Con cái lớn, thành đạt, ra riêng, vợ chồng ông Tường (đường Đống Đa, Nha Trang) quay lại cảnh…
Nhiều lần thấy bố mẹ ra vào trong căn nhà rộng, không bóng dáng con cháu, anh con trai cả của vợ chồng ông Tường cứ thuyết phục ông bà chuyển hẳn vào TP. Hồ Chí Minh ở với gia đình mình. Nhưng ông Tường và bà Hân đều không muốn. Có bận, bà Hân phải vào trong đó chăm con dâu đẻ, ở gần 2 tháng, ở nhà ông Tường buồn hiu buồn hắt, trông ngóng đến ngày bà về. “Tuổi già ai chẳng muốn có con, cháu cạnh bên. Nhưng các con tôi lập nghiệp ở xa, vợ chồng tôi lại không muốn thay đổi cuộc sống. Thử hỏi ở đâu sống tốt hơn Nha Trang? Sáng, vợ chồng cùng đi biển tập thể dục, tối cũng dạo biển, thú vị lắm. Khi nào nhớ cháu, chúng tôi đi thăm. Chúng nó cũng thường xuyên ra thăm ông bà vào dịp lễ, Tết… Thế là hạnh phúc rồi…” - ông Tường chia sẻ.
Nhiều người cũng chọn cách sống như vợ chồng ông Tường. Không phải họ không thích cảnh gia đình “tứ đại đồng đường”, có điều do hoàn cảnh nên con cái và bố mẹ không có điều kiện để ở chung, nhất là đối với những gia đình ít con. Nhà vợ chồng ông Nguyễn Hùng (Ninh Hòa) có 2 đứa con thì cả hai đều lập nghiệp ở Nha Trang. Mấy lần vợ chồng ông cũng đã chuyển vào Nha Trang sống cùng với các con để giúp chúng trông nom nhà cửa, con cái… nhưng rồi ông và bà đều xác định chỉ “ở chơi” chứ không thể “ở luôn”. Về quê, ông bà chăm chút ruộng vườn, sớm tối có nhau. “Quan trọng là chúng tôi còn khỏe nên dù chỉ có hai ông bà, tụi nhỏ vẫn yên tâm. Lúc nào ông ốm thì bà chăm và ngược lại, khi nào cần lắm mới phải gọi cho con. Thời buổi này mình cũng không nên phụ thuộc vào con cái quá, sắp nhỏ còn phải lo cho gia đình nhỏ của chúng, mình còn khỏe, còn tự lo được thì sống như thế này cũng tốt rồi…”. Ông Hùng nói. Mỗi tuần, hai con ông lại đưa vợ, con về quê chơi, gia đình cùng tụ họp, quây quần bên nhau. Bởi vậy, suốt cả tuần ông bà cứ mong cho hết ngày đến cuối tuần để được gặp con, cháu; có thứ gì ngon, ông bà đều để dành chờ “lũ trẻ” về.
Còn gia đình bà Anh Thư (phường Tân Lập - Nha Trang), hai người con của bà đều định cư và công tác ở nước ngoài nên vợ chồng bà cũng thành… vợ chồng son. Bà Thư tâm sự: “Thật ra, vợ chồng tôi cũng buồn vì con cháu sống xa tới nửa vòng trái đất. Nhiều khi tôi hay ông nhà bị ốm, chúng nó gọi về nhưng phải nói dối là mình vẫn khỏe để con đỡ lo. Có lần, ông nhà tôi bị bệnh phải nhập viện, nhìn cảnh người ta có con, có cháu ra vào chăm sóc, chúng tôi không khỏi mủi lòng. Nhưng biết làm sao được, hoàn cảnh buộc phải thế mà…”. Các con của bà Thư cũng biết điều đó nên năm nào họ cũng ráng thu xếp để về Việt Nam thăm bố mẹ. Mỗi lần như vậy, ông bà như trẻ ra chục tuổi; đến khi con cháu đi rồi, ông bà lại thui thủi với nhau, nhớ con thương cháu đến nao lòng…
Vợ chồng nếu tâm đầu ý hợp thì dù “son” hay không “son” cũng không thành vấn đề. Nhưng có nhiều gia đình không có được những hạnh phúc đơn giản khi họ thành vợ chồng son lúc tuổi… xế chiều. Nhà ông Lê Trung (xã Vĩnh Phương, Nha Trang) là một trường hợp như thế. Ông bà có 3 gười con, chỉ có người con trai út là đang làm việc tại Nha Trang, còn lại đều sống ở TP. Hồ Chí Minh. Hồi còn trẻ, vợ chồng ông thường khắc khẩu, không hợp nhau, nhiều lần suýt đường ai nấy đi.
Nhưng vì con, họ quyết định sống với nhau vì nghĩa nhiều hơn vì tình. Vì vậy, khi các con ra riêng, tự lập, nhà chỉ còn hai ông bà nhưng lại “mạnh ai nấy sống”. Mới đầu, họ còn ăn chung. Sau này, bà bị bệnh nên cần ăn kiêng, thế là mỗi người một bếp. Khi nào cần nói chuyện với nhau thì nói, không thì thôi. Anh con trai đầu thấy thế mới thuê ô-sin để trông nom, chăm sóc ông bà nhỡ khi một trong hai người ốm đau. Ông Trung tâm sự: “Nhà tui chỉ vui khi có con, cháu về thăm. Từ ngày bả bị bệnh càng khó chịu hơn, tui có chăm cỡ nào bả cũng không vừa ý. Cái bệnh “khắc khẩu” của hai vợ chồng tui thành bệnh… nan y rồi, khó chữa lắm. Đến tuổi này rồi mà chưa nói đến câu thứ hai đã muốn cãi nhau… Người ta cứ nói nhìn vợ chồng tôi giống vợ chồng son, con cái trưởng thành, nhà cửa sung túc, sướng quá còn gì. Nhìn vậy mà đâu phải vậy…”.
Nhiều người ở cảnh vợ chồng son tuổi xế chiều cũng rất chịu khó thay đổi lối sống để làm cuộc hôn nhân những năm tháng cuối đời không trở nên nhàm chán. Ngoài việc tham gia các công việc xã hội ở phường, xóm, họ còn thu xếp đi du lịch để tận hưởng cuộc sống. Những cặp vợ chồng son ở tuổi xế chiều nếu có điều kiện, dư dả, con cháu thành đạt thường rất viên mãn và hạnh phúc. Tuy nhiên, nhiều người cũng không tránh khỏi cảm giác cô đơn, buồn tủi khi thiếu vắng con cháu. Vì vậy, dù gì đi nữa, con cái bao giờ cũng là sợi dây kết nối hữu hiệu nhất, dù bận rộn đến mấy cũng nên quan tâm đến đấng sinh thành, đừng để bố mẹ già đến cuối đời phải sống trong sự cô đơn, trống trải…
NHÃ KỲ