04:08, 11/08/2011

Ly hôn trẻ

Bà Lan Anh - thẩm phán chuyên xử án hôn nhân, gia đình ở Tòa án nhân dân TP. Nha Trang cho biết: “Tình trạng ly hôn những năm gần đây có chiều hướng gia tăng, trong đó có rất nhiều cặp vợ chồng trẻ.

 
 Ảnh minh họa
Bà Lan Anh - thẩm phán chuyên xử án hôn nhân, gia đình ở Tòa án nhân dân TP. Nha Trang cho biết: “Tình trạng ly hôn những năm gần đây có chiều hướng gia tăng, trong đó có rất nhiều cặp vợ chồng trẻ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn, nhưng đối với những cặp vợ chồng trẻ, sự ảo tưởng, ngộ nhận về tình yêu và hôn nhân gia đình có lẽ là lý do hàng đầu khiến họ yêu vội vàng, chia tay sớm!”.

. Khi “trời không chịu đất, đất cũng không chịu trời”!

Bà Lan Anh kể, có cặp vợ chồng nọ mới ở với nhau được 2 năm đã đưa nhau ra Tòa. Tuy đã qua mấy lần hòa giải nhưng họ vẫn nhất quyết đòi ly hôn. Thật ra, khi tiến hành hòa giải, Tòa đã nhận thấy giữa họ không có mâu thuẫn gì to tát mà chỉ toàn là những chuyện vụn vặt. Chẳng hạn như: cô vợ chê anh chồng lười biếng, cẩu thả, bừa bãi, không còn quan tâm đến vợ như trước; anh chồng thì cho rằng cô vợ tính khí trẻ con, “mưa nắng” thất thường, lại còn tiêu xài phung phí, không biết dành dụm cho gia đình. Khi hỏi lúc yêu họ có thấy “một lô xắc xông” những khuyết điểm của người bạn đời không, cả hai nói họ yêu nhanh, cưới nhanh nên lúc đó, người này trong mắt người kia đều… đẹp!

Nhiều thẩm phán chuyên xử ly hôn cũng cho rằng, nếu như các cặp vợ chồng lớn tuổi dẫn nhau ra Tòa vì nguyên nhân ngoại tình, nhàm chán, không còn hợp nhau thì ở các cặp vợ chồng trẻ, sự hiếu thắng, sĩ diện, thiếu thực tế, cái “tôi” quá lớn… chính là nguyên nhân làm rạn nứt quan hệ vợ chồng. Bảo Lan - 23 tuổi và Thành Dũng - 25 tuổi vừa mới đưa nhau ra Tòa tháng trước là một ví dụ điển hình của “ly hôn trẻ”. Có trình độ, có công việc ổn định, thu nhập tương đối cao, cả hai quyết định lấy nhau sau một thời gian ngắn tìm hiểu. Lan là trưởng phòng nhân sự của một công ty liên doanh nước ngoài, còn Dũng là kiến trúc sư. Ai cũng khen họ là một cặp “trai tài, gái sắc”. Nhưng khi vừa góp gạo thổi cơm chung được vài tháng, họ đã muốn đường ai nấy đi. Dũng tâm sự: “Cô ấy quá cá tính, có phần ương ngạnh. Có những vấn đề rất nhỏ thôi nhưng mỗi khi tranh cãi, cô ấy luôn tìm mọi cách chứng minh là mình đúng. Tôi có cảm giác khi ở nhà, cô ấy cũng chứng tỏ quyền uy của “sếp”. Hai cá thể không cùng quan điểm, sở thích, suy nghĩ bị “nhốt” chung một nhà, nếu “trời không chịu đất, đất cũng chẳng chịu trời” thì mâu thuẫn xảy ra là điều tất yếu”. Trong khi đó, Lan lại cho rằng, khi yêu Dũng rất ga-lăng, chiều chuộng người yêu, lãng mạn… Nhưng khi thành chồng, cô cảm thấy thất vọng về anh vì suốt ngày Dũng chỉ chúi đầu vào máy vi tính, không quan tâm đến vợ, thậm chí còn không nhớ nổi ngày sinh nhật của vợ… Cô nói với Dũng để mong anh sửa đổi thì anh lại cáu gắt: “Là vợ chồng rồi thì phải khác lúc còn yêu nhau chứ, suốt ngày lãng mạn như thế có mà… nhịn đói à!”. Lâu dần, những mâu thuẫn nhỏ tích tụ thành mâu thuẫn to. Mới đầu, họ còn tranh cãi, to tiếng với nhau. Sau đó, họ chuyển sang… chiến tranh lạnh và càng ngày, họ càng tránh mặt nhau, dù vẫn ở chung một nhà. Ra Tòa, họ chỉ nói ngắn gọn là do không hợp nhau và đều không muốn hòa giải vì cả hai chưa có con, tài sản chung cũng không có gì. Vì vậy, họ muốn Tòa giải quyết sớm để giải thoát cho cuộc hôn nhân nhàm chán này.

. Nghệ thuật “nhắm một mắt”

Chỉ vì cái tôi quá lớn nên khi xảy ra mâu thuẫn, đa số các cặp vợ chồng trẻ đều muốn giải quyết nhanh gọn để nhanh chóng đường ai nấy đi. Có người cho rằng, giới trẻ ngày nay có xu hướng yêu nhanh, cưới vội và… chia tay sớm. Quan niệm yêu vội vàng, dễ dãi của nhiều bạn trẻ ngày nay khiến tình yêu trở thành một thứ “giải trí”. Có nhiều cặp lấy nhau chỉ để giải quyết hậu quả vì đã lỡ “ăn cơm trước kẻng”. Những trường hợp này, nguy cơ tan vỡ sớm cũng là điều tất yếu, vì trong khi cả hai chưa ổn định về kinh tế lại phải đối mặt với những khó khăn của cơm - áo - gạo - tiền, nếu không biết chia sẻ, thông cảm và nén lại cái tôi của mỗi người, mâu thuẫn, xung đột sẽ bùng nổ. Có những cặp đến với nhau khi chưa đủ độ chín chắn, khi yêu chỉ toàn thấy màu hồng, đến lúc chung sống, va chạm với nhau, dễ dàng nhận thấy những khuyết điểm của nhau, thay vì chấp nhận, họ lại có cảm giác thất vọng, không còn thấy “cô ấy, anh ấy” như trước nữa và bắt đầu có cảm giác chán chường, không còn hứng thú với cuộc sống vợ chồng.

Giai đoạn từ 3 đến 5 năm sau cưới là một cột mốc rất quan trọng trong hôn nhân. Nếu các cặp vợ chồng trẻ vượt qua những thử thách của thời kỳ này, tình trạng hôn nhân sẽ được cải thiện. Theo các chuyên gia tâm lý, để mối quan hệ vợ chồng không bị rạn nứt, người trong cuộc nên biết cách sống “nhắm một mắt”. Nghĩa là cần phải biết chấp nhận, thích nghi với những khuyết điểm, hạn chế của người bạn đời, phải biết “cho qua” khi việc nhỏ xảy ra để chuyện nhỏ không bùng lên thành chuyện lớn. Quan trọng nhất là mỗi người cần phải biết kìm nén cái tôi của mình đúng lúc, giống như ông bà xưa đã dạy “chồng giận thì vợ bớt lời/cơm sôi nhỏ lửa có đời nào khê…”.

Bà Bích - cán bộ hưu trí ở phường Vĩnh Hải tâm sự: “Vợ chồng tôi thuộc dạng khắc khẩu. Từ hồi còn trẻ, chúng tôi thường xuyên va chạm, cãi vã, không ai chịu ai. Lúc đó, tôi thấy thất vọng về chồng mình vì anh ấy khác xa lúc mới yêu. Nhưng càng sống chung với nhau, tôi càng nghiệm ra một điều, cứ sống kiểu “nhắm một mắt” thì mọi chuyện sẽ đơn giản hơn. Dần dần, chồng tôi cũng biết cách “nhắm một mắt” nên ông ấy thông cảm và chia sẻ với vợ hơn. Hãy sống rộng lượng, bao dung, bỏ qua thiếu sót của nhau, sóng gió rồi cũng sẽ qua, tình cảm vợ chồng gắn bó hơn…”.

Câu chuyện của bà Bích cũng là kinh nghiệm cho những đôi vợ chồng chưa biết cách sống “nhắm một mắt”. Cổ nhân có câu: “con đê dài ngàn dặm, vẫn bị phá hủy bởi tổ kiến nhỏ”. “Con đê” hôn nhân tuy có vững chắc thế nào, vẫn bị những việc vụn vặt, nhỏ nhoi làm cho tan vỡ. Vậy nên, để hôn nhân bền vững, chính những người trong cuộc phải biết cách “giữ lửa” cho tổ ấm của mình, bắt đầu từ những việc đơn giản nhất…

HẢI NGUYỆT