01:10, 09/10/2011

Đừng bao bọc con thái quá

Tuy con gái đã học lớp 10 song chị Hương vẫn đối xử với con chẳng khác như một đứa trẻ. Từ cái kẹp tóc, đến áo quần, giày dép, sách vở…,

Tuy con gái đã học lớp 10 song chị Hương vẫn đối xử với con chẳng khác như một đứa trẻ. Từ cái kẹp tóc, đến áo quần, giày dép, sách vở…, chị đều tự tay mua sắm cho con chứ không để con tự lựa chọn theo ý thích cá nhân. Ngoài nhiệm vụ học tập, con gái chị không phải động tay vào bất cứ việc gì. Ăn cơm xong đã có mẹ rửa bát, chăn màn ngủ dậy cũng để đấy mẹ gấp, bàn học bề bộn thì mẹ sắp xếp, dọn dẹp, việc đến trường hàng ngày cũng do mẹ đưa đón. Ngay cả việc con chơi với bạn nào cũng do chị tìm hiểu, lựa chọn… Chị tỏ ra hài lòng khi thấy con gái luôn răm rắp nghe theo sự sắp đặt của mình. Trong thâm tâm, chị đinh ninh rằng theo sát con chặt chẽ như vậy sẽ tránh được những hậu quả nghiêm trọng bởi lứa tuổi mới lớn thường non nớt, dễ sa ngã! Song có một điều chị vô tâm không nhận thấy, đó là con gái chị tuy học rất giỏi nhưng sống ủy mị, thiếu tự tin, rất dễ hoang mang bởi luôn được bao bọc nên ít có cơ hội cọ xát với thực tế…

Một trường hợp khác. Cao to, đẹp trai, lại xuất thân từ một gia đình sung túc song thực chất Thắng vẫn chỉ là “một đứa trẻ núp bóng mẹ”. Bạn bè rất đỗi ngạc nhiên trước điệp khúc luôn thường trực trên miệng Thắng mỗi lần khích lệ cậu ta tham gia các hoạt động đoàn thể: “Để mình hỏi ý kiến mẹ đã”. Càng buồn cười hơn khi Thắng đi chơi cùng cả lớp có một ngày mà mẹ Thắng liên tục gọi điện nhắc nhở con ăn uống, nghỉ ngơi đúng giờ, không được đùa nghịch nhiều quá ảnh hưởng đến sức khỏe… Là “cậu ấm” được che chở, bao bọc thái quá từ nhỏ nên càng lớn Thắng càng thiếu vắng nét tính cách mạnh mẽ, quyết đoán của một thanh niên. Thắng ngoan ngoãn làm theo ý mẹ, dường như những điều mẹ nói luôn là mệnh lệnh tối cao mà Thắng chỉ có một cách duy nhất là tuân thủ. Đáng nói nhất là cả chuyện yêu đương, Thắng cũng không có chính kiến mà chỉ biết chờ đợi vào sự phán quyết của gia đình. Có cảm tình với cô bạn gái nào, khi đưa về mà mẹ không đồng tình ủng hộ là ngay lập tức Thắng ngãng ra…

Hiện nay, không hiếm những gia đình có điều kiện vật chất dư giả, cha mẹ coi việc thỏa mãn những đòi hỏi, nhu cầu hưởng thụ của con là cách thể hiện tình yêu thương. Bên cạnh đó, những đứa con sớm phải chịu mất mát, thiệt thòi như: ốm yếu, bố mẹ ly hôn… cũng thường được phụ huynh bao bọc thái quá bởi họ quan niệm phiến diện rằng đó chính là cách bù đắp cho con. Nhưng thực tế đã chứng minh hầu hết những đứa trẻ được người lớn chăm chút cho từng ly từng tý, khi lớn lên thường hay đòi hỏi người khác phục vụ mình, không có ý thức, nghị lực, không làm chủ được bản thân trước khó khăn, thử thách nên dễ vấp ngã…

Trong con mắt của các bậc cha mẹ, con cái bao giờ cũng nhỏ bé, khờ khạo, cần phải quan tâm, vỗ về (dù trên thực tế chúng đã khôn lớn, trưởng thành). Tuy nhiên, các nhà tâm lý học khuyến cáo các bậc làm cha, làm mẹ phải trau dồi, rèn luyện con tính tự lập, quyết đoán ngay từ thời thơ ấu. Yêu thương, chiều chuộng đến mức việc gì cũng làm hộ con, hay nói khác đi biến con thành người ỷ lại, phụ thuộc là vô tình hình thành trong đầu óc con trẻ bản tính lười biếng, dễ hoang mang, dao động. Khi những đặc điểm này thấm sâu vào tiềm thức, trở thành tính cách thì rất khó thay đổi.

HOÀI HƯƠNG