07:05, 28/05/2013

Đuối nước – nỗi đau có thể không xảy ra, nếu…

Ngày 26-5-2013, lại có 3 học sinh ở Nha Trang, Khánh Hòa bị chết đuối khi đi tắm, trượt chân xuống hố thi công của công tình chỉnh trị hạ lưu sông Tắc và sông Quán Trường, thôn Vĩnh Xuân, xã Vĩnh Thái.

Ngày 26-5-2013, lại có 3 học sinh ở Nha Trang, Khánh Hòa bị chết đuối khi đi tắm, trượt chân xuống hố thi công của công tình chỉnh trị hạ lưu sông Tắc và sông Quán Trường, thôn Vĩnh Xuân, xã Vĩnh Thái. Nỗi đau này có thể phòng tránh được nếu đơn vị thi công có các biện pháp bảo vệ an toàn cho người dân; đồng thời các bậc cha mẹ nhắc nhở con em mình về những nguy hiểm khi chơi bên hố nước hoặc không biết bơi mà vẫn xuống nước.


. Đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu


Còn nhớ, cách đây 2 năm, 3 học sinh lớp 4, Trường tiểu học Diên Xuân 1 cũng bị chết đuối trên sông Chò, thuộc địa phận xã Diên Xuân, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Các em còn rất nhỏ, đều sinh năm 2001. Đoạn sông các em tử nạn có độ sâu từ 1,6 mét trở lên. Đây là địa điểm của một công ty khai thác cát hoạt động, hút cát và tạo nên các hố sâu. Do không biết sự nguy hiểm này nên các em xuống tắm và đã xảy ra sự cố. Qua các vụ tai nạn, chúng ta có thể nhìn nhận một cách nghiêm túc rằng, đã đến lúc không thể thờ ơ với tình trạng này.

 

 Mùa hè, người dân Nha Trang, đặc biệt là trẻ em rất thích tắm biển.


Theo thống kê của Bộ Lao động - thương binh và xã hội, mỗi năm cả nước có khoảng 3.500 trẻ bị chết đuối. Thời điểm thường xuyên xảy ra tai nạn chết đuối là vào các mùa mưa lũ hoặc kỳ nghỉ hè trong năm. Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em và là thứ hai ở người lớn. Việt Nam là một trong những quốc gia có nạn nhân chết đuối cao nhất thế giới, trung bình mỗi ngày có khoảng 10 trẻ tử vong do đuối nước. Nếu như nguyên nhân chung gây tử vong nhiều nhất là do tai nạn giao thông thì chết đuối lại là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong đối với trẻ dưới 18 tuổi.


Ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em trong một cuộc trao đổi, tìm hiểu về nguyên nhân dẫn tới tình trạng đuối nước ở trẻ cũng như cách phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ cho biết, nguyên nhân chính gây ra tình trạng đuối nước ở trẻ em chính là sự bất cẩn của phụ huynh và môi trường quanh trẻ chưa an toàn. Ông cho biết: “Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi thường chỉ tử vong trong gia đình. Trẻ có thể gặp nạn ngay tại các loại xô, chậu, chum vại chứa nước ở trong gia đình và giếng khơi… Những trẻ lớn hơn thường tử vong tại các khu vực ao, hồ, sông nước. Chính vì vậy, sự giám sát, quan tâm chú ý của các bậc cha mẹ là cực kỳ quan trọng. Dẫn tới những tai nạn thương tâm đối với trẻ cũng chính là do sự bất cẩn, lơ là thiếu quan tâm tới trẻ của gia đình và các bậc phụ huynh. Một nguyên nhân khác, đó là môi trường quanh trẻ chưa an toàn. Những đoạn sông sâu, hồ sâu thường không cắm biển báo. Ao quanh nhà, hố nước sâu sau khi đào lấy đất đóng gạch, tưới cà phê, hay các hố ở các công trình xây dựng không có rào chắn, không có nắp đậy”.

 

Cài chặt áo phao cho con trước khi tắm.


. Xin đừng để trẻ bơi … trên giấy


Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2010 - 2015, trên phạm vi cả nước sẽ thí điểm mô hình dạy bơi trong trường tiểu học bằng các hình thức phù hợp với từng địa phương. Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, bắt đầu năm 2010, sẽ tập trung thí điểm dạy bơi cho học sinh lớp 4 và mở rộng dạy cho học sinh khối lớp 3 và lớp 5. Trước tiên tổ chức thí điểm tại các trường có điều kiện thuận lợi, sau đó nhân rộng và thí điểm theo cụm trường và hướng đến tổ chức dạy bơi đại trà cho học sinh cấp tiểu học. Nhưng tại các địa phương, công tác này vẫn nằm trên giấy. Gần đây, trước tình trạng học sinh bị đuối nước liên tiếp xảy ra ở nhiều địa phương, Bộ GD-ĐT lại có công văn yêu cầu các nhà trường tăng cường phòng tránh tai nạn đau lòng này đối với học sinh bằng cách tổ chức dạy bơi cho học sinh trong những nơi có điều kiện triển khai. Điều đáng nói, yêu cầu của Bộ là phải tích cực triển khai các hoạt động phòng chống tai nạn đuối nước cho học sinh, đặc biệt là các mô hình thí điểm dạy bơi trong nhà trường, nhưng lại chưa có quy định ràng buộc phải tiến hành như thế nào, nên các trường sẵn sàng đưa ra lý do rất khó thực hiện. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta vẫn chưa có biện pháp căn cơ để giúp trẻ thoát khỏi đuối nước. Trước thực trạng này, một phụ huynh ở phường Phước Tiến, TP. Nha Trang bức xúc: “Ở một thành phố có biển nhưng học sinh lại không được học bơi. Chẳng còn cách nào khác, vào cuối tuần, vợ chồng tôi phải cho con ra biển tập bơi. Chúng tôi không muốn cấp trên ban hành văn bản, nhưng cấp dưới lại không thực hiện. Đừng để trẻ em cứ bơi … trên giấy như hiện nay.


Trước mắt, khi chưa có đủ cơ sở vật chất để triển khai công tác dạy bơi cho học sinh - sinh viên (HSSV), các trường cần thực hiện nghiêm công văn hỏa tốc của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường công tác phòng, tránh tai nạn do đuối nước cho trẻ em, học sinh, sinh viên trong dịp hè này. Theo đó, cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về biện pháp phòng, tránh đuối nước trên các phương tiện thông tin của nhà trường và địa phương; khuyến khích, tạo điều kiện cho trẻ em, HSSV, chủ động tham gia các lớp học bơi trong dịp hè. Khi trẻ em, học sinh tham gia các hoạt động tắm, bơi cần có sự giám sát của người lớn. Nhà trường cần khuyến cáo HSSV không nên tắm, bơi ở những nơi nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, sông, suối, thác, ghềnh hiểm trở và những nơi nguy hiểm khác. Cùng với đó, các Sở Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định về công tác phòng, tránh đuối nước cho trẻ, HSSV.


HOÀNG NHẬT