11:07, 31/07/2011

Khi vợ chồng không cùng một hướng…

Đã rất nhiều lần anh Bắc góp ý với chị Nhung rằng không nên chiều chuộng cậu con trai thái quá khiến con lười biếng, ỷ lại, phải để con làm việc mới biết quý trọng sức lao động, mới chi tiêu tiết kiệm… song chị vẫn bỏ ngoài tai tất cả.

 

Đã rất nhiều lần anh Bắc góp ý với chị Nhung rằng không nên chiều chuộng cậu con trai thái quá khiến con lười biếng, ỷ lại, phải để con làm việc mới biết quý trọng sức lao động, mới chi tiêu tiết kiệm… song chị vẫn bỏ ngoài tai tất cả. Thậm chí, chị còn giận dỗi: “Nó là con của anh chứ nào phải người dưng mà sao anh không thương nó? Chẳng lẽ phải nhìn thấy con cực khổ anh mới vui lòng sao?”. Sự bất đồng quan điểm đó chính là nguyên nhân khiến vợ chồng anh Bắc thường xuyên mâu thuẫn, bất hòa. Đành rằng, hiếm muộn mãi mới sinh được cậu con trai, điều kiện vật chất lại khá giả, song ý thức được những mối nguy hiểm có thể xảy ra nếu quá chiều chuộng, bao bọc con nên anh Bắc không thể làm ngơ trước những việc làm của vợ. Từ những bộ quần áo hàng hiệu cho đến chiếc điện thoại sành điệu, chiếc xe máy đắt tiền…, hễ con đòi hỏi là chị nhiệt tình đáp ứng. Tuy con đã là sinh viên đại học song chưa một lần chị để con động tay vào việc bếp núc, dọn dẹp nhà cửa; thậm chí cả việc gấp chăn màn sau khi ngủ dậy, treo quần áo lên móc… chị cũng làm thay con. Anh nghiêm khắc nhắc nhở khi con đi chơi về muộn, không xin phép bố mẹ thì chị lại bênh vực rằng nó đã gọi điện thông báo nhưng chị quên. Anh yêu cầu con phải chú tâm học hành, hạn chế giao du với đám bạn lêu lổng thì chị bao biện con gặp gỡ bạn bè cho khuây khỏa đầu óc, rằng tuổi trẻ bây giờ phóng khoáng, năng động, không sống khép kín như thời anh chị ngày trước. Anh phân tích với con trai rằng, dẫu bố mẹ có yêu thương đến đâu cũng chẳng thể theo chân con suốt đời nên phải nỗ lực rèn luyện để tự đi trên chính đôi chân mình thì chị quy kết anh vô cảm…

Tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” ấy không chỉ khiến tình cảm vợ chồng trở nên thiếu khăng khít mà uy thế của người cha trong mắt đứa con cũng ngày một giảm sút. Nó coi thường những lời dạy bảo của bố vì biết chắc luôn nhận được sự “hậu thuẫn” từ phía mẹ. Đáng báo động nhất là bản tính yếu đuối, nhu nhược, quen dựa dẫm, thích đòi hỏi, đua đòi… của con trai anh chị ngày càng bộc lộ rõ nét.

Một trường hợp khác, đó là Liên - một giáo viên tiểu học, thường xuyên tiếp xúc và khá am hiểu tâm lý trẻ em nên chị rất mềm mỏng, khéo léo trong cách nuôi dạy con cái. Với phương châm không dùng roi vọt, mắng chửi mà dùng những lời nói nhỏ nhẹ, ngọt ngào, lựa tính cách, độ tuổi của từng đứa con rồi áp dụng hình thức giáo dục phù hợp sao cho đạt hiệu quả cao nhất nên hai cô con gái của chị học hành giỏi giang, cư xử lễ phép và rất quấn quýt mẹ. Vậy nhưng, anh Hưng - chồng chị, bản tính lại cứng nhắc, gia trưởng. Hễ con làm sai điều gì là anh quát tháo ầm ĩ, dọa nạt, thậm chí anh còn phạt con úp mặt vào tường, dùng roi đánh. Những lúc anh ở nhà, hai cô con gái luôn ở trong tình trạng nơm nớp lo sợ… Với mong muốn hai vợ chồng tìm được tiếng nói chung trong giáo dục con cái, chị Liên đã nhiều lần khuyên chồng giữ bình tĩnh, không nên giận dữ thốt lên những lời nặng nề khiến tâm hồn con trẻ bị tổn thương mà nhỏ nhẹ phân tích, chỉ bảo con rút kinh nghiệm. Anh Hưng chẳng những không nghe mà còn bảo thủ, cho rằng trong gia đình phải có trên, có dưới, con cái còn nhỏ phải biết sợ cha mẹ thì lớn lên mới trưởng thành được. Nhiều lần, trước mặt con, anh lớn tiếng xúc phạm chị là giáo viên mà không biết dạy dỗ con. Không khí gia đình luôn ở trong tình trạng căng thẳng, khoảng cách giữa hai vợ chồng cũng ngày một xa thêm.

Khi hai vợ chồng sát cánh bên nhau cùng một hướng trong việc giáo dục con cái và giải quyết các vấn đề gia đình, đó sẽ là tấm gương rèn luyện cho con cái những kỹ năng quan trọng nhất trong cuộc sống…

HOÀI HƯƠNG