04:02, 27/02/2012

Ông ngoại

Sau một cơn tai biến, bà ngoại tôi bị liệt nửa người, tất cả mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có người giúp. Và người luôn ở bên cạnh chăm sóc bà không ai khác chính là ông ngoại tôi.

Sau một cơn tai biến, bà ngoại tôi bị liệt nửa người, tất cả mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có người giúp. Và người luôn ở bên cạnh chăm sóc bà không ai khác chính là ông ngoại tôi.

Bà vốn là người phụ nữ đảm đang, tháo vát, cả đời lăn lộn với cuộc sống lo cho gia đình. Khi ông bà về hưu thì con cái đều lớn cả, cuộc sống trở lên thoải mái hơn, bà tôi không còn buôn bán nữa. Ở cái tuổi gần 80, bà quanh quẩn bên vườn rau, con gà và lo cơm ngon, canh ngọt cho ông; còn ông lại tìm đến các hoạt động thể thao dành cho người già và tham gia các câu lạc bộ văn thơ hưu trí. Những tưởng cuộc sống cứ êm đềm trôi qua để ông bà được hưởng những tháng ngày bình yên đến khi kết thúc cuộc đời, nhưng rồi bà lại lâm vào cảnh bệnh tật.

Từ khi bà bệnh, ông ngoại tôi bỏ hẳn các thú vui ấy để chăm sóc bà. Mỗi ngày, ông đi chợ mua đồ ăn, lui cui vào bếp nấu cho bà những món ăn ngon, bổ dưỡng, rồi tự tay đút cho bà ăn, vừa nói chuyện cho bà vui. Ông kể lại những chuyện xưa của hai ông bà, chuyện con cháu sống thành đạt, hạnh phúc như thế nào. Những câu chuyện của ông luôn khiến cho bà cười. Ông thường tìm những thứ lá cây dân dã nấu nồi nước thơm để tắm cho bà. Ông bảo, càng bệnh, càng phải sạch sẽ thì mới nhanh khỏi bệnh. Mỗi ngày, nắng cũng như mưa, mùa Hè cũng như mùa Đông, ông đều giúp bà lau người và thay quần áo. Những bộ quần áo của bà do chính tay ông giặt. Ông bảo, giặt máy không sạch như giặt tay, nên chiếc máy giặt các con mua để tiện việc giặt giũ chẳng bao giờ ông dùng đến. Biếtù bà thích nghe hát quan họ nên ông dặn bác Hai tôi mua cái đầu đĩa và vài cuốn băng hát. Thế là những lúc ông đi chợ, hay làm việc nhà, vẫn có “người nói chuyện” cùng bà. Ông hì hục thiết kế cho bà chiếc bàn cạnh giường để tập cho bà ngồi. Bà ngồi trên giường và vịn vào chiếc bàn. Rồi bà ngồi được và tự xúc cơm ăn.

Nhiều năm qua đi, ông vẫn cần mẫn bên bà chăm sóc chu đáo từ miếng ăn, giấc ngủ để các con cháu yên tâm học hành, công tác. Với ông, được làm những công việc ấy giúp bà là một niềm hạnh phúc. Nếu con cháu có ý định đưa ông bà về ở cùng cho tiện chăm sóc hay thuê người giúp ông lo cho bà, ông đều phản đối. Cái lý lẽ của ông thật đơn giản: “Vợ chồng phải yêu thương, chăm sóc nhau, lúc khỏe mạnh, cũng như lúc đau ốm, khi trẻ cũng như lúc già. Mẹ các con chăm sóc bố cả đời rồi, giờ hãy để bố chăm sóc mẹ của các con”.

9 năm kể từ ngày bà bị bệnh đến khi bà mất, chưa một ngày ông rời xa bà. Ông thường bảo, không ai hiểu bà bằng ông nên chỉ cần bà đưa mắt là ông biết bà cần gì. Ngày bà mất, ông không khóc. Ông bình lặng tiễn bà về với tổ tiên. Hình như ông cảm thấy nhẹ lòng vì nụ cười mãn nguyện của bà trước khi ra đi. Không lâu sau, ông ngoại tôi cũng qua đời.

Cơn lốc thành thị ùa về quê ngoại, tất cả đều thay đổi, chỉ duy nhất căn nhà 3 gian ông bà ngoại đã từng ở là còn nguyên vẹn. Ý nguyện của bác Hai cũng như những người trong gia đình là phải giữ căn nhà làm nơi trở về của mỗi người trong gia đình và cũng là để hương khói cho tổ tiên. Và hơn hết, nơi này lưu giữ một thứ tài sản vô giá mà không thể mua được bằng bất cứ thứ gì. Đó chính là tình yêu thương, sự sẻ chia, quan tâm, chăm sóc của vợ chồng, của những người thân và của con người với con người. Tài sản mà ông bà ngoại tôi để lại cho con cháu chỉ là bấy nhiêu thôi.

LƯƠNG THỊ NGUYỆT