02:08, 28/08/2014

Vui buồn… âm nhạc đám cưới

Hôn lễ là sự kiện trọng đại trong cuộc đời mỗi con người. Bên cạnh các nghi thức truyền thống, âm nhạc cũng góp phần không nhỏ để buổi tiệc cưới thêm vui, sinh động, ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc cũng như sự thoải mái của khách mời.

Hôn lễ là sự kiện trọng đại trong cuộc đời mỗi con người. Bên cạnh các nghi thức truyền thống, âm nhạc cũng góp phần không nhỏ để buổi tiệc cưới thêm vui, sinh động, ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc cũng như sự thoải mái của khách mời. Tuy nhiên, hầu hết chủ nhân các tiệc cưới hiện nay đều phó thác cho địa điểm tổ chức lựa chọn, dàn dựng chương trình âm nhạc, do vậy đôi lúc dẫn đến tình trạng “dở khóc dở cười”, vô tình phá vỡ không khí hôn lễ, thậm chí gây khó chịu đối với người tham dự…

 

Vui là chính nhưng…



Trong các tiệc cưới tổ chức tại các nhà hàng hay tại nhà, điểm chung là sau nghi lễ là đến phần âm nhạc phục vụ tiệc đãi khách. Lúc này, quan khách tham gia góp vui bằng những tiết mục đủ các thể loại từ buồn đến vui, từ nhạc người lớn đến trẻ con, từ nhạc Việt đến Tây, Tàu… và người tham gia biểu diễn cũng đa dạng về tuổi tác.

 

Anh Toàn, một giáo viên âm nhạc, thổ lộ: “Mỗi lần dự đám cưới, tôi hay được gọi lên hát góp vui do đồng nghiệp tự ý đăng ký tên. Chủ yếu là hát góp vui, dù vậy đôi lúc cũng cảm thấy bị động, vì đâu phải lúc nào mình cũng sẵn sàng lên sân khấu, nhưng khó từ chối vì MC đã gọi đích danh”. Trường hợp của chị Long còn khó khăn hơn: “Tôi vốn chưa bao giờ lên sân khấu để ca hát, nhưng có 1 lần bất ngờ bị một bạn học cùng thời phổ thông nắm tay kéo lên. Đứng trên sân khấu không quen, tay chân cứ lúng túng không biết để đâu…”.

 

Chị Hiếu, người vừa tổ chức tiệc cưới cho con nhận xét: “Tôi không rành về âm nhạc nhưng tôi cảm thấy đám cưới mà không có nhạc sống thì có vẻ không vui, nhưng đôi lúc có những người hát bài nghe không phù hợp lắm...”

 

Ngoài những ca khúc như “Người không mang họ”, “Mượn xe nhớ đỗ xăng”… các bài rap có tiết tấu không phù hợp thỉnh thoảng được "hào hứng" thể hiện trong đám cưới tạo nên sự phản cảm, làm mất đi ý nghĩa vui tươi, trang trọng ngày cưới. Ngoài ra, nhạc quá lớn, gây ồn ào sẽ làm khách mời khó nói chuyện thoải mái với nhau bên bàn tiệc...

 

Cho ngày vui thêm trọn vẹn



Theo nhạc công Long Phước, âm nhạc có vai trò quan trọng không chỉ tạo sự vui nhộn mà còn góp phần tăng tính lãng mạn. Dàn nhạc đôi khi chỉ cần 1 piano, violon, guitar, thậm chí chỉ cần 1 organ cũng đủ, nhưng chương trình âm nhạc cần được dàn dựng, chọn lọc xuyên suốt từ đầu đến kết thúc buổi tiệc. Quan trọng nhất, cần chọn nhạc phù hợp, ví dụ như trong đám cưới trang trọng, có nhiều vị khách lớn tuổi, không thể thuê DJ chơi nhạc ầm ĩ… Ngoài ra, những người tham gia góp vui cũng phải đăng ký bài hát phù hợp mới được mời lên sân khấu.  



Đối với nhạc sĩ Ngọc Anh, Chi Hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa, âm nhạc trong tiệc cưới là sự góp vui, đôi khi không cần phải khắc khe nhiều. Tuy nhiên, người tổ chức cũng nên có sự chọn lọc, tránh những trường hợp quá đà làm mất ý nghĩa ngày vui.

 

Vì vậy, dù tất bật với bộn bề các công việc cần chuẩn bị, đôi uyên ương hãy dành chút thời gian lưu tâm đến phần âm nhạc trong lễ cưới của mình. Hãy để âm nhạc làm cho những cảm xúc thêm sâu lắng, hạnh phúc lứa đôi được thăng hoa trọn vẹn.

 

Như Thảo