03:01, 20/01/2012

Về quê ăn Tết

Với những người xa xứ, Tết là dịp để đoàn tụ gia đình. Với những cặp vợ chồng không ở cùng quê, thời gian nghỉ Tết ít ỏi chỉ để họ đủ “chạy sô” ăn Tết ở “quê anh, quê em”.

Với những người xa xứ, Tết là dịp để đoàn tụ gia đình. Với những cặp vợ chồng không ở cùng quê, thời gian nghỉ Tết ít ỏi chỉ để họ đủ “chạy sô” ăn Tết ở “quê anh, quê em”. Tuy là dịp để gặp gỡ gia đình nhưng có không ít những nàng dâu rất sợ cảnh về quê chồng ăn Tết!

Năm nay Tết được nghỉ 9 ngày, thay vì về cùng chồng đón Tết ở Nghệ An, Tết này vợ chồng anh Nhân chị Ngọc (phường Vĩnh Hòa) lại chịu cảnh mỗi người ăn Tết một nơi. Lý do là chị Lan đang mang thai 7 tháng, không thể đi xa. Hỏi có buồn khi ở nhà một mình ngày Tết, chị Ngọc cười: “Ôi dào, ổng về quê có 3 ngày lại vào, buồn gì! Tết bầu bì cũng mệt thật nhưng hóa ra lại hay vì không phải về quê, thoát cảnh làm dâu nhà chồng!”. Chị kể, lấy nhau gần 3 năm nay, Tết nào chị cũng khăn gói theo chồng về quê. Về nhà chồng, chưa kịp nghỉ ngơi, chị đã quần quật từ sáng đến chiều với những việc không tên: quét dọn nhà cửa, phụ mẹ chồng gói bánh chưng, nấu cơm cúng kiếng… Mệt mà không dám than, nói với chồng, chị được anh “động viên”: “Cố lên em, em là dâu trưởng mà có phải làm dâu ngày nào đâu, chỉ có mấy ngày Tết ở với bố mẹ, phải làm cho tròn vai chứ!”. Chị Ngọc nói, tuy bố mẹ chồng luôn miệng bảo chị không phải làm gì nhưng không lẽ lại “ngồi chơi xơi nước” trong khi cả nhà bận tíu ta tíu tít. Thế là chị đương nhiên trở thành nàng dâu trưởng đảm đang trong mắt mọi người, trong khi chị chỉ mong mau hết Tết để được về Nha Trang nghỉ ngơi. “Tết ở quê thì vui thật nhưng cứ nghĩ đến chuyện ngày nào cũng đầu tắt mặt tối với cơm nước, dọn dẹp là tôi lại… phát ớn!”- chị Ngọc nói.

1
Ảnh minh họa.

Cùng “cảnh ngộ” với chị Ngọc, chị Thanh (đường Lê Hồng Phong, Nha Trang) có nhiều nỗi niềm mỗi khi Tết đến. Chị là dân Nha Trang chính gốc, còn chồng chị là bộ đội, quê ở tận Thái Bình. Hồi mới cưới, ngại cảnh đường xa, chị đã giao ước với anh 2 năm mới về quê chồng một lần. Sau này có con, lại sinh liền tù tì 2 nhóc nên Tết đến, gia đình họ lại chia làm hai: anh về quê còn ba mẹ con ở Nha Trang đón Tết. Mỗi lần anh về, ngân sách gia đình lại bị thâm hụt đáng kể, tiết kiệm lắm cũng phải tốn gần chục triệu đồng: nào quà cáp biếu bố mẹ, anh chị em chồng; tiền lì xì… Chị Thanh tuy mấy năm nay không phải về quê chồng ăn Tết nhưng cứ mỗi lần Tết đến, chị lại có trăm mối lo. Ấy vậy mà năm nào bố mẹ chồng cũng gọi điện trách cứ, bảo mấy mẹ con chị “trốn Tết”, không chịu về quê. Năm nay được nghỉ Tết dài ngày, anh bàn với chị cho các con về quê thăm ông bà nội, chị không đồng ý vì cho rằng mùa này ngoài ấy lạnh, các con đi xa không quen, về đổ bệnh làm sao đi học. Chỉ có mỗi chuyện về hay không về mà anh chị cãi nhau mấy bận. Rút cuộc, anh đành đồng ý với ý kiến của chị, Hè này cả gia đình sẽ cùng về. Chị tâm sự: “Tình hình kinh tế khó khăn, mỗi lần về quê lại tốn mất một khoản. Các cụ thì bảo gửi tiền gửi quà làm gì, các cụ có cần mấy thứ đấy đâu, chủ yếu là muốn gặp mặt các con, các cháu. Biết là thế nhưng vẫn thấy khó, phải chi mình dư dả một chút thì không sao, đằng này cả hai vợ chồng “cày” cả năm chỉ dư chút ít, năm nào về quê thì coi như không có khoản này…”.

Cũng vì chuyện về quê ăn Tết mà mấy ngày nay, cặp vợ chồng trẻ Hòa - Hạnh (chung cư chợ Đầm, Nha Trang) hục hặc suốt. Quê Hòa ở Quảng Bình, còn Hạnh ở Ninh Thuận. Cưới nhau 2 năm nay, năm nào họ cũng khăn gói về “quê anh, quê em” ăn Tết. Năm nay, Hạnh không muốn về quê chồng, cô thích hai vợ chồng ở Nha Trang đón Tết, sau mùng 2 sẽ về nhà ngoại vì nhà ngoại gần, đi lại ít tốn kém. Thế nhưng Hòa nhất định không chịu vì nhà chỉ có mỗi mình anh là con trai, Tết không về coi sao được. Hơn nữa, họ còn đang là vợ chồng son, không vướng bận con cái thì nên tranh thủ dịp Tết để về chơi với các cụ, sau này có con có cái, muốn đi được cũng khó. “Tết năm nào em cũng chẳng được nghỉ ngơi, được mấy ngày Tết về quê chồng làm dâu, suốt ngày cắm đầu vào bếp, ăn uống xong lại loay hoay với một chồng chén bát; trong khi đó chồng về quê cứ như “cá gặp nước”, suốt ngày tụ tập, nhậu nhẹt với bạn bè, chẳng ngó ngàng gì đến vợ, có biết vợ tủi thân thế nào đâu. Em nói thì ảnh bảo, có mấy ngày làm dâu mà cũng than vãn, nhưng quả thật là em ớn… đón Tết ở nhà chồng lắm rồi!” - Hạnh than. Hòa thì lại cho rằng, đó chỉ là cái cớ của Hạnh, thật ra Hòa biết vợ ngại tốn kém. “Nếu Tết này cô ấy không chịu đi, tôi sẽ về một mình. Cô ấy có thể về quê ngoại, tôi sẽ vào sau” - Hòa đưa ra phương án của mình. Chưa biết cặp vợ chồng này sẽ ăn Tết ở đâu nhưng xem ra câu chuyện vẫn chưa đến hồi kết.

Riêng với Ngọc Lan - nhân viên phòng giao dịch ngân hàng, năm nào cô cũng háo hức về quê chồng đón Tết. Nhà chồng cô ở một huyện nghèo thuộc tỉnh Quảng Nam, Tết ở đó tuy đơn sơ, giản dị nhưng rất vui và ấm áp. Lan kể, cả nhà chồng luôn dành cho cô sự ưu ái đặc biệt, cô hầu như không phải làm việc gì vì bố mẹ và anh em chồng đã “tranh” nhau làm hết, chuẩn bị chu đáo mọi thứ để đón vợ chồng cô về quê ăn Tết. Mấy ngày Tết, vợ chồng Ngọc Lan thăm thú họ hàng, đi chơi với bạn cũ của chồng và lúc nào cũng về ăn cơm với gia đình - những bữa cơm luôn rộn ràng tiếng cười đùa. Năm nay, gia đình chồng Ngọc Lan còn vui hơn khi vợ chồng cô đưa thêm một thành viên mới là một nhóc vừa tròn 5 tháng tuổi về ăn Tết với ông bà nội. Ngọc Lan chia sẻ: “Có tốn kém một chút, có vất vả một chút nhưng được về quê là một niềm vui lớn. Các cụ mỗi ngày một gần đất xa trời, về với bố mẹ được ngày nào vui ngày nấy…”.

Đúng là “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, Tết đến ai cũng có những nỗi niềm riêng. Theo chuyên gia tư vấn tâm lý, chuyện nhiều nàng dâu không muốn ăn Tết quê chồng không hề hiếm. Có rất nhiều lý do mà chị em đưa ra: quá mệt mỏi vì phải làm việc vất vả, ngại đường xa, con nhỏ, bụng bầu, sức khỏe kém… Tuy nhiên, mỗi năm chỉ có một lần, các thành viên trong gia đình nên cố gắng thu xếp, bàn bạc với nhau để có những ngày Tết vui vẻ bên những người thân yêu nhất.

TUỆ VĂN