10:10, 09/10/2012

Thương con nhưng chớ chiều con

Ngày nay, các gia đình sinh ít con, kinh tế cũng khá hơn nên coi con cái là bảo bối, hạt ngọc. Có lẽ ý thức được giá trị của mình nên nhiều con trẻ ngày càng đòi hỏi cha mẹ những điều vô lý.

Ngày nay, các gia đình sinh ít con, kinh tế cũng khá hơn nên coi con cái là bảo bối, hạt ngọc. Có lẽ ý thức được giá trị của mình nên nhiều con trẻ ngày càng đòi hỏi cha mẹ những điều vô lý.

Chiều chuộng quá sẽ làm hư con

Vợ chồng chị họ tôi lập gia đình muộn. Chị 34 tuổi mới sinh cháu gái đầu lòng, chồng chị lúc đó đã ngoài 40 tuổi nên hai vợ chồng cưng chiều con hết mực. Chính vì thế, sau khi sinh, chị nghỉ luôn việc ở cơ quan để ở nhà chăm con.

Có lẽ ý thức được giá trị của mình nên cháu bé ngày càng bướng bỉnh và đòi hỏi vô lý. Vợ chồng chị tôi không hề phân tích cho con thấy điều gì nên và không nên mà nuông chiều, đáp ứng mọi yêu sách của con... Điều đó càng khiến cháu nghĩ rằng mình thật sự là một “ông vua con” trong gia đình, có quyền đòi hỏi bất cứ thứ gì và mọi người phải đáp ứng. Thế nên chỉ cần không vừa ý điều gì hoặc đòi hỏi của cháu chưa được đáp ứng ngay, cháu lập tức lăn ra ăn vạ.

Khác với vợ chồng chị họ tôi, vợ chồng bạn tôi lại nuông chiều con chỉ vì cháu là con “heo vàng”, mang lại may mắn cho họ. Bởi lẽ, khi lấy nhau, cả hai đều mới ra trường, chưa có việc làm. Sau khi đẻ “heo vàng” (năm 2007) hai vợ chồng may mắn tìm được việc làm. Từ đó, vợ chồng bạn tôi gọi cháu bé là “con heo vàng”, “bùa hộ mệnh”. Cháu bé ngày càng lớn và cũng ý thức được vị trí của mình trong gia đình nên có thái độ hỗn láo và luôn đưa ra yêu sách.

Cách đây không lâu, tôi có dịp sang nhà bạn chơi. Vừa bước vào cổng, tôi nhìn thấy cảnh tượng đứa con trai 5 tuổi của bạn đang vừa khóc, vừa cầm điều khiển ti vi đập phá đồ đạc trong nhà; còn bạn tôi chỉ biết đứng nhìn cậu con trai gào thét và luôn miệng nói: “Cục vàng của mẹ ngoan, mai mẹ sẽ mua kiếm cho con”. Hóa ra, hôm qua, nhìn cậu bé hàng xóm có cây kiếm nhựa nên sáng nay, trước khi đi học, cậu bé bảo mẹ mua kiếm nhưng mẹ quên mua. Chiều nay vừa đi học về, đúng lúc cậu bạn sang chơi, không có kiếm nên cậu bé mới nổi giận, đập phá đồ đạc.

Ngày nay, các gia đình sinh ít con, kinh tế cũng khá hơn nên coi con cái là bảo bối, hạt ngọc. Có lẽ ý thức được giá trị của mình nên nhiều con trẻ ngày càng đòi hỏi cha mẹ những điều vô lý.
Người lớn cưng chiều thái quá sẽ hình thành thói quen xấu cho trẻ sau này (ảnh minh họa).

Nên nói không đúng lúc

Làm bố mẹ ai lại không thương con, chiều con, nhưng điều đáng nói là xu hướng thương con thái quá đang ngày càng trở nên phổ biến. Tuy không muốn, nhưng với những đứa trẻ được cưng chiều, mọi người thường rất ngại “động” vào. Vì vậy, việc giáo dục các em không thể hiệu quả và chính các em là người phải gánh chịu hậu quả.

Nhiều chuyên gia giáo dục so sánh, nếu như ở Singapore, khi đi học, trẻ mầm non tự bước xuống xe, tự đóng cửa, khoác ba lô, chào bố mẹ và tự đi vào trường thì ở Việt Nam, nhiều trẻ còn được cha ẵm, mẹ xách ba lô. Khi nhận trẻ, nếu cô giáo không bế trẻ vào tận lớp thì phụ huynh không vui. Lúc đón con, thay vì hỏi con những điều hay ho, phụ huynh lại chỉ quan tâm đến những chuyện tiêu cực như: Cô có đánh con không? Có bạn nào bị cô đánh không?...

Theo các chuyên gia tâm lý, cha mẹ nên nuông chiều con đúng kiểu, biết đáp ứng những đòi hỏi của con khi thấy chính đáng, tuy nhiên cũng cần phải biết nói không khi thấy đòi hỏi của con là vô lý. Ngoài ra, cha mẹ cũng phải biết đề nghị con nghe theo điều kiện đi kèm; biết ra “luật” và hình thành các quy tắc ứng xử, nói năng, hành động để trẻ có được nguyên tắc sống phù hợp và không làm phiền người khác; có cái nhìn đúng đắn mọi hành động, lời nói của con để kịp thời uốn nắn chứ không nghĩ rằng chuyện nhỏ nên bỏ qua, vì nhiều chuyện nhỏ sẽ tích cóp thành chuyện lớn, khi đó rất khó thay đổi...

Thêm vào đó, dạy con cũng cần tránh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Bản thân cha mẹ cần thống nhất trong cách giáo dục và “chuẩn” trong cử chỉ, lời nói hàng ngày. Có như vậy mới giúp con hình thành nhân cách tốt...

NGỌC HÀ