Tôi không may mắn như nhiều bạn bè cùng trang lứa. Trong khi các bạn được tung tăng cắp sách tới trường thì tôi còn phải lo kiếm tiền đong gạo và mua thuốc cho mẹ. Những tưởng cuộc đời tôi sẽ chẳng bao giờ biết đọc, biết viết nhưng rồi tất cả đều thay đổi từ một buổi sáng cuối Thu năm tôi 10 tuổi…
Tôi không may mắn như nhiều bạn bè cùng trang lứa. Trong khi các bạn được tung tăng cắp sách tới trường thì tôi còn phải lo kiếm tiền đong gạo và mua thuốc cho mẹ. Những tưởng cuộc đời tôi sẽ chẳng bao giờ biết đọc, biết viết nhưng rồi tất cả đều thay đổi từ một buổi sáng cuối Thu năm tôi 10 tuổi…
Trong xóm trọ nghèo nơi hai mẹ con tôi sinh sống chẳng phải riêng tôi mà thằng Tèo, con Tít và nhiều đứa trẻ khác cũng không được đi học. Hàng ngày, chúng tôi phải đi khắp các hẻm phố bán vé số, đánh giày hoặc làm bất kể công việc gì để có tiền. Chúng tôi khác nhau rất nhiều nhưng đều giống nhau là nghèo và không được đi học. Mỗi ngày, nhìn thấy thằng Lân - con bà chủ nhà - được ba mẹ đưa đến trường và cứ chiều tối lại thấy nó ngồi ngoài cửa ê a đọc những bài thơ hay truyện gì đó mà tôi thèm được như nó.
Những con chữ cứ nhảy múa trong giấc mơ vô tận của tôi cho đến một buổi tối, khi tôi đang ngồi xoa bóp chân tay cho mẹ thì có mấy anh chị thanh niên đến vận động ra lớp học tình thương. Các anh chị bảo, tôi sẽ được học miễn phí, được cho sách vở, bút mực và nếu học giỏi còn được thưởng. Thế là tôi trở thành học sinh của lớp học tình thương ấy. Buổi khai giảng được bắt đầu vào một buổi sáng cuối Thu trong xanh, mát rượi. Lớp học đặt tại nhà văn hóa khu phố, cách xa nơi tôi ở trọ nhưng không buổi học nào tôi vắng mặt trừ những ngày mẹ tôi bệnh nặng. Thầy cô giáo của chúng tôi là các anh chị đoàn viên, trong đó có vài anh chị làm công an. Còn chúng tôi, lũ học sinh con nhà nghèo với đủ lứa tuổi và thành phần xuất thân. Chúng tôi không được đưa đón đến trường, không có đồng phục nhưng ngược lại chúng tôi khát khao con chữ.
Tôi còn nhớ thầy Đạt, làm ở công an phường. Sau mỗi buổi học, thầy thường nán lại lớp trò chuyện cùng chúng tôi. Thầy bảo, vì thầy làm công an nên nhắc chúng tôi khi đi làm phải cảnh giác với người xấu và khuyên chúng tôi chăm chỉ làm việc, thật thà, trung thực với mọi người, không được ăn cắp và nhất là nhặt được của rơi phải trả lại cho người bị mất. Thầy còn tìm hiểu cặn kẽ hoàn cảnh từng đứa để kịp thời cùng các anh chị đoàn viên khác tìm cách giúp đỡ chúng tôi. Một lần mẹ tôi ốm nặng, phải đi bệnh viện. Không có tiền, tôi đánh liều lẻn vào một quầy tạp hóa ngoài phố và lợi dụng lúc đông khách, lấy trộm tiền trong hộc tủ. Không ngờ vừa lúc ấy thầy Đạt đi ngang qua và nhìn thấy. Thầy chẳng nói gì mà rủ tôi đi uống nước mía. Rồi thầy tỉ mỉ khuyên bảo tôi trả lại số tiền đã lấy. Thầy sẽ giữ kín chuyện này và tìm cách giúp đỡ mẹ tôi.
Sau lần ấy, tôi cảm thấy xấu hổ với bản thân và càng cố gắng học tốt hơn. Tôi đã học hết cấp 1 ở lớp học tình thương ấy, và nhờ sự giúp đỡ của thầy Đạt cùng các thầy cô khác, tôi được theo học cấp 2, sau đó vừa học bổ túc cấp 3 vừa học nghề.
Học xong, tôi tìm được công việc ổn định, có tiền chữa bệnh cho mẹ. Cuộc sống hai mẹ con tôi trôi trong những tháng ngày yên bình. Dù bây giờ những người thầy ngày xưa nơi lớp học tình thương ở xóm nghèo ấy đã có tuổi, họ trở về với công việc chuyên môn của mình và có thể chẳng nhớ những đứa học trò đặc biệt như tôi, nhưng sâu thẳm trong tôi, họ mãi là những người thầy cao quý và đáng kính.
Lương Thị Nguyệt