 

5. Kiểm tra hạn dùng
 
Chỉ cần liếc qua là bạn có thể dễ dàng biết được hạn dùng của thực phẩm. Hạn dùng sẽ cho biết liệu món đó đã qua thời điểm sử dụng tốt nhất hay chưa. Hạn sử dụng không như nhau và phần lớn thực phẩm vẫn còn dùng được một vài ngày sau hạn này. Tuy nhiên, chất lượng của thực phẩm lúc đó sẽ không còn tốt nữa. Vì thế với thực phẩm quá hạn tốt nhất là nên bỏ đi.
 
6. Chọn nhà hàng uy tín
 
Phần lớn các chuỗi nhà hàng đều an toàn vì họ phải tuân thủ các qui định nghiêm ngặt. Các cơ sở tư nhân cũng phải tuân theo những quy định này, nhưng có thể lỏng lẻo hơn do không có công ty “mẹ” để giám sát liên tục.
 
Nói chung, bạn sẽ muốn chỗ ăn luôn sạch sẽ, nhân viên ăn mặc gọn gàng, niềm nở và không hành động như thể đang che giấu điều gì đó. Bạn cũng có thể tìm thông tin về các vụ vi phạm an toàn thực phẩm trên mạng.
 
7. Không mạo hiểm
 
Nếu bạn cảm thấy hơi nghi ngờ về loại thực phẩm hoặc một nhà hàng nào đó, thì đừng ăn thực phẩm đó và đi tìm một nhà hàng khác. Nếu bạn thấy món ăn có hình thức hoặc mùi vị “kì kì”, thì tốt nhất là bỏ nó đi thay vì cố thử. Hãy nhớ câu thành ngữ “Đã nghi ngờ thì đừng có dùng.”
 
Theo Sức khỏe & Đời sống