03:10, 26/10/2011

Để chuẩn bị cho buổi tiệc cưới ngọt ngào

Hiện nay, ở Nha Trang, có nhiều khách sạn và trung tâm hội nghị, tiệc cưới nhận đặt tiệc cưới với giá từ cao cấp đến bình dân nên các cô dâu chú rể có nhiều sự lựa chọn phù hợp với điều kiện, thu nhập của mình.

Hiện nay, ở Nha Trang, có nhiều khách sạn và trung tâm hội nghị, tiệc cưới nhận đặt tiệc cưới với giá từ cao cấp đến bình dân nên các cô dâu chú rể có nhiều sự lựa chọn phù hợp với điều kiện, thu nhập của mình. Các cơ sở cạnh tranh nhau bằng chất lượng với những “chiêu” lạ, món ăn, dịch vụ, giá cả. Các cặp đôi nên khảo sát kỹ khi đặt tiệc cưới để được tiếng khéo chọn địa điểm, tiệc ngon và phục vụ chu đáo.

Ngay sau khi gia đình hai bên chọn được ngày lành tháng tốt cho cặp đôi kết mối lương duyên, cùng với chụp ảnh, thuê váy cưới, chọn nhẫn, các cặp đôi đều khảo sát kỹ để chọn nơi đặt tiệc cưới. Lời khuyên của những người có kinh nghiệm về chuyện này là với những nơi mình chưa từng dự tiệc thì nên tham khảo gợi ý của người thân, bạn bè, đồng nghiệp để biết chất lượng món ăn ở đâu ngon. Khi chọn địa điểm, ngoài khảo sát giá cả, thực đơn, các dịch vụ đi kèm, cô dâu chú rể tương lai cũng nên xem xét cả hội trường, sân khấu, bố trí lối đi, bàn tiệc, người phục vụ có thuận tiện, chu đáo hay không.

Một đám cưới tổ chức tại Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Âu Lạc Thịnh.

Giá cả thường là ưu tiên hàng đầu của các cặp đôi khi chọn địa điểm đặt tiệc. Qua khảo sát của chúng tôi, ở nhà hàng Viễn Đông, Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Âu Lạc Thịnh, Angella… mỗi phần ăn thấp nhất là 170 ngàn đồng (5 món chính và 1 món tráng miệng). Thấp hơn một chút như Hoàng Lan, Ponaga cũng 145 hoặc 150 ngàn đồng/phần ăn. Theo ông Phan Danh Dũng, Phó Giám đốc Khách sạn Viễn Đông, mức thấp nhất là 170 ngàn đồng/phần nhưng khách hàng thường đặt ở mức 200 ngàn đồng/phần để yên tâm về chất lượng và số lượng món ăn. Với giá cả cho buổi tiệc cưới hiện nay, các cặp đôi cần cân nhắc kỹ lượng khách đặt tiệc. Ông Đoàn Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Âu Lạc Thịnh (đường Nguyễn Thị Minh Khai) chia sẻ: “Khách hàng nên thảo luận kỹ với gia đình để lên danh sách khách mời, thông tin chính xác và trao đổi với nhân viên nhà hàng để được tư vấn đặt số lượng bàn phù hợp, tránh tình trạng khách ngậm ngùi ra về vì thiếu bàn hoặc thừa cỗ”. Ngoài các thực đơn mẫu (5 món chính và 1 món tránh miệng), các nhà hàng đều có thực đơn chọn món với bảng giá rất rõ ràng để khách hàng lựa chọn.

Ở những nơi chuyên tổ chức hội nghị, tiệc cưới thường có vài hội trường có sức chứa khác nhau để khách hàng lựa chọn phù hợp với lượng khách mời. Ví dụ Khách sạn Viễn Đông có 2 sảnh lớn. Nhà hàng hồ bơi Viễn Đông có hội trường chứa tối đa 800 khách (80 bàn). Tuy nhiên, nhà hàng này có thể nhận đặt tiệc tối đa 1.200 khách vì có thể đặt bàn tiệc lấn ra cạnh hồ bơi. Còn nhà hàng Viễn Đông (mặt đường Lê Thánh Tôn) có sức chứa tối đa 550 khách (55 bàn). Trung tâm hội nghị tiệc cưới Âu Lạc Thịnh có đến 4 sảnh “cứng” và 1 sảnh “mềm”. Tương ứng với mỗi sảnh có một kịch bản tổ chức khác nhau. Sảnh Long Quân chứa tối đa 650 khách là cổng hẹn hò với thiết kế vuông tròn tượng trưng cho trời đất theo quan niệm dân gian. Sảnh Âu Cơ chứa 600 khách. Hai sảnh này có hệ thống đường dẫn cô dâu chú rể di động. Sân khấu có hệ thống xoay dẫn cô dâu, chú rể và đón hai họ. Được lắp vách ngăn di động nên sảnh Văn Lang và Âu Cơ có thể ghép thành 1 sảnh lớn Âu Lạc. Đại sảnh “mềm” này có thể chứa được 1.200 khách. Sảnh Âu Cơ và đại sảnh Âu Lạc có bục xoay giới thiệu cha mẹ hai bên với hình con rồng (nhà trai) và con phượng (nhà gái) với ý nghĩa “long phụng kỳ duyên”. Sảnh Hùng Vương chứa được 350 khách, sân khấu với hình ảnh đôi thiên nga tượng trưng cho đôi lứa. Sảnh Văn Lang chứa 450 khách với chủ đề tình biển Nha Trang, sử dụng 2 màu chủ đạo là trắng và xanh nước biển. Hai sảnh này có đế xoay vừa nâng vừa xoay tròn khi cô dâu chú rể uống ly rượu giao bôi. Các sảnh có ưu điểm không có cột nên không bị khuất tầm nhìn.

Tùy theo số lượng bàn đặt, các cơ sở tổ chức tiệc cưới thường có các dịch vụ khuyến mãi đi kèm. Thường từ 20 hoặc 30 bàn trở lên (tùy nhà hàng), các cặp đôi được khuyến mãi kèm trang trí sân khấu, cổng hoa, sổ hồng, vũ đoàn múa nghi thức lễ cưới, bọc ghế, MC, bong bóng, bánh cưới trang trí, tháp rượu, pháo bông… Nếu không sử dụng nước uống tại nhà hàng, các cơ sở thường tính phí dịch vụ khoảng 100 ngàn đồng/bàn hoặc 12 ngàn đồng/người. Khi đặt cọc giữ chỗ, các cơ sở thường yêu cầu 3 hoặc 5 triệu đồng. Một tháng trước ngày cưới, khách hàng ký hợp đồng và đặt trước 30% giá trị hợp đồng. Số tiền còn lại sẽ thanh toán khi hôn lễ kết thúc. Lưu ý các cặp đôi nên thảo luận chi tiết với nhà hàng chương trình nghi lễ, giờ khai tiệc, thứ tự và yêu cầu chất lượng các món ăn, cách tính tiền cũng như chất lượng các bàn phát sinh (nếu có)… Trước ngày cưới 1 đến 2 ngày, các cặp đôi nên đưa những người sẽ thay mình đón khách, quán xuyến các việc trong đám cưới đến nhà hàng và kiểm tra lần cuối.

Một lưu ý nhỏ nhưng cũng rất quan trọng là ban nhạc và quà tặng. Ban nhạc sống tuy vui vẻ, náo nhiệt nhưng có nhiều nơi sử dụng âm thanh quá lớn. Vì thế, hiện nay, nhiều đám cưới thay nhạc sống bằng mở nhạc hòa tấu, nhạc cổ điển hoặc các bản nhạc vui tươi và nhẹ nhàng, vừa lịch sự, ấm cúng lại không tốn chi phí. Tại nhiều đám cưới, khi ra về, khách còn được tặng một tấm thiệp xinh xinh, một món quà lưu niệm nho nhỏ, dễ thương hay viên sôcôla xinh xắn thay lời cảm ơn và lời chúc hạnh phúc của cặp đôi và gia đình gửi tới quan khách.

N.D