09:09, 18/09/2011

“Con dại, cái mang”

Câu thành ngữ này muốn nói đến việc con cái làm điều sai quấy thì cha mẹ là người phải chịu trách nhiệm. “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng…”,

Câu thành ngữ này muốn nói đến việc con cái làm điều sai quấy thì cha mẹ là người phải chịu trách nhiệm. “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng…”, ơn sinh thành không trả hết, ấy vậy mà khi những đứa con làm điều không phải, bậc cha mẹ lại phải gánh chịu với suy nghĩ đơn giản: “Thôi thì con dại, cái mang…”.

Vụ sát thủ Lê Văn Luyện giết một lúc 3 mạng người ở Bắc Giang cho đến nay vẫn còn gây căm phẫn cho người dân khắp nước. Nghe kể, mẹ của Luyện khi biết tin con trai mình là kẻ thủ ác đã nói với các điều tra viên: “Cháu nó còn dại, nhờ các anh dạy bảo cháu… nên người”! Người đàn bà ít học này không hề biết rằng, hành vi che giấu Luyện đã khiến bà và 4 người thân trong gia đình trở thành đồng phạm, cùng bị truy tố. “Con dại, cái mang” - câu thành ngữ này vận vào hoàn cảnh của Luyện quá đúng. Đằng sau chấn song sắt của nhà giam, Luyện không thể ngờ rằng cả gia đình hắn tan nát, người mẹ - dù được tại ngoại - cũng không dám bén mảng về nhà vì sợ điều tiếng và làn sóng căm phẫn của dư luận. Thế mới biết, con gây ra hậu quả một, cha mẹ phải gánh chịu mười. Tội ác thì bị pháp luật trừng phạt nhưng miệng thế gian thì còn mãi…

 Ai sinh con ra cũng mong muốn con nên người… (Ảnh minh họa)

Đã từng chứng kiến nhiều phiên tòa, tôi có thói quen để ý đến những người thân của bị cáo khi dự khán. Trong một vụ xử bị cáo P.V.T (Diên Khánh) về tội “Hiếp dâm trẻ em”, tôi thấy bà mẹ của T. ngất lên ngất xuống. Giờ nghị án, bà sụt sùi kể: “Thằng T. học hết lớp 9 thì nghỉ, ở nhà phụ tôi làm nông. Bữa đó, nó than mệt nên ở nhà. Nào ngờ, nó lại làm chuyện bậy bạ với con bé P. nhà hàng xóm. Tôi nghe tin dữ như sét đánh ngang tai. Nó đi tù đã đành nhưng nỗi nhục này thì cả gia đình gánh chịu. Từ ngày xảy ra vụ án đến giờ, tôi không dám đi đâu, bởi ra đường là thiên hạ xì xầm, chỉ trỏ: “Đó, mẹ thằng T. hiếp dâm kìa…”!”. Bà nói, sau lần đó, bà có qua nhà hàng xóm đưa ít tiền để chữa trị cho cháu P. Bà nói với nhà bị hại, thôi thì “con dại, cái mang”, bà làm được điều gì để bù đắp tội lỗi của con gây ra thì gắng hết sức, chỉ mong bên ấy cảm thông và tha thứ. Phía gia đình bị hại thấy bà cũng tội nghiệp lại biết cách cư xử nên cũng không gây áp lực gì. Thế nhưng, có ai biết được rằng, từ lúc thằng T. bị vướng vào vòng lao lý, không đêm nào bà ngủ yên giấc, nghĩ đến con lại ứa nước mắt, vừa thương vừa giận nó…

Có nhiều vụ án khi đưa ra xét xử, đặc biệt là đối với những bị cáo phạm tội ở tuổi vị thành niên, hầu hết các bậc cha mẹ khi ra Tòa đều nhận lỗi là do mình chưa giáo dục con đến nơi đến chốn. Bị cáo P.L.K (Nha Trang) phạm tội “Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” khi chỉ còn 1 tháng nữa là tròn 18 tuổi. Nhà có điều kiện, K. được bố mẹ sắm cho một chiếc xe máy phân khối lớn. Đêm ấy, K. và mấy người bạn tổ chức ăn mừng tốt nghiệp cấp III. Ăn nhậu xong, K. về, do không làm chủ được tốc độ nên K. đã gây tai nạn cho một người đi bộ, khiến ông này tử vong tại chỗ. Cha mẹ K. đã bồi thường khá nhiều tiền cho gia đình nạn nhân, chạy vạy đầu này đầu kia để mong con trai thoát khỏi án tù. Nhưng tất cả đều không cứu được cậu quý tử của họ. Bố của K. phân trần: “Biết là chưa đến tuổi được phép lái xe, nhưng thấy cháu nó đòi quá nên vợ chồng tôi mua xe để nó bằng bạn bằng bè. Giờ nghĩ lại mới thấy lỗi là do mình, nếu vợ chồng tôi kiên quyết không mua xe cho nó thì đâu có cảnh như ngày hôm nay…”. “Con dại, cái mang”, biết vậy nhưng họ cũng không thể nào “mang” hết cho con được, khi con đường vào đại học của K. trở nên xa tít tắp…

Gặp bà N. - cán bộ hưu trí ở phường Phước Hòa (Nha Trang), tình cờ biết chuyện bà mới bán nhà để trả nợ cho con. Con gái bà, chị G. - nghe nói do làm ăn thua lỗ, nợ của người ta gần chục tỷ đồng. Từ lúc biết tin, bà chạy đôn chạy đáo, gom góp hết tiền của để dành vẫn không thể trả hết nợ. Đứng trước nguy cơ con gái có thể phải đối diện với pháp luật, bà bàn với chồng và quyết định bán nhà, bán hết đất đai mà bấy lâu nay vợ chồng bà tích cóp mua được. Bán nhà, đất xong, trả nợ hết cho con gái, ông bà mua một căn nhà chỉ chừng 40m2 ở ven thành phố để ở. “Con dại, cái mang. Nó làm ăn ở đâu, lời lãi thế nào tôi không biết. Đến khi đổ nợ, nó về nhà khóc lóc, đòi tự vẫn. Thương con, tôi đành phải làm như thế để cứu nó. Thôi thì thà chịu khổ một chút cho con thanh thản, còn hơn là ngồi nhìn con bị pháp luật xử lý…” - bà N. ngậm ngùi nói.

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Ai sinh con ra cũng mong muốn con sẽ nên người, thành người có ích cho xã hội. Nhưng cũng không ai lường trước được điều gì khi con cái lỡ làm điều sai quấy. Nhiều ngày nay, báo chí thường đề cập đến vấn đề tội phạm ngày càng được trẻ hóa và coi đó là hồi chuông báo động về đạo đức xã hội. Điều này cho thấy, gia đình có một vai trò quan trọng đối với việc hình thành nhân cách. Nếu ai đó chỉ lo cho mình mà không quan tâm đến việc xây dựng gia đình, cụ thể hơn là việc dạy dỗ con cái, thì đó là bi kịch - bi kịch gia đình dẫn đến bi kịch xã hội. Vẫn biết “con dại, cái mang”, nhưng nếu mỗi gia đình đều xây dựng một nền tảng tốt cho con cái thì sẽ hạn chế được những bi kịch ấy…

NHÃ KỲ