Bệnh sởi sẽ tiến triển nặng và dễ bị biến chứng ở những người có tình trạng dinh dưỡng kém, đặc biệt là thiếu vitamin A, suy dinh dưỡng hoặc người có hệ thống miễn dịch suy giảm.
Bệnh sởi sẽ tiến triển nặng và dễ bị biến chứng ở những người có tình trạng dinh dưỡng kém, đặc biệt là thiếu vitamin A, suy dinh dưỡng hoặc người có hệ thống miễn dịch suy giảm.
Ảnh minh họa |
Do vậy, Cục Y tế Dự phòng cho rằng, cần tăng cường dinh dưỡng cho những người mắc bệnh sởi. Dưới đây là chế độ ăn nhằm nâng cao sức đề kháng cho người bệnh.
Ăn đủ nhu cầu dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm (đủ 4 nhóm thực phẩm: chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và chất khoáng), không quá kiêng khem để bù lại các chất dinh dưỡng bị mất đi trong quá trình tiến triển bệnh.
Ăn đa dạng thực phẩm.
Thức ăn chế biến theo dạng lỏng, mềm, tùy theo sở thích của từng người bệnh.
Bổ sung vitamin, khoáng chất (dưới dạng siro, cốm, viên uống có chứa các vitamin A, E, C, kẽm, selen…, trong đó quan trọng nhất là vitamin A, vitamin C và kẽm).
Đối với trẻ còn trong độ tuổi bú mẹ, tiếp tục cho con bú, cho bú nhiều lần hơn kết hợp với ăn bổ sung hợp lý.
Cho trẻ ăn đủ các thức ăn giàu đạm, đặc biệt là các thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao như thịt, cá (cá chép, cá quả, cá ba sa, cá bông lau, cá hồi, cá trích…), trứng, sữa, hải sản; đồng thời đây cũng là nguồn cung cấp kẽm và sắt giúp tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng cho trẻ. Trong trường hợp trẻ bị biến chứng tiêu chảy hoặc viêm phổi, cần bổ sung kẽm theo hướng dẫn của cán bộ y tế bằng đường uống cho trẻ.
Cho trẻ ăn tăng rau, quả có màu vàng, đỏ (như cà rốt, cà chua, bí đỏ, cam, xoài, đu đủ, dưa hấu…) và các loại rau có lá xanh sẫm (như rau muống, rau ngót, rau giền đỏ, cải bó xôi, xúp lơ xanh…) vì có nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A, vitamin C … giúp tăng cường miễn dịch, chống nhiễm trùng và nhanh làm lành các tổn thương, nhất là các tổn thương ở mắt, chống mù lòa. Các loại quả khác giàu vitamin C giúp nâng cao sức đề kháng và cung cấp nước cho trẻ như bưởi, táo, lê… cũng rất tốt.
Khi đang bị bệnh sởi không nên dùng các loại gia vị cay nóng như ớt, hạt tiêu, quế, hành tây, tỏi, cà ri…., hạn chế các thức ăn chứa nhiều chất béo no, nội tạng động vật; tuyệt đối không dùng các thức ăn mà đã bị dị ứng hoặc các thức ăn lạ.
Uống đủ nước, nhất là trong giai đoạn đang sốt, nôn. Có thể cho uống nước hoa quả như nước cam, nước bưởi, nước chanh và các loại nước quả, sinh tố khác. Khi bị sốt cao, nôn và tiêu chảy cần cho uống dung dịch Oresol để bù nước và điện giải theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Sau khi đã khỏi bệnh, cần ăn nhiều hơn trong giai đoạn hồi phục ít nhất là 2 tuần để cơ thể nhanh trở về tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe bình thường.
Theo HNM