"Của anh cũng là của em", "của chồng công vợ"… là những câu nói thường thấy khi hai nửa gộp lại thành một nửa, quyết định chung sống với nhau đến khi "đầu bạc, răng long".
"Của anh cũng là của em", "của chồng công vợ"… là những câu nói thường thấy khi hai nửa gộp lại thành một nửa, quyết định chung sống với nhau đến khi "đầu bạc, răng long". Thế nhưng, khi đứt gánh giữa đường, chuyện phân chia tài sản trở nên phức tạp, thậm chí thành cuộc chiến không khoan nhượng…
Một bó đũa cũng chia đôi
Ông N.M - 60 tuổi (đường Ngô Gia Tự, Nha Trang) quyết định ly hôn với bà vợ thua mình 5 tuổi. Đơn gửi đến Tòa án của ông M. ghi rõ: "Do bất đồng quan điểm sống". Hòa giải 3 lần không thành, cuối cùng Tòa chấp thuận cho họ ly hôn. Ông bà có 2 người con trai đều đã có gia đình. Về tài sản, ngoài căn nhà chung đang ở, ông bà còn có 1 lô đất ở Phước Đồng. Ông đồng ý nhà thì chia đôi, vì đó là tài sản hai vợ chồng tích cóp thời trẻ mua được, nhưng riêng lô đất thì ông khăng khăng cho rằng đó là tài sản của riêng ông, ông mua bằng tiền tiết kiệm của bản thân, bà không dính dáng gì, chuyện sổ đỏ có đầy đủ tên vợ chồng chẳng qua là do ông tôn trọng bà nên mới để tên chung. Thỏa thuận với nhau không được, Tòa chia theo luật, ông được phần nhiều hơn do công sức đóng góp nhiều hơn, ông cũng không chịu. Bà vợ cũng kiên quyết đòi chia đôi, bởi "ổng nói không đúng, tiền của chung, mua chung, giờ sao lại đòi cho riêng mình. Tại ổng có nhân tình nên mới tính toán thiệt hơn như thế. Tui đòi không phải cho tui mà là cho các con tui, không lẽ chúng thiệt thòi hơn người tình của ổng sao?" - bà lý giải. Cứ thế, chuyện phân chia tài sản cứ nhùng nhằng mãi, đã đường ai nấy đi rồi nhưng mỗi lần nói đến chuyện này, hai ông bà không gặp thì thôi, gặp thì đấu khẩu đến nảy lửa.
Ảnh minh họa |
Không có tài sản có giá trị, khi ly hôn, hai vợ chồng anh X. và chị H. (phường Vĩnh Thọ, Nha Trang) liệt kê từng món đồ trong căn nhà thuê để... chia nhau, đến bó đũa cũng chia làm đôi. Lấy nhau năm 2009, 1 năm sau họ đã lục đục. Lý do là anh hay say xỉn, thường xuyên bạo hành với vợ. Mới đầu, chị vợ khẩn thiết xin Tòa giải quyết cho họ ly hôn càng nhanh càng tốt, chị sẵn sàng ra đi với hai bàn tay trắng. Nhưng sau đó, thấy chồng công khai qua lại với người tình, thậm chí dắt về nhà "tâm sự" mỗi lần vợ vắng nhà, chị thay đổi ý định. "Từ hồi lấy nhau, chúng tôi tích cóp được một số tiền, định để dành mua đất. Tài sản trong nhà cũng do hai vợ chồng gom góp mua sắm. Tôi định để lại hết cho anh ta nhưng nghĩ tới nghĩ lui thấy tại sao mình lại phải chịu thiệt thòi như vậy, mắc gì phải để cho người khác hưởng nên nhất quyết cái gì cũng chia đôi, kể cả từng cái bát, đôi đũa..." - chị H. kể.
Một thẩm phán chuyên xử án hôn nhân gia đình ở Tòa án nhân dân tỉnh cho biết, có nhiều cặp khi ly hôn rất nhanh-gọn-lẹ nhưng cũng có nhiều trường hợp cứ mãi "cấu xé", tranh giành tài sản mà không để tâm, chú ý đến tài sản quý giá nhất của mình - đó chính là những đứa con...
"Con đường đau khổ" tập hai
Nhiều người nghĩ, sống với nhau không được, giải thoát cho nhau là cách tốt nhất. Nhưng thực tế, có nhiều người sau ly hôn vẫn chưa hết khổ. Họ gọi giai đoạn này là "con đường đau khổ" tập hai! Chị Nhung (chung cư Lê Hồng Phong, Nha Trang) kể, sau khi ký đơn ly hôn, Tòa xử cho chị được quyền nuôi con trai 2 tuổi. Anh chồng chuyển về Bắc sinh sống, được một thời gian thì quay lại đòi con. Hai bên đã từng giáp mặt nặng lời, thậm chí xô xát với nhau. Đòi không được, anh ta chuyển "chiêu", giả bộ làm lành với chị, tới chơi với con thường xuyên với tinh thần từ "đối đầu chuyển sang đối thoại". Tưởng anh suy nghĩ tích cực hơn, nào ngờ một lần chị đang trong giờ làm thì nhận được điện thoại của chồng cũ, báo tin anh ta đang trên đường cùng con trai ra Bắc, bảo chị từ nay cứ yên tâm giao thằng bé cho mình. Chị bàng hoàng, giận run người, tức tốc xin nghỉ phép về quê anh để đòi lại con. Nhưng một mình chị không thể chống lại cả gia đình, dòng họ bên chồng nên chị đành về tay không, không được gặp con một lần. Năm nào chị cũng thu xếp ra thăm con, nhưng mỗi lần gặp con, gia đình chồng cũ của chị đều "bố trí" người đi theo giám sát, canh giữ. Gặp con, chị khóc rất nhiều, xót thương cho cảnh mẹ con mỗi người mỗi ngả. Không những thế, thằng bé bị nhà bên ấy nhồi nhét những suy nghĩ không tốt về mẹ nên mỗi lần gặp nhau, nghe con hỏi những câu hỏi mà chị biết đã bị "mớm" lời, chị càng ngẹn lòng. Hơn 5 năm trời đau khổ như thế, mới đây, mẹ con chị mới được đoàn tụ. Chả là anh chồng cũ chuẩn bị cưới vợ, mà cô vợ không thích dây dưa chuyện con riêng, con chung nên anh ta mới đem trả lại thằng bé cho chị. Nhắc đến quãng thời gian đó, chị khóc sướt mướt, thương con và thương mình...
Nhiều người còn bị vợ/chồng cũ làm khó cho "đã nư" sau ly hôn, nhất là khi thấy đối phương có người yêu mới. Thay vì làm bạn, không ít cặp chuyển sang thành... thù. Họ nói xấu nhau, tiêm vào đầu con trẻ những ý nghĩ không tốt về bố/mẹ chúng, cố tình làm khó nhau. Chị Thủy (đường Phương Sài, Nha Trang) tâm sự: "Nghe tin tôi có bạn trai mới, chồng cũ lập tức đến đòi con gái với lý do không thể để cho con gái thấy cảnh mẹ mình trai gái lăng nhăng. Ông ấy tiêm vào đầu con trẻ những ý nghĩ không tốt, thậm chí còn to tiếng lăng mạ tôi trước mặt con... Ông ấy không biết rằng, người đàn ông đến sau chăm sóc và đối xử với con gái của mình tốt hơn gấp nhiều lần cha của nó...".
Thật ra, không ai muốn hôn nhân đổ vỡ. Gia đình ly tán là một mất mát lớn, nhất là đối với những đứa con. Có nhiều cặp vợ chồng, sau ly hôn họ vẫn là bạn tốt của nhau, con cái vẫn được hưởng sự chăm sóc, quan tâm đầy đủ của bố mẹ. Nhưng cũng không có ít trường hợp, nhiều đứa trẻ đã bị trầm cảm, sống khép kín, mất niềm tin vào người thân... sau khi bố mẹ ly hôn. Vì thế, khi không còn chung sống với nhau được nữa, người trong cuộc nên nghĩ đến con cái nhiều hơn, không nên tính toán so đo, hành xử kém văn hóa, bởi dù sao người bị tổn thương và thiệt thòi nhiều nhất vẫn chính là những đứa con của mình...
HẢI NGUYỆT