Nấu rau củ chín quá, chiên khoai tây ngập dầu, trộn sirô chocolate chung với sữa chua, đun sôi dầu olive... là cách chế biến sai lầm gây hại cho sức khỏe người.
Nấu rau củ chín quá, chiên khoai tây ngập dầu, trộn sirô chocolate chung với sữa chua, đun sôi dầu olive... là cách chế biến sai lầm gây hại cho sức khỏe người.
1. Chiên gà ngập dầu
Chiên gà ngập trong dầu sẽ rất có hại bởi khi dầu nóng, các phản ứng hóa học xảy ra, các axit béo thiết yếu bị oxy hóa, những chất chống oxy hóa như vitamin E bị phá hủy, từ đó sản sinh các gốc tự do gây tổn hại tế bào. Chiên ngập dầu làm gia tăng axit chuyển hóa chất béo, biến các protein trong thịt gà thành acrolein - một chất gây ung thư, thịt gà cũng trở thành món ăn chứa nhiều calo.
Món gà tẩm bột chiên còn có hại hơn vì cả vụn bánh và bột chiên đều hút dầu rất mạnh khiến hàm lượng chất béo gia tăng đáng kể. Chế độ ăn giàu chất béo là nguyên nhân gây béo phì, tiểu đường loại 2, bệnh tim và ung thư. Nếu bạn thích gà rán, có thể ăn một lượng nhỏ mỗi ngày sẽ không có hại với điều kiện phải có một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh. Về lâu dài, bạn nên sử dụng các phương pháp an toàn hơn như hấp, quay, nướng khi chế biến món này.
Chế biến sai cách biến thực phẩm có lợi thành hại. Ảnh: Soshiok. |
2. Chiên khoai lang
Khoai lang rất giàu vitamin B6 có lợi cho tim mạch cùng các vitamin C và D, magiê, sắt và beta-carotene, chất xơ. Hấp, luộc hay nướng là những cách chế biến lành mạnh giúp giữ lại nhiều chất dinh dưỡng. Trái lại chiên khoai lang ngập dầu hay ít dầu đều làm tăng lượng calo trong khoai lang, nhiệt độ cao có thể phá hủy các chất dinh dưỡng. Việc cho thêm muối vào khoai còn làm gia tăng lượng natri có hại.
3. Nấu rau củ quả quá chín
Chiên giòn, đun sôi rau củ mềm nhũn hoặc nấu trong lò vi sóng có thể phá hủy toàn bộ chất dinh dưỡng. Khi đó bạn đã tạo ra một món ăn chẳng có chút dinh dưỡng nào cả. Cách tốt nhất để nấu rau củ quả là hấp. Xào cũng tốt miễn là thời gian xào ngắn và hạn chế cho nhiều muối hay các loại gia vị giàu chất béo. Bạn có thể dùng lò vi sóng để chế biến nhưng chỉ trong một thời gian nấu rất ngắn mới giữ được các chất dinh dưỡng và độ giòn.
4. Ép rau củ quả
Nước ép trái cây có thể tốt trong một vài trường hợp. Tuy nhiên thực tế một ly nước ép từ 3 khẩu phần trái cây có thể chứa lượng đường tương đương 4 khẩu phần trái cây để nguyên. Khi ép trái cây để uống, bạn đã loại trừ các chất xơ có lợi, gây mất cân bằng lượng đường trong máu.
Trái cây để nguyên được chứng minh cung cấp nhiều chất xơ hơn, giúp ổn định lượng đường trong máu và tốt cho hệ tiêu hóa. Chất xơ khiến chúng ta có cảm giác no, đó là lý do tại sao mọi người dễ dừng ăn sau khi tráng miệng với một quả táo hay lê. Một ly nước ép trái cây lại không tạo cảm giác no lâu. Thế là chúng ta lại tiếp tục uống một ly nước ép khác khiến gia tăng hàm lượng đường trong máu.
5. Làm bỏng ngô với các gia vị giàu calo
Bỏng ngô chứa ít calo, giàu xơ, vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa. Công thức chế biến thêm bơ, muối, caramel, phô mai và các gia vị đã làm thay đổi thành phần dinh dưỡng vốn có của nó. Bỏng ngô rang cũng chứa nhiều calo: 3 chén bỏng có khoảng 19 g carbohydrates, ăn nhiều có thể gây thừa cân.
Cách chế biến bỏng ngô an toàn: Để tăng hương vị, có thể cho thêm gia vị ít calo như húng tây, hạt mè, vỏ chanh, bột tỏi, phô mai parmesan tươi, tiêu, chanh. Nên tránh ăn các loại bỏng đóng gói sẵn chứa nhiều phụ gia và chất bảo quản.
6. Ướp thịt với gia vị đóng gói
Ứớp thịt với dầu ô liu, thảo mộc, vỏ chanh, nước cốt chanh, mật ong, ớt và gia vị là những nguyên liệu giàu dinh dưỡng hơn so gia vị ướp đóng gói sẵn. Sốt BBQ và xì dầu đóng chai thường chứa nhiều đường, muối, chất bảo quản, chất tạo màu và hương liệu nhân tạo có hại.
7. Trộn sirô chocolate vào sữa chua
Sữa chua tự nhiên chứa nhiều probiotic tốt cho sức khỏe. Trộn sữa chua với đường và sirô chocolate sẽ khiến ruột gặp rắc rối vì phải xử lý một lượng lớn đường. Một số bà nội trợ có thói quen sai lầm khi cho thêm bánh kẹo, trái cây đóng hộp vào sữa chua. Để tăng thêm hương vị, các nhà sản xuất cũng cho thêm màu thực phẩm, sirô trái cây và chocolate càng khiến cho sữa chua trở nên "rối nhiễu" hơn.
Các nhà khoa học khuyên người tiêu dùng nên kiểm tra kỹ nhãn mác và thành phần sản phẩm để tránh mua loại sữa chua có nhiều đường và sirô. Cách tốt nhất là ăn sữa chua nguyên chất. Nếu không thể chịu đựng được vị chua của nó, bạn có thể thêm một lượng nhỏ trái cây tươi vào là đủ.
8. Pha bột sữa thực vật với cà phê
Cà phê đen không chứa chất béo và calo, nhưng khi bạn cho thêm các hương vị không phù hợp sẽ biến nó trở thành thức uống đầy chất béo, đường và các phụ gia có hại.
Không nên dùng bột sữa thực vật đóng gói để pha cà phê bởi nó chứa nhiều đường, chất béo, phụ gia, hương liệu, sodium, chất béo, chất ổn định, chất nhũ hoá, chất chống đông... Nó vừa làm tăng lượng calo, vừa tống vào cơ thể bạn rất nhiều hóa chất.
9. Đun sôi dầu olive
Dầu olive tốt cho sức khỏe nhưng phải sử dụng ở nhiệt độ thấp. Đun sôi dầu này tức là bạn đang làm thay đổi cấu trúc phân tử của nó, tất cả dưỡng chất sẽ bay hơi hết. Bạn có thể sử dụng trực tiếp trên salad hay thêm vào một số món ăn nấu ở nhiệt độ thấp. Đối với các món ăn cần nhiệt cao, nên dùng dầu dừa chưa tinh chế, dầu bơ hoặc macadamia vì chúng có nhiệt độ sôi cao
.
10. Ăn dâu tây chung với đường và kem
Dâu tây cung cấp nhiều vitamin C và chất xơ và có chỉ số đường huyết thấp. Sẽ không tốt khi chúng ta ăn dâu tây trộn với đường và kem. Lúc đó sẽ làm tăng đột biến lượng đường trong máu, kem làm tăng lượng chất béo bão hòa và calo không tốt cho cơ thể. Nếu bạn thích ăn dâu tây mà không chịu được vị chua của nó, có thể ăn kèm với một ít mật ong hoặc sirô đường (không hơn một muỗng canh).
Theo VN Express