Không dắt ngay xe máy vào nhà khi vừa vận hành về, mở cửa rộng cho xăng xe bay bớt là những nguyên tắc cơ bản đầu tiên.
Không dắt ngay xe máy vào nhà khi vừa vận hành về, mở cửa rộng cho xăng xe bay bớt là những nguyên tắc cơ bản đầu tiên.
Chúng ta đều biết, khi để ô tô ở trong nhà sẽ dấy lên vấn đề báo động về sức khỏe con người do ô tô chính là nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà (indoor pollution) đáng ngại. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhiều gia đình vì diện tích nhà nhỏ hẹp nên buộc phải đưa xe máy vào trong nhà, nơi sinh hoạt. Việc làm này tuy không gây ô nhiễm nhiều như ô tô, nhưng cũng có những điểm cần lưu ý, nếu bạn muốn đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.
PGS.TS Đinh Ngọc Ân, Trưởng khoa Cơ khí động lực, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cho biết: Cũng như đối với ô tô, khói thải, khí thải và hơi nhiên liệu sống từ xe máy cũng thải các chất độc hại ra môi trường. Tuy nhiên, đối với xe máy, hàm lượng các chất này có thể thấp hơn.
Mọi người cũng thường có xu hướng dắt xe ra khỏi nhà mới nổ máy hoặc khi về thì tắt máy rồi mới dắt xe vào, trừ một số trường hợp nhà có bậc thềm cao phải nổ máy mới dắt xe lên được. Hành động tắt máy trước khi dắt vào hoặc ra khỏi là do thói quen có lợi, giảm nguy cơ ô nhiễm, ảnh hưởng chất lượng không khí trong nhà.
Ngoài ra, nên thiết kế chỗ để xe máy riêng biệt, không nằm trong không gian sinh hoạt của gia đình. Trường hợp điều kiện diện tích ở không cho phép thì cũng nên bố trí chỗ để xe máy gần cửa, nơi thông thoáng để hơi xăng, khí thải bay nhanh, loãng ra trong không khí, chứ không nên để ở nơi chật, bí khiến hơi xăng lẩn quất, không bay đi được. Có thể lắp quạt thông gió để hút không khí ô nhiễm từ trong nhà ra phía ngoài trời.
Trường hợp phải nổ máy để đưa xe vào nhà thì sau đó nên tắt máy ngay và để cửa mở một lát cho thoáng khí. Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng xe cũng là một cách tốt để tránh hiện tượng xe chảy dầu, chảy xăng ra ngoài, hoặc xăng đốt cháy không hết gây khói thải ô nhiễm.
Theo Autopro