01:05, 25/05/2012

Chuyện mẹ kế, con chồng

Khi Lan - 25 tuổi, nhân viên kinh doanh của một hãng mỹ phẩm có chi nhánh ở Nha Trang tuyên bố sẽ kết hôn với Tùng - hơn cô 10 tuổi, đã “qua một lần đò”, nhiều người chặc lưỡi bảo: “Số khổ rồi đây, chưa gì đã được làm mẹ nhưng lại là… mẹ kế!”.

Khi Lan - 25 tuổi, nhân viên kinh doanh của một hãng mỹ phẩm có chi nhánh ở Nha Trang tuyên bố sẽ kết hôn với Tùng - hơn cô 10 tuổi, đã “qua một lần đò”, nhiều người chặc lưỡi bảo: “Số khổ rồi đây, chưa gì đã được làm mẹ nhưng lại là… mẹ kế!”.

.  Vượt “chướng ngại vật”!

Bạn bè, người thân lo cho Lan cũng có cái lý, bởi Tùng từ hồi chia tay với vợ cũ đến giờ vẫn ở trong cảnh “gà trống nuôi con”; cô con gái 10 tuổi của Tùng cứ mỗi lần thấy ba dắt “ai đó” về nhà chơi lại giận dỗi, “dọa”: “Bố không được lấy vợ, bố mà lấy vợ, con về ở luôn với mẹ”! Ngay cả bản thân Lan cũng thấy con bé cực kỳ khó tính. Hồi mới quen Tùng, khi đến nhà anh chơi, tuy tìm đủ mọi cách nhưng Lan vẫn không thể tiếp cận được với bé My. Cô bé đóng cửa phòng, ngồi lỳ trong đó, đợi đến khi “khách” của bố về mới chịu mở cửa. Lan mua cho My thứ gì, cô bé cũng đòi trả lại vì “không thích”. Lắm lúc, Lan cảm thấy nản vì chưa vượt qua được “chướng ngại vật” này. Nhưng rồi, nhờ sự kiên trì và tình yêu thương thật lòng, khoảng cách giữa Lan và bé My ngày càng được thu hẹp. Tuy vậy, Lan vẫn cảm thấy lo lắng. “Con bé tính khí rất thất thường, lúc vui lúc buồn. Mình đi làm cả ngày đã mệt, về đến nhà còn lo cơm nước, lại hồi hộp xem con bé hôm nay vui hay buồn để hỏi han, chăm sóc… thì quả thật là rất mệt” - Lan giãi bày. Cô hy vọng, khi nào về ở hẳn với nhau, tình hình “mẹ kế con chồng” sẽ được cải thiện, vì “cứ cư xử tốt và yêu thương bé thật lòng, bé sẽ hiểu và cảm nhận được” - Lan nói.

 Yêu thương nhau thật lòng sẽ xóa đi rào cản giữa mẹ kế, con chồng… (Ảnh minh họa)
  Yêu thương nhau thật lòng sẽ xóa đi rào cản giữa mẹ kế, con chồng… (Ảnh minh họa)

Tất nhiên, khi đã chấp nhận làm “tập hai” của một người đàn ông đổ vỡ một lần hoặc mất vợ, sống cảnh “gà trống nuôi con”, người phụ nữ nào cũng mong muốn mình có một mái ấm bình yên và hạnh phúc. Rào cản lớn nhất giữa họ chính là chuyện “con anh, con em, con chúng ta”. Nhật Hạ - 30 tuổi, trưởng bộ phận nhân sự của một công ty dược phẩm kể, cô vừa kết hôn năm ngoái với một người đàn ông hơn cô đúng 1 giáp, có một cậu con trai 10 tuổi. Mới đầu, Nhật Hạ hầu như không gặp khó khăn gì từ “nhân vật chính”, bởi cậu bé tỏ ra không quan tâm đến chuyện bố sẽ đi bước nữa, cũng không có tâm lý khư khư giữ bố cho riêng mình như những đứa trẻ cùng cảnh ngộ khác. Mồ côi mẹ từ nhỏ nên Hoàng - tên cậu bé - chịu nhiều thiệt thòi, nhất là khi bố thường phải đi công tác xa. Từ ngày có dì, bé Hoàng được chăm sóc chu đáo hơn. Tuy nhiên, càng ngày Nhật Hạ càng… phát ngán với cậu con trai của chồng. “Từ ngày về sống chung với nhau, chưa bao giờ bé gọi tôi bằng dì mà cứ nói trống không. Tối, dạy bé học, chưa nói hết câu thứ hai thì bé đã làm mình phát khóc vì cứ cãi lại, thậm chí còn tỏ thái độ chống đối. Đi làm về, tôi phải dành phân nửa thời gian để dọn dẹp phòng ốc cho bé vì bé rất bừa bãi, đụng đâu bày đó, nói mãi nhưng đâu vẫn vào đấy. Anh ấy thường đi công tác xa nên ở nhà chỉ có 2 dì cháu. Mỗi lần bực mình với con, tôi thường gọi điện tâm sự với chồng. Anh bảo, phải chịu khó, kiên trì, con nó còn nhỏ, đừng chấp nhất làm gì. Nhưng anh đâu biết được có nhiều lúc tôi muốn buông xuôi vì cảm thấy mình bất lực…” - Nhật Hạ tâm sự. Chưa bao giờ làm mẹ, bây giờ lại phải đầu tắt mặt tối lo cho một đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn nên cô cảm thấy thật sự khó khăn. Tuy nhiên, cô cũng ít chia sẻ với chồng vì “mỗi lần tôi la rầy bé, bé phản kháng lại bằng cách gọi điện về mách bà ngoại, nói tôi là “bà dì ghẻ đáng ghét” - Nhật Hạ kể. Cô chia sẻ, mấy tháng nay khoảng cách mẹ kế, con chồng ngày càng xa hơn, vì cô chịu hết nổi những trò nghịch phá, tính cách ngỗ ngược của cậu con trai. Hơn nữa cô đang có thai nên thời gian này cô cần tĩnh dưỡng, tránh những chuyện bực mình để không làm ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, theo lời Nhật Hạ, cô đang bàn với chồng nên thu xếp làm việc tại Nha Trang để coi ngó, chăm sóc con cái, chứ nếu cứ kéo dài như thế này, chắc cô “không trụ được lâu”, bởi nếu kìm nén thì cậu con trai càng được nước lấn lướt, nếu lỡ làm ầm lên thì thể nào cô cũng được phía bên ngoại của Hoàng dèm pha “mấy đời bánh đúc có xương/mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng”…!

. Yêu con chồng như con đẻ

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Có không ít trường hợp mẹ kế, con chồng từ chỗ đang trong tình trạng “đối đầu”, sau một thời gian chuyển sang “đối thoại”. Anh Trần Minh Khanh (đường Lê Hồng Phong, Nha Trang), kể: “Vợ đầu bị ung thư rồi qua đời, tôi ở vậy nuôi 2 đứa con gái song sinh. 10 năm sau, tôi mới quyết định đi thêm bước nữa. Cô ấy trẻ, chỉ hơn 2 đứa con gái của tôi chừng 1 giáp. Mới đầu, khi đưa cô ấy về nhà ra mắt, chúng làm ầm lên, nhất quyết không chịu cho tôi quen cô ấy. Bây giờ thì mọi chuyện đã thay đổi, 3 cô cháu bây giờ không rời nhau nửa bước…”. Hỏi anh có bí quyết gì không, anh bảo tất cả là nhờ cô ấy. Trước khi quyết định kết hôn với anh, cô ấy đã dành nhiều thời gian để tiếp cận, tìm hiểu sở thích, tính tình, để ý đến những điều nhỏ nhặt nhất của 2 cô con gái. Cô ấy đến nhà chơi, nấu những món ăn mà cả 3 bố con đều thích; thỉnh thoảng mua những món quà nhỏ xinh tặng 2 cô con gái; rủ cả nhà đi chơi, đi xem phim cuối tuần… Nói chung là tất cả các “hoạt động ngoại khóa” của gia đình anh được cô ấy xếp lịch sao cho các thành viên đều cảm thấy thoải mái, vui vẻ, tạo cho 2 đứa con riêng của anh không cảm thấy chúng bị bỏ rơi; thậm chí những chuyện riêng tư, hò hẹn của 2 người cũng được cô thu xếp kín đáo, cả hai đều tránh thổ lộ tình cảm quá đà trước mặt con… Nhờ thế, sau một thời gian, khoảng cách giữa “hai phe” dần được rút ngắn. “Quan trọng là cô ấy làm tất cả việc đó vì bố con tôi với một tấm lòng và tình cảm chân thật nên các con tôi đều chấm điểm cao cho cô ấy. Hơn nữa, cô ấy rất tâm lý, nói chuyện với các con như một người bạn nên sống chung với nhau đã gần 5 năm nhưng chưa hề xảy ra chuyện bất hòa. Có khi, tôi theo không kịp, bị 3 người đẹp bỏ rơi ngay trên sân nhà ấy chứ!” - anh Khanh tếu táo đùa.

Thật ra, Hoa - vợ anh Khanh cũng đã từng trong cảnh mẹ kế, con chồng nên cô thấu hiểu những trở ngại của người trong cuộc khi quyết định đến với nhau. Hoa kể, lúc cô lên 5, mẹ mất, để lại hai anh em, lúc đó bố cô còn đang ở chiến trường Campuchia. Hết nghĩa vụ, bố trở về, sau đó ít năm, ông quyết định đi bước nữa. Mẹ kế của Hoa là một người đàn bà bình thường, ít nói nhưng đảm đang, giỏi gánh gồng. Mới đầu, Hoa và anh trai nhất định không muốn sống chung với mẹ kế, hai anh em tỏ ra chống đối quyết liệt. Hoa biết mẹ kế cũng rất đau khổ khi chứng kiến cảnh này, nhất là thấy chồng tỏ ra khó xử đứng giữa một bên vợ, một bên con. Mẹ kế của Hoa không có con, nên tình thương của bà dồn hết cho bố con Hoa. Nhưng ngày ấy, Hoa không hiểu được hết tình cảm của bà. Hai anh em Hoa cứ suốt ngày tìm cách châm chọc, quấy phá, thậm chí còn đặt điều cho bà những chuyện không có… Hai năm sau ngày cưới, bố của Hoa bị tai nạn giao thông, nằm liệt một chỗ. Từ đó, dì trở thành trụ cột gia đình, vừa chăm chồng vừa nuôi hai con của chồng ăn học đến nơi đến chốn. Khoảng thời gian khó khăn ấy đủ để cho hai anh em Hoa hiểu và thương dì hơn. Hoa kể, lần đầu tiên khi nghe Hoa gọi tiếng “mẹ”, dì đã bật khóc… Số phận bây giờ lại sắp đặt cho Hoa cũng trở thành một bà mẹ kế, hơn ai hết cô cảm nhận được nỗi niềm của người trong cảnh mẹ kế, con chồng. Có lẽ vì vậy mà cô thể hiện khá tốt vai trò của người đến sau, gần gũi và thương yêu, chăm sóc con chồng bằng tất cả tình thương và tấm lòng của mình…

“Mấy đời bánh đúc có xương/mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng”, nỗi niềm ấy không phải ai cũng giống ai. Vẫn có những bà mẹ kế thương con chồng như con đẻ; vẫn có những đứa con chồng xem mẹ kế như mẹ ruột… Để làm được điều đó, hẳn nhiên như một câu ngạn ngữ đã nói: những gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim…

TUỆ VĂN