10:06, 15/06/2014

Đề phòng bị "luộc" đồ điện tử

Hiện nay, để tìm được một địa chỉ sửa chữa đồ điện tử uy tín không dễ. Điện thoại, máy tính... rất có thể sẽ bị "luộc" (thay thế) các linh kiện kém chất lượng nếu khách hàng không am hiểu.

Hiện nay, để tìm được một địa chỉ sửa chữa đồ điện tử uy tín không dễ. Điện thoại, máy tính... rất có thể sẽ bị “luộc” (thay thế) các linh kiện kém chất lượng nếu khách hàng không am hiểu.


Mới đây, anh Trần Văn Châu (đường Trần Nguyên Hãn, TP. Nha Trang) đem chiếc laptop Asus bị chập chờn màn hình đến một cửa hàng máy tính trên đường 2-4 để sửa. Nhân viên kỹ thuật ghi cho anh giấy biên nhận, rồi đề nghị để máy lại cho họ kiểm tra lỗi, sau đó sẽ gọi điện báo giá. Hôm sau, nhân viên cửa hàng gọi điện thông báo chiếc laptop của anh bị đứt cáp, phải thay cáp mới với giá 300.000 đồng. Vì đang cần dùng máy gấp nên anh Châu đồng ý thay. Tuy nhiên, máy sửa xong cũng dùng chỉ được vài ngày lại dở chứng, màn hình lúc sáng lúc tối. Quay lại cửa hàng kiểm tra, anh được nhân viên phán thêm “bệnh mới” là máy bị hỏng main, phải thay mới với giá 1,2 triệu đồng. Anh Châu thắc mắc, vì sao lần trước nhân viên chỉ báo máy bị đứt cáp thì được viện dẫn lý do chưa kiểm tra đến main. Chấp nhận bỏ thêm tiền để sửa, nhưng anh cũng chỉ dùng được khoảng 2 tuần thì máy lại “bệnh cũ tái phát”. Mang laptop tới một cửa hàng khác trên đường Thống Nhất kiểm tra, anh Châu được biết, máy đã bị thay bộ phận bo mạch chủ dởm của Trung Quốc. Bức xúc, anh đến cửa hàng trước đó để khiếu nại, nhưng vì không am hiểu về máy móc nên anh đuối lý...


Chị Đặng Thị Nhung (đường Lê Hồng Phong, TP. Nha Trang) lỡ tay làm rơi chiếc điện thoại Samsung Galaxy Note 2 mới mua khiến màn hình bị vỡ, hầu hết các chức năng đều không hoạt động bình thường. Chị đem điện thoại đến một cửa hàng gần nhà để sửa. Sau một hồi tháo ra kiểm tra, thợ cho biết máy đã bị hỏng màn hình, cần thay màn hình mới với giá 4 triệu đồng. Thấy đắt quá nên chị Nhung đưa máy cho một người bạn kiểm tra giùm thì được biết, máy đã bị thay pin và loa bằng hàng nhái “made in China”. Vì không có bằng chứng gì để kiện cửa hàng kia nên chị đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.


Hiện nay, các cửa hàng sửa chữa, bảo hành điện thoại, máy tính... mọc lên nhiều, nhưng để chọn được địa chỉ tin cậy không hề dễ. Đa số khách hàng đều không có nhiều kiến thức về máy móc, chỉ biết trông cậy vào thợ sửa. Nhiều người mách nước nhau, khi đi sửa các mặt hàng này phải cẩn thận đề phòng việc bị tráo đổi linh kiện. Theo anh Th. - chủ một cửa hàng sửa chữa máy tính tại Nha Trang, nếu chỉ trông chờ vào việc sửa chữa thông thường thì lời lãi chẳng thấm vào đâu; còn nếu dùng chiêu “luộc” linh kiện, thay hàng xịn bằng hàng dởm thì thể bỏ túi vài trăm ngàn đến cả triệu đồng tùy từng loại máy. Thậm chí, ngay cả khi khách hàng ký tên lên tem ghi số seri của từng linh kiện chính hãng thì dân trong nghề cũng có thủ thuật để bóc tem dán vào linh kiện dởm (thường dùng máy sấy để bóc tem). Linh kiện máy tính thường bị “luộc” là chip, CPU, RAM, ổ đĩa..., còn đối với điện thoại di động là pin, màn hình... Ngoài ra, khi khách hàng mua laptop, điện thoại cũ cũng nên xem xét kỹ vì rất có thể máy nhìn bề ngoài giống hàng chính hãng, nhưng thực tế bên trong đã được thay thế bởi các linh kiện nhái, kém chất lượng.


Theo anh Nguyễn Thành Trung - nhân viên cửa hàng Duy Thành (đường 2-4, TP. Nha Trang), khi mang máy tính, điện thoại đi sửa chữa, bảo hành, khách hàng cần yêu cầu cửa hàng viết phiếu ghi đầy đủ thông tin về cấu hình máy, thời gian giao và nhận máy, số seri từng linh kiện, ký tên vào linh kiện, ghi rõ loại linh kiện sẽ thay thế... Tốt nhất, nên nhờ người quen am hiểu về máy móc đi cùng để kiểm tra trước và sau khi sửa để tránh bị thợ sửa nhìn mặt “hét” giá hoặc “luộc” đồ.


Bà Nguyễn Thị Trang - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cho biết, thời gian gần đây, không có người tiêu dùng nào khiếu nại về việc bị “luộc” linh kiện điện thoại, máy tính. Thực tế vẫn xảy ra tình trạng này, song đa số người tiêu dùng đều tự giải quyết với các cửa hàng, nếu không được thì đành chấp nhận cho qua vì ngại va chạm. Điều đó vô tình tiếp tay cho các cơ sở kinh doanh không chân chính. Do đó, người tiêu dùng khi bị xâm phạm về quyền lợi nên mạnh dạn tìm đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để được giải quyết, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.


T.V