10:11, 05/11/2011

Nỗi lòng của thầy chủ nhiệm

Thời gian lặng lẽ trôi nhanh, thế là thoắt đã 3 tháng thầy trò chúng ta cũng làm việc bên nhau trong năm học cuối cấp này.

Thời gian lặng lẽ trôi nhanh, thế là thoắt đã 3 tháng thầy trò chúng ta cũng làm việc bên nhau trong năm học cuối cấp này. Cũng như những năm trước, thầy cứ ngỡ rằng việc làm quen với lớp, ổn định nề nếp và học tập của các em sẽ đi vào khuôn phép sau tháng đầu của năm học. Thầy trò rồi sẽ hiểu nhau và cùng nhau hợp tác để đạt mục tiêu cuối cùng của năm học lớp 12 là thi đỗ tốt nghiệp và đậu vào một trường cao đẳng, đại học vừa sức mình. Thế nhưng, thầy thật sự không ngơ với bao nhiêu năm đứng trên bục giảng, làm công tác giảng dạy và chủ nhiệm biết bao lớp học sinh, thầy lại cảm thấy mình như bất lực trong việc quản lý và dạy dỗ các em. Phải nói rằng ớp chúng ta là một lớp cá biệt trong tất cả các lớp 12 của trường. Thầy có cảm tưởng các em đến lớp không phải để học, để chuẩn bị cho các kỳ thi cuối năm, cũng như chuẩn bị hành trang bước vào đời, mà các em đến lớp chỉ để họp mặt phá phách và xem việc gây phiền phức cho thầy cô là thú vui của mình. Mặc cho thầy đưa ra những lời nhắc nhở riêng từng em, lời cảnh cáo phê bình trước lớp và cả các biện pháp kỷ luật mạnh cũng đều vô hiệu trước các em. Bao nhiêu kinh nghiệm của một đời đi dạy thầy đem ra áp dụng nhưng đều thất bại. Các em nam như đang cố tình thành lập một “lực lượng” tập thể để cùng nhau quậy phá. Mỗi ngày, các em đều làm một điều phiền phức bắt thầy phải giải quyết… Hôm thì nói tục, hôm lại vẽ bậy trên bàn, làm vỡ cửa kính, rồi vô lễ với thầy cô… Đến nỗi mỗi khi vào lớp, thầy không dám mở sổ đầu bài vì sợ phải bực mình khiển trách các em, ảnh hưởng đến tiết dạy của mình, vì thầy biết rằng trong sổ đầu bài dày đặc những lời phê bình của thầy cô bộ môn cùng với những điểm kém.

Còn về việc học tập thì thật sự thầy không hiểu sao các em lại được ngồi ở lớp 12 với cái đầu trống rỗng những kiến thức cơ bản như vậy. Sau mỗi bài học, thầy đều kiểm tra những kiến thức vừa học, thế nhưng mỗi lần chấm bài là mỗi lần lòng thầy quặn đau vì chỉ có một vài em đạt điểm trung bình. Biết bao nhiêu lần thầy tự vấn chẳng lẽ mình là giáo viên dạy dở lắm hay sao mà kết quả học tập của các em lại thấp kém như vậy. Các em hầu như không học hành gì. Bài thầy yêu cầu luyện tập, các em lại sao chép lẫn nhau. Bài tập phụ đào thầy đưa trước cả tuần chuẩn bị, chỉ có vài em làm. Các em chỉ có thói quen chép đáp án để đối phó với thầy cô và không hề xem lại bài cũ. Mỗi khi thầy cô bộ môn gặp thầy đều than thở cùng một câu: “Lớp thầy hoàn toàn không học hành gì”. Các em hầu như không chấp hành yêu cầu, phân công của thầy. Chưa bao giờ các em làm công việc được giao một cách hoàn tất và đúng hạn. Mọi công tác của Đoàn, của trường, các em đều lề mề, bê trễ mặc cho thầy thúc nhắc hàng ngày. Trong nhiều buổi sinh hoạt lớp, thầy thường phân tích cho các em thấy thầy có 3 vị trí: Thầy chủ nhiệm lớp, giáo viên dạy môn thi tốt nghiệp và là một người lớn tuổi, thế những các em chẳng thể hiện sự tôn trọng trước lời nhắc nhở của thầy. Mỗi sáng thứ hai chào cờ đầu tuần, lớp mình đều xếp chót trong khối 12 với điểm số thi đua thấp nhất. Thầy thực sự xấu hổ với đồng nghiệp vì sự quản lý lớp yếu kém của mình.

Học trò của thầy thân mến!

Thầy trò chúng ta còn 7 tháng nữa sinh hoạt bên nhau, chẳng lẽ các em luôn tìm cách đối đầu với thầy trong những tháng ngày còn lại. Tại sao các em không nghĩ gì về tương lai bản thân? Các em phải biết rằng việc học hành của các em được trang trải bằng những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi của ba mẹ các em với niềm tin về những đứa con yêu dấu của mình sẽ đem lại niềm tự hào cho gia đình. Tại sao các em không hợp tác cùng thầy cô để năm học cuối cấp này sẽ mãi là những kỷ niệm khó quên? Hãy làm cho câu khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” không chỉ dành riêng cho các em học trò, mà còn là niềm ao ước của các thầy cô. Qua những dòng tâm sự này, thầy hy vọng các em sẽ hiểu nỗi lòng của một người thầy chủ nhiệm. Mong rằng thầy trò chúng ta hãy gác lại quá khứ buồn để cùng nắm tay nhau hướng về một tương lai tràn ngập sắc hồng.

Thầy Nguyễn Văn Minh